Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật cứu trợ khổng lồ 1.900 tỷ USD do chính quyền Tổng thống Joe Biden đề xuất với 50 phiếu thuận và 49 phiếu chống. Toàn bộ 50 phiếu thuận đều từ phía các thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ và Phó Tổng thống Kamala Harris người đang giữ vị trí Chủ tịch Thượng viện và giữ lá phiếu định đoạt kết quả.
Dù dự luật cứu trợ lần này không bao gồm quy định quan trọng tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ vào năm 2025 nhưng việc gói cứu trợ được thông qua đánh dấu chiến thắng của đảng Dân chủ trong quá phục hồi kinh tế.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết gói cứu trợ lần này "sẽ giúp nhiều người hơn bất cứ điều gì chính phủ đã làm trong nhiều thập kỷ". Trong dự luật cứu trợ lần này bao gồm 415 tỷ USD để cải thiện khả năng ứng phó dịch bệnh và triển khai vaccine ngừa Covid-19 tại Hoa Kỳ, 1.000 tỷ USD hỗ trợ trực tiếp các hộ gia đình, khoảng 440 tỷ USD cho doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng chịu ảnh hưởng nặng từ đại dịch.
Gói cứu trợ này sẽ được đưa trở lại Hạ viện Hoa Kỳ vốn do đảng Dân chủ kiểm soát để được phê duyệt những thay đổi. Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Steny Hoyer cho biết Hạ viện sẽ xem xét các sửa đổi của gói cứu trợ vào ngày 9/3 và kỳ vọng sẽ được ông Joe Biden ký ban hành chính thức thành luật vào đầu tuần sau nữa.
Tổng thống Joe Biden đã ca ngợi việc Thượng viện thông qua gói cứu trợ là “bước tiến khổng lồ”. Đây là gói cứu trợ lớn thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ, sau đạo luật CARES với quy mô 2.000 tỷ USD vào năm ngoái.
Bước đột phá về dự luật được đưa ra trong bối cảnh các dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang phục hồi tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang thiếu hụt 9,5 triệu việc làm so với thời điểm tháng 2/2020 – trước khi đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cũng đã lên tiếng hoan nghênh cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện và nhận định nếu dự luật này không được thông qua thì nền kinh tế Hoa Kỳ có thể mất đến hai năm mới trở lại trạng thái như trước khi đại dịch xảy ra và đối mặt với “những vết sẹo kinh tế kéo dài sau khi kết thúc đại dịch".