Trong chín năm trường kỳ kháng chiến (1946-1954), sản xuất phân tán, thị trường bị chia cắt phức tạp theo thế “cài răng lược” giữa vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm, công tác đảm bảo và phát triển lưu thông hàng hóa là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các bộ tiền thân của Bộ Công Thương và của Chính phủ nhằm ổn định sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng nhu cầu của cuộc kháng chiến, tiến tới xây dựng nền kinh tế kháng chiến có khả năng tự cấp, tự túc về mọi mặt.
Theo sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010, thời kỳ đó đã hình thành một số đơn vị chuyên trách, được giao nhiệm vụ thu mua các loại hàng hóa cần thiết cho bộ đội và các cơ quan nhà nước khác. Ngay từ đầu năm 1947, Nha Tiếp tế được giao nhiệm vụ thu mua thóc gạo trên thị trường. Tháng 2/1948, hoạt động của Nha Tiếp tế được thay thế bởi Cục Tiếp tế Vận tải thuộc Bộ Kinh tế (nay là Bộ Công Thương).
Ngoài gạo và muối, danh mục hàng hóa được Cục Tiếp tế Vận tải thu mua mở rộng thêm một số nguyên liệu, vật tư sản xuất như bông để kéo sợi, tre nứa và vỏ cây dó để làm giấy… Đến tháng 11/1950, Sở Nội thương thuộc Bộ Kinh tế được thành lập thay thế cho Cục Tiếp tế Vận tải.
Tất cả các loại hàng hóa được Nhà nước thu mua và dự trữ chủ yếu được phân phối cho bộ đội, cơ quan nhà nước, xí nghiệp quốc doanh và một phần cho nhân dân các vùng miền núi nhưng chỉ trong một số trường hợp thị trường tự do thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng.
Các cơ quan nhà nước chuyên trách này được xem là các thành phần mới trong việc lưu thông hàng hóa trên thị trường, nhưng xuyên suốt cuộc kháng chiến, các cơ quan này chủ yếu đóng vai trò là người mua hàng vào để phục vụ hoạt động của Nhà nước và xuất khẩu. Chỉ từ khi Sở Mậu dịch được thành lập vào năm 1951 thì mới có việc bán hàng ra cho nhân dân, nhưng chỉ nhằm điều tiết giá tại một số thị trường chính.
Phần lớn việc phân phối hàng hóa trên thị trường trong suốt cuộc kháng chiến dựa vào thương nhân. Thương nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng tự do, cũng như giữa vùng tự do với vùng tạm bị địch chiếm. Dựa trên việc giá nhiều loại hàng hóa có sự chênh lệch lớn giữa vùng sản xuất và vùng tiêu thụ do tình trạng bị chia cắt, sự khác biệt về trình độ kinh tế giữa các địa phương, thị trường xuất hiện các luồng giao thương hàng hóa giữa các địa phương, tỉnh, khu và liên khu do sự hoạt động của thương nhân. Đây được xem là điểm độc đáo trong hoạt động thương mại thời chiến tranh. Các luồng hàng hóa này tập trung vào một số loại hàng hóa dân sinh chính, thiết yếu như thóc gạo, muối, vải…
Điển hình là luồng muối xuất phát từ Nam Định, Thái Bình thuộc Liên khu III lên Việt Bắc và Tây Bắc. Nếu so sánh với giá gạo thì giá muối tại Nam Định, Thái Bình có mức quy đổi 1 muối đổi 1 gạo, nhưng tại Việt Bắc thì mức quy đổi này lên tới 1 muối đổi 5 gạo, tạo ra mức lợi nhuận lớn cho thương nhân tham gia kinh doanh.
Đồng thời, khi trở về, thương nhân còn có thể kiếm thêm lãi bằng việc vận chuyển hàng lâm thổ sản của Việt Bắc, Tây Bắc về bán lại tại Liên khu III, Liên khu IV, cũng như vùng tạm bị địch chiếm. Đường di chuyển của các luồng hàng hóa này thường xuyên thay đổi theo tình hình chiến sự giữa ta với địch.
Nhận thấy tác dụng tích cực của các luồng giao thương hàng hóa này cũng như vai trò của thương nhân trong việc phát triển kinh tế vùng tự do, Chính phủ hết sức khuyến khích hoạt động, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân lưu thông hàng hóa.
Quan hệ giữa Nhà nước với lực lượng thương nhân trong thời kỳ này là quan hệ hợp tác. Nhà nước tạo mọi điều kiện để thương nhân hoạt động thuận lợi, cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân và công cuộc kháng chiến. Thương nhân cần đến Nhà nước để được tự do di chuyển giữa hai vùng; bên cạnh việc tìm kiếm lợi nhuận thì phần nhiều giới thương nhân có tinh thần yêu nước, mong muốn độc lập và cũng muốn giúp đỡ Chính phủ kháng chiến thành công.
Trước khi hệ thống mậu dịch quốc doanh được kiện toàn, hầu như tất cả các cơ quan chuyên trách quản lý thương mại của ta đều sử dụng thương nhân như là cầu nối với thị trường và tận dụng hệ thống thương nhân để điều hòa thị trường, bình ổn vật giá.
Trong thời kỳ này, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tập trung chủ yếu tại ba nơi: các chợ quê truyền thống, các cửa hàng ven tuyến đường giao thông chính, và các thị trấn, trung tâm của vùng kháng chiến.
Trong đó, các chợ quê truyền thống vốn được hình thành từ rất lâu tại các địa phương, có chức năng giao thương hàng hóa cho nhân dân một vài làng, xã hoặc trong vùng. Các loại hàng hóa được bày bán tại đây chủ yếu là hàng nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp địa phương và một số ít sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.
Các cửa hàng ven tuyến đường giao thông chính chủ yếu là do người dân tản cư từ vùng đô thị lập ra. Một số nơi là đầu mối giao thông quan trọng thì số lượng cửa hàng như thế này xuất hiện nhiều, tập trung, hình thành nên một số trung tâm kinh doanh sầm uất với nhiều loại hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp tiêu dùng như giấy in, mực viết, vải các loại….
Tại hầu hết các vùng tự do của ta đều hình thành một hoặc một số trung tâm kháng chiến, hành chính và kinh tế đầu não như Ấm Thượng (Phú Thọ), Cầu Bố (Thanh Hóa), Tam Kỳ (Quảng Nam)… với lượng dân cư sinh sống đông, cán bộ và bộ đội qua lại nhiều. Hoạt động giao thương hàng hóa diễn ra tại đây sôi động với khối lượng hàng hóa tập trung đông. Các mặt hàng tiêu dùng, kể cả sản phẩm thuộc vùng tạm bị địch chiếm, có thể dễ dàng tìm thấy tại những nơi này.
Các thương nhân sử dụng những trung tâm kinh tế này là nơi phân phối bán lẻ chính, cũng là nơi tập kết, thu mua các loại hàng hóa mà họ cần, từ đó hình thành giá các loại hàng hóa và tác động đến giá hàng hóa tại các vùng lân cận.