Tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản: Kinh nghiệm của một số nước

Các nước được lựa chọn để nghiên cứu kinh nghiệm tập trung vào Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là ba nước có nhiều thành tựu trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Nhiều mô hình và kinh nghiệm

1. Kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất

Chìa khóa đột phá từ công tác giống

Ở Thái Lan, chính sách giống đã sớm được quan tâm bởi cả Nhà nước và khu vực tư nhân. Các cơ quan nghiên cứu và các trường đại học được khuyến khích để phát triển giống, thông qua những hỗ trợ và R&D, thương mại hóa sản phẩm và bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Trung tâm Nghiên cứu quốc gia (DOR) chịu trách nhiệm về việc cải thiện di truyền và sản xuất giống nguyên chủng, trong khi các đơn vị sản xuất hạt giống để nhân rộng là các trung tâm giống công cộng - đơn vị ký hợp đồng với nông dân gieo hạt giống trên diện rộng và hạt giống đã đăng ký. Các DOR giúp nông dân thành lập "Trung tâm giống cộng đồng” để sản xuất hạt giống thương mại.

Để tăng cường quản lý giống, Chính phủ Thái Lan đã thiết lập 23 trung tâm giống từ năm 1976 đến năm 1985. Thị trường hạt giống tư nhân đã phát triển mạnh gần đây, nhờ (1) sự hỗ trợ tích cực của chính phủ, (2) đầu tư dài hạn trong nghiên cứu và đào tạo các đơn vị sản xuất giống, (3) Chính phủ khuyến khích khu vực tư nhân nghiên cứu và phát triển giống lúa để bù đắp cho những hạn chế về nguồn lực công của các cơ quan nhà nước. Chính phủ cũng đã chủ động hỗ trợ vai trò của khu vực tư nhân trong việc sản xuất hạt giống lai vì những lý do tương tự.

Một điểm nổi bật là cơ cấu giống nông sản của Thái Lan khá tập trung. Để đảm bảo chất lượng giống, Thái Lan có cơ chế giám sát rất hiệu quả để phát hiện hạt giống chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn, hoặc bị ô nhiễm, thoái giống, lai chéo... Có hai điểm yếu cần khắc phục trong công tác giống tại nhiều nước đang phát triển đã được đúc kết là (i) Phương pháp lấy mẫu lỏng lẻo (ii) chế tài đối với các đơn vị cung cấp giống chất lượng thấp còn chưa đủ tính răn đe. Do đó kinh nghiệm cho Việt Nam là cần đưa ra một quy trình kiểm tra nghiêm ngặt đối với các đầu mối cung cấp hạt giống quy mô lớn để ngăn ngừa một lượng lớn giống chất lượng thấp tràn ra thị trường.

Hàn Quốc cũng tập trung nhiều nguồn lực để phát triển và nâng cao chất lượng giống cho sản xuất nông sản. Các chính sách đều hướng tới đảm bảo dinh dưỡng cho cộng đồng và cải thiện thu nhập của người nông dân. Tập trung vào việc nâng cao chất lượng giống đã từng được coi như chìa khóa cho đột phá trong nông nghiệp của Hàn Quốc giai đoạn đầu của công nghiệp hóa.

Cải tiến phương pháp canh tác: Chìa khóa để tăng năng suất và sản xuất bền vững

Thực tế cho thấy Thái Lan đã đi trước Việt Nam trong việc đẩy mạnh ứng dụng những công nghệ và kỹ thuật hiện đại đồng thời kết hợp kinh nghiệm truyền thống. Hữu cơ hóa đất nông nghiệp thông qua sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân vi sinh và thuốc trừ sâu sinh học đã giúp nước này cải tạo đất thoái hóa và nâng cao độ màu mỡ, nhờ đó sử dụng quỹ đất hiệu quả, giảm nhập khẩu phân bón và tăng xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch. Bí quyết thành công của Thái Lan là xây dựng chuẩn các phương thức canh tác với công nghệ và kỹ thuật canh tác đặc thù cho từng vùng sản xuất có điều kiện tự nhiên khác nhau, nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu của sản xuất nông sản theo vùng.

Cơ giới hóa, tin học hóa và các mô hình trang trại thông minh

Thái Lan:

Cơ giới hóa đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của nông nghiệp Thái Lan. Nước này đã từng bước chủ động sản xuất máy móc nông nghiệp và thiết bị nông nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người sử dụng. Hiện nay, hầu hết các thiết bị nông nghiệp được sử dụng ở Thái Lan được sản xuất trong nước như máy kéo, máy cày, máy bừa, máy bơm nước, phun, máy đập lúa, máy gặt, máy gặt đập, làm sạch thiết bị, máy sấy, máy xay xát lúa gạo, và thiết bị chế biến. Mỗi năm nước này sản xuất khoảng 40.000 máy kéo 4 bánh và 3.000 máy gặt đập liên hoàn.

Từ năm 2008 chính phủ Thái Lan đã thành lập mô hình trang trại thông minh, có áp dụng công nghệ thông tin và công nghệ điện tử để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp mà cuối cùng sẽ nâng cao chất lượng sống của người nông dân trong khu vực nông thôn. Mô hình trang trại thông minh tập trung vào 4 sản phẩm nông nghiệp chính là lúa, sắn, cao su và mía đường.

Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra chương trình Trung tâm dịch vụ cơ giới hóa ở cấp làng. Mục tiêu là thiết lập khoảng 886 trung tâm dịch vụ cơ giới hóa làng và dự kiến sẽ nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của nông sản; phát triển thị trường. Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ máy kéo, đào tạo hoạt động máy, sửa chữa, bảo trì. Phát triển trong tương lai cần tập trung vào chất lượng và tính bền vững của việc áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới và sáng tạo.

Hàn Quốc:

Có hai yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp ở Hàn Quốc (SEARCA, 2014). Yếu tố đầu tiên là tăng quy mô sản xuất/hộ nông. Thứ hai là những nỗ lực đầu tư nghiên cứu và sản xuất máy nông nghiệp. Hàn Quốc không chỉ thành công trong việc tăng tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp mà còn xuất khẩu được máy nông nghiệp sang các thị trường nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.

Đầu tư kho tàng, phơi sấy, bảo quản vận chuyển, giảm hao hụt

Thái Lan đi trước Việt Nam trong phát triển hệ thống sau thu hoạch, trong đó có hệ thống kho tàng, vận chuyển nông sản. Thậm chí để phục vụ xuất khẩu mạnh sang các nước phương Tây, Chính phủ Thái Lan còn khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xây kho ở quốc gia có vị trí địa lý trung tâm, thuận tiện xuất khẩu đi các nước lân cận hoặc có thể xuất ngay tại nước đó, ví dụ kho và nhà máy đánh bóng gạo tại Pháp để xuất khẩu sang Hà Lan, Đức. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước này thu mua trong nước xong vận chuyển sang các kho ngoại quốc, khi thấy thị trường Pháp hoặc các nước châu Âu khác có nhu cầu thì lấy ra bán ngay, đáp ứng kịp thời hơn so với đối thủ. Sắp tới, Thái Lan dự kiến xây thêm kho chứa trái cây xuất khẩu ở các thị trường tiêu thụ chính. Thái Lan còn đầu tư rất mạnh cho công nghệ phơi sấy và bảo quản.

Tăng cường chế biến phế, phụ phẩm

Hiện ở một số nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đã phát triển rất mạnh công nghệ và các ngành công nghiệp ăn theo công nghệ chế biến phế, phụ phẩm nông sản. Ví dụ sản phẩm cám gạo có giá trị tăng cao hơn từ 100 - 300% khi được chế biến thành thức ăn chăn nuôi, xà phòng, mỹ phẩm hoặc dược phẩm, rơm được chế biến thành viên làm thức ăn gia súc, làm chất độn chuồng trong chăn nuôi hay xuất khẩu. Tại các nước này, rơm còn được chế biến Ethanol hay nhiên liệu sinh học (Bio diesel), chế biến plastic sinh học để sản xuất các loại bao bì, cốc chứa đựng sinh học thân thiện với môi trường, làm chất đốt, chế biến xà phòng, dầu ăn, mỹ phẩm,…

2. Tổ chức tiêu thụ:

Chợ trung tâm/trung tâm giao dịch

Một hệ thống phân phối hiện đại đảm bảo sự kiểm soát tốt hơn cả về giá và chất lượng nông sản. Tại nhiều nước, hệ thống đấu giá nông sản tại các chợ trung tâm đã sớm hình thành và giữ vai trò quan trọng trong việc thiết lập các mặt bằng giá, phân loại, quy cách hóa nông sản và phục vụ đắc lực cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản. Các chợ trung tâm có thể được thiết lập bởi cơ quan chính phủ hoặc các nhà kinh doanh, nhưng thường nằm trong khu vực sản xuất chính. Tại Thái Lan, chợ trung tâm của chính phủ được thành lập bởi các cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã Nông nghiệp (BAAC) và Cơ quan Khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Bộ Thương mại Thái Lan hỗ trợ sắp xếp và quản lý các chợ trung tâm của Nhà nước và chợ trung tâm của tư nhân.

Tiêu thụ nông sản thông qua các hợp tác xã năng động

Tại Hàn Quốc, Liên đoàn quốc gia Hợp tác xã Nông nghiệp Hàn Quốc (NACF) đã thiết lập mạng lưới hợp tác xã từ trung ương đến cơ sở. Hệ thống hợp tác xã ở Hàn Quốc đã phát triển nhanh, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng lên của nông dân về hỗ trợ dịch vụ. NACF nắm giữ 40% thị phần nông sản trong nước. Nhằm mở rộng thị trường nông sản, NACF quản lý một mạng lưới dịch vụ vận chuyển nông sản từ cửa nông trại đến người tiêu dùng, giúp người nông dân sản xuất theo đúng yêu cầu của thị trường, giảm tối thiểu chi phí lưu thông, hao hụt, thất thoát. NACF cũng điều hành một hệ thống doanh nghiệp kinh doanh nông sản lớn nhất và cạnh tranh mạnh nhất. NACF chịu trách nhiệm cung cấp các vật tư nông nghiệp bảo đảm cho nông dân có đủ vật tư thiết yếu đúng thời gian, giá rẻ, chất lượng. Trong khâu chế biến, NACF sở hữu một hệ thống hạ tầng và thiết bị hùng hậu giúp tăng thêm giá trị cho hàng nông sản. Trong hoạt động tín dụng ngân hàng, NACF đáp ứng nhiều loại dịch vụ: giao dịch ngân hàng, dịch vụ thẻ tín dụng, tín dụng cho vay, đầu tư, bảo hiểm, giao dịch quốc tế… Hệ thống bảo hiểm của NACF chiếm lĩnh toàn bộ thị trường nông thôn.

Tại Nhật Bản, hợp tác xã nông nghiệp là kênh tiêu thụ nông sản chính: 90% lúa gạo; trên 50% rau, hoa quả, sữa tươi… Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản là hợp tác trong phân phối chứ không chỉ hợp tác trong sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp thực hiện hai nhiệm vụ chính: một là, cung cấp cho nông dân các yếu tố “đầu vào” phục vụ sản xuất nông nghiệp, như phân bón, hóa chất nông nghiệp, trang thiết bị, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi gia súc; hai là, giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm bằng cách thu gom, bảo quản, dự trữ, bán các nông sản, vật tư dựa vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quốc gia và quốc tế. Để giúp các tổ chức hợp tác xã hoạt động, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường xây dựng hệ thống phục vụ xã hội hóa nông nghiệp, coi hợp tác xã nông nghiệp là một trong những hình thức phục vụ xã hội hóa tốt nhất và yêu cầu các cấp, các ngành phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức này.

Xây dựng thương hiệu

Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy để phát triển thương hiệu ngành hàng tốt bao giờ cũng cần đầu mối đủ năng lực để quản lý, phát triển thương hiệu đó, đặc biệt là duy trì chất lượng của sản phẩm này. Ví dụ như cà phê Colombia, họ cũng phải xây dựng liên đoàn quốc gia, trên cơ sở hoạt động của liên đoàn này giữ được chất lượng cà phê để sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài, đồng thời liên đoàn này có khả năng duy trì hệ thống quản lý, kiểm soát chất lượng hiệu quả. Chính hoạt động hiệu quả của liên đoàn dẫn tới sự thành công của thương hiệu cà phê Colombia.

Xây dựng thương hiệu có trọng điểm cũng là một kinh nghiệm cần tham khảo. Thái Lan là nước xuất khẩu hàng đầu, sản lượng lớn nhưng họ chỉ tập trung làm thương hiệu cho 3 giống lúa. Theo đó, Nhà nước và các doanh nghiệp tổ chức sản xuất giống lúa được lựa chọn với quy trình nông nghiệp cao từ đó mới đăng ký thương hiệu và sản xuất theo chuỗi giá trị. Doanh nghiệp xác định có thị trường, người tiêu dùng thị trường đó dùng gạo gì rồi mới quay lại bàn bạc với nông dân để trồng đúng giống lúa đó. Ngày nay, nói đến gạo, Hom Mali là cái tên thường được người Thái nhắc tới đầu tiên như một niềm tự hào bởi giống lúa Hom Mali chỉ trồng được và sinh trưởng tốt giữa thời tiết nắng nóng gần như quanh năm ở vùng Đông Bắc Thái nhưng nay đã nổi tiếng khắp trên thế giới.

Ngoài ra cũng có thể tham khảo chính sách của Chính phủ Canada và Quebec trong việc đẩy mạnh tiếp cận thị trường của nông nghiệp thực phẩm Canada. Có thể lấy ví dụ như là chiến dịch “Enjoy the great taste of Quebec” (tạm dịch là chiến dịch “Thưởng thức hương vị tuyệt vời của Quebec”) của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản và thực phẩm Quebec.

3. Một số gợi ý chính sách cho Việt Nam

Về tổ chức sản xuất:

Công nghệ hạt giống tại Việt Nam cần được coi là chìa khóa cho sự đột phá về năng suất, chất lượng nông sản trong thời gian tới. Từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy chọn giống nông sản không nên đặt mục tiêu tạo ra nhiều giống, dễ dẫn đến sự nhiễu loạn, mất kiểm soát, mà cần tuyển chọn kỹ để có giống ưu tú phổ biến thành thương hiệu nổi bật, đứng vững trong sản xuất. Ngoài ra cần tập trung vào sinh lý và dinh dưỡng của giống thay vì chỉ tính đến các khả năng kháng bệnh, dịch.

Đầu tư cho hệ thống kho tàng, vận chuyển

Doanh nghiệp xuất khẩu ngành nông sản Việt Nam vẫn còn khá bị động trước các thay đổi trên thị trường quốc tế, do đó khó tránh được tình trạng khi cầu tăng thì không đủ đáp ứng đơn hàng, khi cầu giảm thì phải chấp nhận giá giảm rất mạnh. Do đó, cần đầu tư dài hạn cho hệ thống kho chứa, bảo quản, thậm chí cần tính đến việc hợp tác xây kho nông sản ở nước ngoài, như vậy doanh nghiệp sẽ theo dõi được thị trường nào đang có nhu cầu để đáp ứng kịp thời hoặc chờ bán vào thời điểm giá đã tăng trở lại.

Phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ phế, phụ phẩm: Việc sử dụng các phụ phẩm thành những sản phẩm có giá trị cao thường khá phức tạp, đòi hỏi phải có những nghiên cứu chuyên sâu và đầu tư lớn. Cần tiếp tục ứng dụng những công nghệ và thiết bị mới ở các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan vào chế biến phụ phẩm; tổ chức và quản lý tốt các công đoạn sau thu hoạch đảm bảo nguồn phụ phẩm có chất lượng. Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vốn vay để nông dân tiếp cận máy móc hiện đại vào tái chế những phụ phẩm có hiệu quả.

Củng cố và nâng cao hiệu quả liên kết ngang - dọc trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

Từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy các mối liên kết ngang dọc cần được xây dựng trên cơ chế thị trường nhưng phải cùng hướng tới sự phát triển chung của ngành, theo một chiến lược cụ thể. Theo đó các tác nhân gắn kết với nhau cả về lợi ích và trách nhiệm đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng và toàn ngành. Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp và hợp tác xã tín dụng nông nghiệp là đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của chuỗi cung ứng. Các hợp tác xã kiểu mới cần được nâng cao năng lực và huy động các nguồn lực chính từ các hoạt động liên kết, để có thể cung cấp các dịch vụ nông nghiệp, chế biến, cung cấp vật tư và hàng tiêu dùng, tín dụng và ngân hàng, bảo hiểm, kho tàng, vận tải, khuyến nông, tiếp thị sản phẩm và các dịch vụ hỗ trợ cho nông dân và cộng đồng nông thôn.

Vai trò của Chính phủ và các thể chế

Từ kinh nghiệm của các nước có thể thấy mặc dù các chính sách được thực hiện để điều chỉnh và/hoặc hỗ trợ chỉ một hoặc một số tác nhân cụ thể trong chuỗi cung ứng nông sản, nhưng lại có tác động đến toàn bộ các đối tượng khác trong hệ thống. Ví dụ, các biện pháp về thuế đánh vào những người xuất hoặc nhập khẩu nông sản nhưng tác động đến từ người thu gom, vận chuyển đến người sản xuất. Do đó khi ban hành các chính sách, việc nghiên cứu tác động tổng thể lên tất cả các tác nhân trong chuỗi như hệ lụy của một nội dung chính sách tác động đến một/một nhóm tác nhân trong chuỗi là hết sức cần thiết.

Việc thúc đẩy khu vực tư nhân trong việc tham gia một cách năng động vào chuỗi xuất khẩu cũng cần đẩy mạnh, từ đó giảm dần sự phụ thuộc vào Nhà nước, các doanh nghiệp quốc doanh và tạo ra tính năng động, minh bạch hơn cho thị trường nông sản trong nước.