Mức độ quan tâm sụt giảm trong ngắn hạn
Thị trường bất động sản Hải Phòng những tháng đầu năm ghi nhận sự sụt giảm của cả mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Cụ thể, mức độ quan tâm toàn thị trường giảm 11%, lượng tin đăng giảm 16%. Sự suy giảm diễn ra đồng đều ở tất cả các quận, huyện của thị trường.
Cụ thể, mức độ quan tâm ở thị trường quận Lê Chân giảm 14%, quận Ngô Quyền giảm 9%, quận Hồng Bàng giảm 14%, huyện An Dương giảm 4%, quận Hải An giảm 15%, huyện Thủy Nguyên giảm 9%, quận Dương Kinh giảm 17%, quận Kiến An giảm 2%, huyện An Lão giảm 24%, Đồ Sơn giảm 14%.
Sự suy giảm không chỉ diễn ra theo khu vực mà còn diễn ra với các loại hình. Trên thị trường mua bán, so với tháng 1/2024, mức độ quan tâm đối với đất nền Hải Phòng giảm 9%, nhà riêng Hải Phòng giảm 10%, biệt thự Hải Phòng giảm 15%, nhà mặt phố Hải Phòng giảm 12%.
Không chỉ mức độ quan tâm mà lượng tin đăng cũng giảm đáng kể. Trong đó, lượng tin đăng đất nền, đất thổ cư giảm 11%, nhà riêng giảm 27%, biệt thự giảm 4%, nhà mặt phố giảm 26%, chung cư giảm 19%.
Trên thị trường cho thuê, trừ phân khúc nhà trọ có mức độ quan tâm tăng 7%. Tất cả các phân khúc khác của thị trường cho thuê đều có sự sụt giảm. Cụ thể, chung cư giảm 29%, nhà riêng giảm 2%, nhà mặt phố giảm 23%, kho/xưởng giảm 30%. Lượng tin đăng chung cư trên thị trường cho thuê giảm 23%, biệt thự giảm 11%, nhà mặt phố giảm 1%.
Chỉ có 2 phân khúc là kho/xưởng và văn phòng ghi nhận lượng tin đăng tăng, với tỉ lệ lần lượt là 2% và 7%.
Dù các chỉ số trong tháng 2/2024 không quá nổi bật với mức độ quan tâm và lượng tin đăng đều giảm nhưng theo các chuyên gia, đây là thực trạng chung của thị trường nhiều tỉnh, thành trên cả nước trong tháng Tết.
Kỳ vọng bứt phá trong trung và dài hạn
Ông Tô Hùng, Trưởng Văn phòng Đại diện Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) tại Hải Phòng nhận định, với mục đích đầu tư, thị trường bất động sản Hải Phòng là một thị trường tiềm năng trong trung dài hạn bởi các tiềm năng lợi thế sẵn có.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hải Phòng, GRDP năm 2023 của Hải Phòng tăng 10,34% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 5 cả nước và thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng. Cũng trong năm 2023, thu hút FDI nước ngoài tại Hải Phòng đạt kỷ lục khi chỉ đứng sau TP.Hồ Chí Minh với tổng số vốn thu hút là 3,4 tỉ USD, có 933 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư là 28,9 tỉ USD.
Lợi thế của thị trường bất động sản Hải Phòng còn đến từ quỹ đất rộng, sự phát triển của hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông phát triển vượt bậc, các khu công nghiệp với lượng lao động nhập cư dồi dào, ông Tô Hùng đánh giá.
Đáng chú ý, thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hải Phòng cho thấy, trong 5 năm qua, tổng mức đầu tư các dự án bất động sản tại Hải Phòng đã tăng hơn 10 lần so với giai đoạn trước. Đà tăng này được dự báo sẽ phát huy mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2023 khi thị trường cả nước vẫn đang ở trạng thái trầm lắng thì Hải Phòng lại khá sôi nổi với nhiều dự án ra hàng hoặc được giới thiệu chính thức trên thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Hải Phòng được hỗ trợ bởi một loạt công trình dự án giao thông trọng điểm được hoàn thành. Trong năm nay, thị trường bất động sản Hải Phòng được nhận định sẽ là một điểm đến đáng chú ý của dòng tiền khi mới đây, ông lớn Vinhomes chính thức mở bán dự án Vinhomes Royal Island.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, một điều đáng nói là Hải Phòng hiện đang dẫn đầu về lượng dự án nhà ở xã hội khởi công, cho thấy nỗ lực trong việc tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội cho người lao động đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân thành phố.
“Thị trường bất động sản Hải Phòng sẽ bứt phá, phát triển sôi động và lành mạnh trong tương lai”, ông Đính nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Shinec - Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền chia sẻ, giữa tâm điểm thị trường đầy biến động, bất động sản Hải Phòng vẫn là “điểm sáng” do liên tục nhận những tín hiệu tích cực trong thu hút đầu tư. Một loạt công trình trọng điểm khởi công xây dựng từ giao thông tới nhà ở xã hội.
“Kết quả trên chính nhờ sự quan tâm từ cấp Trung ương cùng nỗ lực, quyết tâm của thành phố về công tác quy hoạch lẫn đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị…”, ông Phạm Hồng Điệp phân tích, đồng thời cho rằng Hải Phòng còn có tiềm năng, thế mạnh phát triển khu, cụm công nghiệp nên chính quyền địa phương đang tập trung nguồn lực cho phân khúc bất động sản công nghiệp thông qua hàng loạt cơ chế, chính sách.
Xem thêm: Hải Dương, Thái Nguyên, Nghệ An lọt top thị trường bất động sản đáng đầu tư năm 2024-2025
Theo ông Phạm Hồng Điệp, hiện thành phố được áp dụng cơ chế đặc thù như: chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định; Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND TP thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện. Những điều kiện này chắc chắn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào Hải Phòng.