Tập trung cùng lúc 400 nhà thầu thi công Tổ hợp Hoá dầu miền Nam

Chủ tịch Tập đoàn SCG, ông Roongrote Rangsiyopash đã thông báo như vậy khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp chiều ngày 26/2.

Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tập đoàn đã có các hoạt động đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như hóa chất, vật liệu xây dựng và bao bì, đóng góp thiết thực vào mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.

a
Phác họa Tổ hợp Hóa dầu miền Nam sau khi hoàn thành

 

Cách đây hơn 1 năm, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Thái Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 17/8/2017, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, PVN và Tập đoàn Siam Cement (SCG) đã ký Thỏa thuận hợp tác về việc thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam. Theo Thỏa thuận được ký, PVN và SCG sẽ thúc đẩy tiến độ Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam và sự phát triển của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) - Chủ đầu tư Dự án. Cụ thể: Hai bên đồng ý hỗ trợ tối đa để LSP bắt đầu thực hiện Hợp đồng EPC sớm nhất có thể trong Quý IV năm 2017; hai bên đồng ý rằng LSP sẽ ưu tiên các đơn vị thành viên/công ty con của PVN tham gia cung cấp dịch vụ, hàng hoá cần thiết phục vụ cho Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam.

Ngoài ra, PVN và SCG cũng thống nhất các bên góp vốn đảm bảo việc thu xếp vốn phải khả thi và được các ngân hàng chấp thuận cho vay để đạt được các điều khoản, điều kiện tốt nhất. Nếu các bên cho vay của LSP yêu cầu, SCG sẽ xem xét cấp bảo lãnh cho 100% các khoản vay của LSP, bao gồm cả phần vay của PVN (tương ứng 29% vốn góp vào Dự án). Nội dung này có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện nhà đầu tư là SCG cam kết mạnh mẽ trong việc triển khai Dự án. Đồng thời, PVN sẽ xem xét ký một thỏa thuận hoàn trả SCG với số tiền cam kết hoàn trả không vượt quá tỷ lệ tham gia của PVN trong LSP (29%) trong trường hợp các bên cho vay yêu cầu SCG thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay LSP.

Tại buổi tiếp nói trên, Chủ tịch Tập đoàn SCG, ông Roongrote Rangsiyopash cho biết về tiến độ dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam do Tập đoàn triển khai. Ông cho biết, dự án đảm bảo tiến độ và dự kiến đưa vào vận hành năm 2023.

Tập đoàn cũng đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng để thúc đẩy tiến độ dự án. Hiện có khoảng 400 nhà thầu đang thi công dự án, khoảng 60 kỹ sư Việt Nam đang làm việc và sẽ đưa các kỹ sư này đi đào tạo chuyên sâu để nâng cao chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. Tập đoàn cam kết tiếp tục thi công đúng tiến độ, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường.

Dự án xây dựng Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam tại xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) làm chủ đầu tư. Đây là Tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn olefin/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỉ USD. Tỷ lệ góp vốn của các bên vào LSP như sau: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (29%), Công ty Hoá chất VSCG Chemical thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất TPC (Thái Lan - 18%).

Dự án xây dựng Tổ hợp Hoá dầu miền Nam Việt Nam sẽ áp dụng công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, vận hành an toàn và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo cho ra sản phẩm hóa dầu có chất lượng cao là các loại nhựa PP, PE…

Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66ha đất xây dựng cảng. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…

 

Dương Hải