Tập đoàn Masan dự kiến phát hành hơn 7 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành thấp hơn 86% thị giá

Giá phát hành cổ phiếu ESOP của Tập đoàn Masan là 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 86% so với thị giá cổ phiếu hiện hành. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Tập đoàn Masan và hệ thống WinCommece
Tập đoàn Masan cho biết kết quả hoạt động doanh quý 1/2023 vẫn khả quan bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức. Trong đó, nền tảng bán lẻ tiêu dùng WinCommerce ghi nhận doanh thu thuần tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước bất chấp xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Mới đây, Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN - sàn: HoSE) đã thông qua việc phát hành hơn 7,1 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP).

Lượng cổ phiếu ESOP này tương đương 0,499% tổng số cổ phần đang lưu hành của Tập đoàn Masan. Toàn bộ số cổ phiếu này là cổ phần phổ thông với giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cổ phần.

Tập đoàn Masan cho biết chương trình ESOP này nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên có đóng góp cho tập đoàn được cùng chia sẻ sự phát triển và thành công của tập đoàn thông qua việc có cơ hội sở hữu cổ phần với giá ưu đãi so với giá thị trường.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/5, giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đạt 72.400 đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá phát hành của cổ phiếu ESOP thấp hơn khoảng 86% so với thị giá cổ phiếu MSN hiện hành. Lượng cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Số lượng người lao động được tham gia chương trình ESOP này là 49 người, bao gồm nhiều thành viên trong ban lãnh đạo của Tập đoàn Masan và các đơn vị thành viên của tập đoàn. Thời gian thực hiện việc phát hành cổ phiếu ESOP dự kiến được Tập đoàn Masan thực hiện trong quý 2 hoặc quý 3/2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong trường hợp cổ phiếu ESOP không bán hết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị hoặc Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan sẽ quyết định phân phối tiếp cho người lao động trong danh sách với giá bán và thời gian hạn chế chuyển nhượng không thay đổi.

Về tình hình hoạt động kinh doanh, theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý 1/2023, Tập đoàn Masan ghi nhận hơn 18.700 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 2,8% so với quý 1/2022. Biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2023 tiếp tục được duy trì quanh mức 27%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế trong quý 1/2023 chỉ đạt hơn 439 tỷ đồng, giảm gần 77% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu tài chính trong kỳ giảm mạnh 35%, trong khi chi phí tài chính lại tăng tới 53% và chi phí bán hàng tăng 9% so với quý 1/2022.

Tập đoàn Masan nhận định, tổng quan, kết quả hoạt động doanh vẫn khả quan bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức. Đáng chú ý, nền tảng bán lẻ tiêu dùng WinCommerce ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.335 tỷ đồng trong quý 1/2023, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước bất chấp xu hướng thắt chặt chi tiêu. Tỷ suất lợi nhuận gộp của WinCommerce không thay đổi ở mức 22,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

WinCommerce đã mở thêm 55 cửa hàng WinMart+ và 1 WinMart mới, tổng cộng có 3.442 địa điểm trên toàn quốc cho cả siêu thị minmart và siêu thị trong 3 tháng đầu năm nay.

Trong quý 2 này, WinCommerce sẽ nâng cao năng suất bán hàng bằng cách dự kiến mở mới 330 siêu thị minmart và 5 siêu thị. Đối diện với tâm lý tiêu dùng thắt chặt, WinCommerce đã liên tục hạ thấp chỉ số định giá và thu hẹp khoảng cách với thị trường để cải thiện lượt khách đến cửa hàng, giúp bù đắp sự sụt giảm của giỏ hàng chi tiêu.

Bên cạnh đó, WinCommerce sẽ tung ra mô hình siêu thị mới và triển khai mô hình nông thôn cho các siêu thị nhỏ. Đặc biệt, Tập đoàn Masan cho biết mô hình nông thôn cho các siêu thị nhỏ sẽ giúp người dân nông thôn tiết kiệm chi phí mua sắm khi chuyển toàn bộ chi phí tiết kiệm được từ việc tinh giản chi phí đầu tư và chi phí hoạt động của cửa hàng. Mô hình này được kỳ vọng sẽ là động lực cho các tăng trưởng mạnh mẽ của Tập đoàn Masan trong tương lai.

Duy Quang