PwC Việt Nam nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Địa ốc No Va (Tập đoàn Novaland, mã cổ phiếu NVL – sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên 2023 đã được soát xét bởi hãng kiểm toán PwC Việt Nam với nhiều điểm đáng lưu ý.
Trong đó, báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét ghi nhận Tập đoàn Novaland lỗ thêm hơn 483 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nay so với số liệu do tập đoàn bất động sản này tự công bố trước đó. Như vậy, Tập đoàn Novaland lỗ hơn 1.094 tỷ đồng sau nửa đầu năm nay.
Đáng chú ý, hãng kiểm toán PwC Việt Nam cho biết mặc dù không đưa ra kết luận ngoại trừ nhưng nghi ngờ “đáng kể” về khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn Novaland trong bối cảnh tập đoàn bất động sản này ghi nhận mức thua lỗ lớn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Giả định Tập đoàn Novaland có thể hoạt động liên tục phụ thuộc vào khả năng có thể thanh toán hoặc tái cấu trúc lại các khoản nợ vay và trái phiếu sắp đáo hạn, cũng như thực hiện các giải pháp khác tạo ra dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh, theo hãng kiểm toán PwC Việt Nam.
Các giả định chính về hoạt động liên tục của Tập đoàn Novaland gồm:
Thứ nhất, giải phóng tiền gửi đang bị giới hạn sử dụng bởi ngân hàng. Tính đến ngày 30/6/2023, Tập đoàn Novaland đang có 2.121 tỷ đồng bị giới hạn sử dụng bởi các ngân hàng cho vay. Số tiền này sẽ được giải phóng nếu được sử dụng cho đúng mục đích của các dự án do ngân hàng quản lý.
Theo PwC Việt Nam, tính đến ngày báo cáo tài chính bán niên xoát sét được lập, Tập đoàn Novaland đã đạt được thoả thuận với các ngân hàng để giải chấp số tiền 265 tỷ đồng. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận. Số tiền còn lại đang trong quá trình thảo luận và ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland tin rằng “sẽ đạt được thoả thuận với các ngân hàng còn lại”.
Thứ hai, tái cấu trúc khoản nợ vay và nợ trái phiếu. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng số nợ vay và nợ trái phiếu của Tập đoàn Novaland là 61.589 tỷ đồng (giảm 5% so với cuối năm 2022), chiếm gần 24% tổng tài sản của tập đoàn này.
Tập đoàn Novaland đã thanh toán được 611 tỷ đồng trên dư nợ gốc; số dư nợ còn lại đang được đàm phán để tiến hành gia hạn hoặc sẽ thanh toán một phần bằng cách thu hồi các khoản đầu tư và thanh lý tài sản đảm bảo. Một số chủ nợ đã đồng ý việc gia hạn thời gian đáo hạn các khoản nợ hoặc chấp nhận thanh toán bằng tài sản khác.
PwC Việt Nam cho biết, tại ngày phê duyệt báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, Tập đoàn Novaland đang đàm phán với các chủ nợ còn lại có thời gian đáo hạn trong 12 tháng tới để gia hạn thời gian đáo hạn và hoán đổi với bất động sản. Ban lãnh đạo Tập đoàn Novaland tin tưởng rằng “sẽ đạt được các thoả thuận tương tự với các chủ nợ còn lại”.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Novaland sẽ bán tài sản với số tiền dự kiến là 499 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ đến hạn trả trong khoảng thời gian quy định.
Thứ ba, tái cấu trúc doanh nghiệp. Tập đoàn Novaland tiếp tục quá trình tái cơ cấu toàn diện và được kỳ vọng sẽ giảm các tài sản sinh lợi thấp để tập trung nguồn lực phát triển và kinh doanh các dự án bất động sản mà tập đoàn này có lợi thế kinh doanh.
Dữ liệu cho thấy trong tổng số gần 257.300 tỷ đồng tổng tài sản của Novaland, có đến 139.000 tỷ đồng là hàng tồn kho. Trong đó có gần 127.800 tỷ đồng là bất động sản để bán nhưng đang xây dựng, chỉ hơn 11.100 tỷ đồng đã hoàn thành để bán. Bên cạnh đó là hơn 43.800 tỷ đồng là các khoản phải thu dài hạn; trong đó, là 39.200 tỷ đồng đã dùng để hợp tác đầu tư cùng đối tác). Đây chính là điều tạo nên áp lực tài chính lớn nhất trong khối nợ vay của Novaland.
Tập đoàn Novaland khẳng định đang nỗ lực cải thiện tình hình tài chính
Trước các ý kiến được nêu ra trong báo cáo tài chính bán niên đã soát xét, Tập đoàn Novaland cho biết nguyên nhân số lỗ tăng mạnh là do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán. Tuy nhiên, tập đoàn này nhấn mạnh “đã có thỏa thuận thống nhất lịch thu tiền, dự kiến trong năm tài chính 2023 sẽ ghi nhận khoản thu nhập 283,8 tỷ đồng trong số 483 tỷ đồng nêu trên”.
Về vấn đề đơn vị kiểm toán quan ngại về giả định hoạt động liên tục, Tổng Giám đốc Novaland ông Ng Teck Yow cho biết “Chúng tôi đã cập nhật và chia sẻ minh bạch các khó khăn hiện nay như tình hình kinh tế thế giới, khu vực với nhiều biến động, lãi suất tăng cao và hậu COVID nền kinh tế chưa kịp phục hồi cộng với các khó khăn chậm trễ pháp lý đã ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động kinh doanh và thanh khoản của công ty”.
Lãnh đạo Tập đoàn Novaland cũng nhấn mạnh, nhằm giải quyết khó khăn chung của thị trường, Chính phủ và Bộ, ban, ngành các cấp đã liên tiếp thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ, ban hành các chính sách cụ thể, đặc biệt tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, giúp các doanh nghiệp bất động sản tái cấu trúc nợ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính và phục hồi thị trường bất động sản.
Hiện một loạt dự án trọng điểm của Tập đoàn Novaland đã được tái khởi động. Qua đó, kỳ vọng sẽ có dòng tiền để tài trợ cho hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần. Đồng thời, Tập đoàn Novaland cũng đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện với sự tư vấn của các công ty tư vấn chuyên nghiệp hàng đầu thế giới nhằm giúp cải thiện tình hình tài chính và tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày giao dịch hôm nay 30/8, cổ phiếu NVL đã chịu áp lực giảm đáng kể. Kết thúc phiên giao dịch buổi sáng, cổ phiếu NVL đã giảm 1,72%, xuống còn 20.000 đồng/cổ phiếu.