Tính đến ngày 15/2/2023, Việt Nam xuất siêu 1,68 tỷ USD

Trong kỳ 1 tháng 2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,07 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,68 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam kỳ 1 tháng 2/2023 (từ ngày 01/2 đến ngày 15/2/2023) đạt 25,82 tỷ USD, tăng 42,8% (tương ứng tăng 7,74 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 01/2023.  

Kết quả đạt này đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/2/2023 đạt 72,32 tỷ USD, giảm 13,7%, tương ứng giảm 11,46 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 51,8 tỷ USD, giảm 11,5% (tương ứng giảm 6,74 tỷ USD).

Trong kỳ 1 tháng 2 năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,07 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/2/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,68 tỷ USD.

Về xuất khẩu: Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2 năm 2023 đạt 13,44 tỷ USD, tăng 49% (tương ứng tăng 4,42 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 01/2023.

Trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 2/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 01/2023 ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 718 triệu USD, tương ứng tăng 53,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 560 triệu USD, tương ứng tăng 47,7%; hàng dệt may tăng 528 triệu USD, tương ứng tăng 77,9%; phương tiện vận tải & phụ tùng khác tăng 282 triệu USD, tương ứng tăng 88,4%...

Như vậy, tính đến hết 15/2/2023,tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 37 tỷ USD, giảm 9,2% tương ứng giảm 3,75 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: hàng dệt may giảm 845 triệu USD, tương ứng giảm 19,7%; gỗ & sản phẩm gỗ giảm 664 triệu USD, tương ứng giảm 35,6%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 574 triệu USD, giảm 9,9%; sắt thép các loại giảm 352 triệu USD, tương ứng giảm 34,8%... so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong kỳ 1 tháng 2/2023 đạt 10,14 tỷ USD,tăng 42% tương ứng tăng 3 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 01/2023. Tính đến hết ngày 15/2/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 28,07 tỷ USD, giảm 5,4%, tương ứng giảm 1,59 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 75,9% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Về nhập khẩu: Tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 2/2023 đạt 12,38 tỷ USD, tăng 36,6% (tương ứng tăng 3,32 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 01/2023.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 2/2023 tăng so với kỳ 2 tháng 01/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 645 triệu USD, tương ứng tăng 24,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác tăng 465 triệu USD, tương ứng tăng 43,9%; chất dẻo nguyên liệu tăng 203 triệu USD, tương ứng tăng 100,2%...

Như vậy, tính đến hết 15/2/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 35,32 tỷ USD, giảm 17,9% (tương ứng giảm 7,7 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại & linh kiện giảm 1,78 tỷ USD, tương ứng giảm 62,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng khác giảm 1,42 tỷ USD, tương ứng giảm 25%; máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện giảm 904 triệu USD, tương ứng giảm 8,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ này đạt 8,19 tỷ USD, tăng 35,1% (tương ứng tăng 2,13 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 01/2023Tính đến hết ngày 15/2/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp này đạt 23,73 tỷ USD, giảm 17,8% (tương ứng giảm 5,15 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 67,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt con số kỷ lục 730,2 tỷ USD, tính bình quân đạt gần 61 tỷ USD/tháng. Trong đó, xuất khẩu 371,5 tỷ USD, tăng 10,5%, nhập khẩu 360,5 tỷ USD, tăng 8,5% so với 2021, kiểm soát tốt các mặt hàng hạn chế nhập khẩu.

Hoàng An