Phát triển KH&CN ngành Công Thương: Cần gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội

Trong 2 ngày 28-29/6/2011, trong chương trình thăm và làm việc với Bộ Công Thương về tình hình hoạt động khoa học và công nghệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Viện N
Sau khi trực tiếp thăm quan các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, trò chuyện với CBCNV đang làm nhiệm vụ của hai viện nghiên cứu hàng đầu Việt Nam, nghe báo cáo về tình hình hoạt động của hai viện này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao sự năng động, nhạy bén của các viện. Từ chỗ chỉ đi làm thuê đã liên tục phấn đấu để trở thành những người làm chủ công nghệ, sản phẩm làm ra gắn với yêu cầu của thị trường. Phó Thủ tướng cũng rất vui mừng khi các sản phẩm của Viện Nghiên cứu Cơ khí và Viện Dầu khí không chỉ phục vụ cho khách hàng trong nước, mà còn xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các viện cần làm tốt chế độ đãi ngộ để thu hút chất xám, làm sao để nhà khoa học sống được bằng đồng lương thì họ mới yên tâm nghiên cứu, cống hiến. 

Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng báo cáo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo hoạt động KH&CN của ngành theo hướng đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chuyển đổi mô hình phù hợp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả nghiên cứu, triển khai của các tổ chức KH&CN, gắn nghiên cứu với ứng dụng, tư vấn chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh. Trong số 24 viện thuộc Bộ Công Thương, có 2 viện nghiên cứu về chiến lược chính sách không thuộc diện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP, còn lại 21/22 viện nghiên cứu thuộc đối tượng phải chuyển đổi mô hình hoạt động đều đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN tự trang trải, tự chịu trách nhiệm. 

Trong giai đoạn 2006-2010, kinh phí của Nhà nước đầu tư cho hoạt động KH&CN của Bộ Công Thương đã tăng khá mạnh, từ 87 tỉ đồng năm 2006 lên 214,2 tỉ đồng năm 2010. Kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm được bố trí: Chi cho đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm chiếm khoảng 50-55%, chi lương và hoạt động bộ máy của các viện thuộc Bộ khoảng 20% và 25-30% chi cho các nhiệm vụ còn lại. 

Thực tế thành công của một số viện nghiên cứu cho thấy, để có các sản phẩm KH&CN có chất lượng, có thể thay thế công nghệ nhập, cần có các chương trình KH&CN gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn chưa có cơ chế, chính sách cụ thể gắn các chương trình KH&CN với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội lớn của đất nước. Việc liên danh, liên kết với các đối tác nước ngoài mạnh, có công nghệ và kinh nghiệm để cùng thực hiện những chương trình, dự án công nghiệp và thông qua đó tiếp nhận chuyển giao công nghệ là một cách tiếp cận mới nhằm phát triển tiềm lực KH&CN trong nước. 

Các viện chuyển đổi còn gặp nhiều khó khăn trong vay vốn ngân hàng do chưa được giao đất và tài sản, cơ chế tài chính trong sử dụng kinh phí từ nguồn sự nghiệp còn chưa khoa học, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. 

Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia VN và Viện Dầu khí giới thiệu với Phó Thủ tướng về Phòng thí nghiệm chống ăn mòn.


Tham dự buổi làm việc với Phó Thủ tướng, đại diện các viện nghiên cứu cũng đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp TS. Phan Đăng Tuất đề nghị, Nhà nước cần tạo điều kiện để các viện nghiên cứu trở thành những “lồng ấp” KH&CN. Theo ông Tuất, chỉ cần mỗi viện mỗi năm “ấp” được một doanh nghiệp chuyên sâu cho ngành thì đã tăng tính hiệu quả lên rất nhiều. Ông Tuất cũng cho rằng, khoa học chính sách mới là quan trọng và hết sức cần thiết, còn khoa học công nghệ thì rất dễ tiếp thu và chuyển giao. Chính vì thế cần xây dựng hệ thống chuẩn trị quốc gia về doanh nghiệp, qua đó khắc phục những yếu kém trong quản lý. 

TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ thì cho biết một thực tế, khi triển khai các đề tài, dự án, hầu hết các doanh nghiệp đều muốn viện nghiên cứu phải có vốn đối ứng để ràng buộc trách nhiệm. Tuy nhiên, kinh phí được cấp từ các đề tài, dự án đều rất thấp. Nên chăng, Nhà nước cần mạnh dạn giao kinh phí lớn cho các viện, tạo điều kiện cho công tác nghiên cứu và triển khai. Ông Tuấn cũng kiến nghị, Nhà nước cần xem xét miễn giảm thuế đất cho doanh nghiệp chuyển đổi, không phân biệt trực thuộc Bộ hay Tập đoàn, các Tổng công ty. 

Chia sẻ những khó khăn trong hoạt động của các viện, TS.Nguyễn Thế Truyện – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Điện tử tin học cho biết, với đặc thù là nghiên cứu về điện tử tin học, nên Viện chỉ làm ra các sản phẩm trung gian, không làm đến sản phẩm cuối cùng. Do đó, để tự hoạt động và phát triển được theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Viện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng Viện luôn tập trung chế tạo những sản phẩm về cơ bản có thể đưa đến sản phẩm cuối cùng mới có thể tồn tại được trong cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt. Ông Truyện cũng khẳng định, NĐ 115 và NĐ 80 đã giúp các viện nghiên cứu tăng thêm tính tự chủ, có thêm nhiều cơ hội để tham gia thị trường vì có đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, các hướng dẫn thực hiện chưa đồng bộ nên còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa kịp tháo gỡ. 

Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các ý kiến thẳng thắn của các đơn vị, đồng thời khẳng định, các ý kiến đều được ghi nhận để tiếp tục xem xét, điều chỉnh trong thời gian tới. Phó Thủ tướng lưu ý, các phòng thí nghiệm quốc gia nên đặt vào những doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm lực về kinh tế. Việc cải cách các thủ tục hành chính cũng đã tiến hành, tuy nhiên cũng cần thêm thời gian để hoàn thiện. 

Phó Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến cho rằng, cần có cơ chế tài chính cho công đoạn sản xuất thử. Các đề tài lớn, sản phẩm phức tạp phải có hỗ trợ sản xuất thử qui mô lớn để rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng. Mặt khác, khi xây dựng các định hướng, kế hoạch tổng thể 5 năm thì phải hết sức cụ thể, có như vậy mới phục vụ tốt cho khâu xây dựng chiến lược phát triển. Phó Thủ tướng rất mong muốn và tin tưởng rằng, hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương sẽ tiếp tục phát triển và ngày càng gặt hái được nhiều thành công.
  • Tags: