Thúc đẩy kinh tế nông thôn: “Không ai làm tốt hơn doanh nghiệp”

(Chinhphu.vn) - Trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội sáng ngày 11/6, có thể nhận thấy “mạch” trả lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát là coi việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông ngh
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội nêu vấn đề khó của nông nghiệp hiện nay là đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cũng như công nghệ chế biến lạc hậu, không gia tăng giá trị cho sản phẩm, nâng cao thu nhập nông dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Đại biểu Trương Minh Hoàng (tỉnh Cà Mau) hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát ở đâu để ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, khi mà Việt Nam đã và đang gia nhập nhiều Hiệp định thương mại tự do lớn?

Vẫn đại biểu này và một số đại biểu khác đề nghị ông Phát đưa ra kế hoạch, giải pháp khả thi để chuyển giao công nghệ, ứng dụng khoa học và kỹ thuật vào bảo quản, chế biến nông sản.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo Bộ, chính quyền các cấp hướng dẫn nông dân về những cây trồng, vật nuôi có khả năng cạnh tranh, có thị trường. Mặt khác, hỗ trợ cho nông dân về kỹ thuật, vốn để bà con sản xuất ra những sản phẩm năng suất cao hơn, giá thành hạ hơn.

Để thực hiện chính sách này, “rõ ràng yêu cầu mới đặt ra là phát triển mạnh hơn 2 thành phần là các tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp (DN). Nếu việc tổ chức sản xuất có hai yếu tố này sẽ hạn chế việc sản xuất tự phát của nông dân và giúp sản xuất ổn định hơn”, ông Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng bày tỏ: “Nỗi lo lớn nhất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT hiện nay là khâu chế biến và tiêu thụ. Muốn tiêu thụ hay chế biến được phải có DN”. Do vậy, phải thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, kể cả doanh nghiệp FDI.

“Rõ ràng chúng tôi có trách nhiệm trong việc thực hiện quy hoạch, xây dựng cơ chế chính sách thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp và chúng tôi đang làm gắt gao với cơ quan chức năng về các vấn đề thú y, bảo vệ thực vật, các chính sách vốn, thuế, tín dụng để hỗ trợ DN. Từ đó, chúng tôi muốn đưa ra một tín hiệu với DN rằng, chúng tôi sẽ làm hết sức để mời gọi các vị đầu tư vào nông nghiệp”, vẫn theo lời Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Trước đó, nói về thực trạng DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết số lượng DN này hiện rất ít, chỉ chiếm khoảng 4% tổng số DN hoạt động ở trong nước. Những DN có tiềm lực tài chính, kho tàng, công nghệ chế biến còn rất ít nên khó đầu tư lớn vào nông nghiệp.

Không chỉ vậy, các hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới còn rất ít ở nông thôn nên khó hỗ trợ DN trong liên kết với nông dân.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đoàn Thái Bình. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đoàn Thái Bình bày tỏ Luật Hợp tác xã năm 2012 vừa được triển khai nhưng rất khó khăn. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cũng nói vấn đề này rất khó. Đại biểu hỏi trách nhiệm Bộ trưởng tới đâu khi xây dựng Luật mà không lường trước những khó khăn này và liệu có phải sửa luật không?

Mặc dù câu hỏi này thuộc về lĩnh vực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan soạn thảo Luật HTX 2012) nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hiện có 10% tổng số HTX nông nghiệp chuyển đổi sang hình thức mới theo quy định của Luật nhưng còn chậm.

Tuy nhiên, trong Quý này, Chính phủ sẽ ban hành nghị định để thực hiện Luật, Bộ trưởng cho biết và đề nghị các địa phương tích cực tham gia góp ý, thực hiện để HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả hơn, không chỉ giúp ích cho nông dân mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động của các DN.

Theo Cổng thông tin Điện tử Chính phủ