Văn hóa EVN Ha Noi không phải là điều xa vời...

Ngày 20/12/2010, tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, Tổng công ty Điện lực Tp. Hà Nội đã tổ chức kỷ niệm 56 năm ngày Truyền thống ngành Điện (21/12/1954 – 21/12/2010) và Chung khảo “Hội thi tìm hiểu văn hóa EV

Trước hết, xin được khái quát vài nét về ngày hội của EVN. Sau khi điểm lại những thành tựu nổi bật trong 56 năm kể từ ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy đèn Bờ Hồ - Trụ sở Tổng công Công ty Điện lực Hà Nội, ông Trần Hùng – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty đã nhấn mạnh, năm 2010 là năm bước ngoặt, nâng tầm ngành Điện Thủ đô, khi Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 738/QĐBCT ngày 05 – 02 – 2010 nâng cấp Công ty thành Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Ha Noi), hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, với 29 Công ty Điện lực, 6 Công ty trực thuộc.
Việc nâng cấp hoạt động theo mô hình mới đòi hỏi mọi hoạt động của các đơn vị trong Tổng công ty phải đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả sản xuất kinh doanh, về văn hóa doanh nghiệp, đảm bảo 4 tiêu chí cốt lõi gồm: “Chất lượng – Tín nhiệm; Tận tâm - Trí tuệ; Hợp tác - Chia sẻ; Sáng tạo - Hiệu quả”, nhằm xứng đáng với hình ảnh người thợ điện Thủ đô “trách nhiệm – trí tuệ - thanh lịch”. Vì vậy, cùng với việc xây dựng và ban hành “bộ luật” về văn hóa EVN Ha Noi để CBCNV các đơn vị thực hiện, lãnh đạo Tổng công ty đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu văn hóa EVN Ha Noi” để chọn ra 5 đội vào vòng chung khảo cuộc thi, gồm các Công ty Điện lực Hoàng Mai, Hoài Đức, Đông Anh; Công ty Lưới điện Cao thế và Văn phòng Tổng công ty. Mặc dù các đơn vị đã hạn chế rất nhiều số lượng cổ động viên do phải tập trung hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh cuối năm, nhưng khán phòng của Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội vẫn chật ních người đến dự và cổ vũ. Điều đọng lại trong người xem chính là những tình tiết tưởng chừng như nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày, những thói quen tưởng rất bình thường trong sinh hoạt của người lao động và cả những việc làm, cử chỉ, thái độ dù chẳng gây “chết người”... mà chúng ta thường thấy, nếu cứ cho là nhỏ, là vặt vãnh thì sẽ thành cái lớn, sẽ làm mất lòng tin không chỉ nơi khách hàng, mà ngay chính trong ngành Điện.
Tiểu phẩm của Công ty Điện lực Hoàng Mai thật ý nghĩa khi đưa ra tình huống: Khách hàng gọi điện đề nghị nhân viên điện lực phải đến sửa giúp ngay cái ổ cắm bỗng nhiên mất điện, không nấu được cơm, trong khi cả tổ trực đã xuống địa bàn, chỉ còn một người nghe máy. Mặc dù yêu cầu của khách hàng nằm ngoài nhiệm vụ của mình, nhưng nhân viên điện lực vẫn phải vừa liên lạc với tổ bạn để nhờ “chi viện” đến sửa điện giúp, vừa phải mềm mỏng để khách hàng chờ đợi một cách vui vẻ. Còn Văn phòng Tổng công ty cũng có tình huống mà trong đời thường rất hay xảy ra. Đó là chuyện của mấy bà, mấy chị, cứ nghe phong thanh chuyện này, chuyện kia, vội đưa chuyện, thêm thắt cho ra vẻ thông tin quan trọng lắm, bí mật lắm và nếu những thông tin như thế không được chắt lọc, không được cảm thông, chia sẻ, “lời nói chẳng mất tiền mua” thì rất dễ mất đoàn kết, hoặc gây hoang mang trong CBCNV. Riêng Công ty Điện lực Hoài Đức – một đơn vị của ngành điện Hà Tây mới sáp nhập về Hà Nội tham gia Hội thi cũng tỏ ra không kém cạnh, thậm chí cũng xây dựng được một tiểu phẩm khá độc đáo thường gặp trong thời gian gần đây. Người dân không đồng tình với ngành Điện với lý do điện là một sản phẩm, sao mua nhiều mà giá bán lại càng đắt. Ấy thế mới cần tới nhân viên điện lực mềm dẻo, nắm chắc cơ chế, chính sách, đặc thù của loại hình kinh doanh để rồi tuyên truyền, giải thích cho khách hàng hiểu, ngành Điện làm thế là lợi cho người dân, khuyến khích người dân tiết kiệm điện...
Điều dễ nhận thấy là, tất cả những câu chuyện được dàn dựng như kịch ấy đều xoay quanh chủ đề văn hóa doanh nghiệp, mà giá trị cốt lõi chính là 4 tiêu chí: Chất lượng – Tín nhiệm; Tận tâm - Trí tuệ; Hợp tác - Chia sẻ; Sáng tạo - Hiệu quả”. Với các tiêu chí này, người thợ điện Thủ đô không chỉ hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh điện năng, hoặc cung cấp các dịch vụ hoàn hảo nhất, chất lượng nhất để chiếm được cảm tình, lòng tin của các đối tượng khách hàng, mà chính họ còn phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, thái độ ứng xử và trên tất cả là phải nhiệt tình, tận tụy với công việc, với bạn bè, anh em, với khách hàng. Đừng thấy khó là bỏ, đừng ham lợi mà quên đi trách nhiệm của người thợ được gánh vác vai trò đại diện cho ngành Điện quốc gia. EVN Ha Noi đang vì ngành Điện cả nước, trách nhiệm đó thật lớn lao. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các doanh nghiệp thành viên vẫn phải dành một phần điện năng trong lúc “nước sôi lửa bỏng: mùa hè thiếu điện để Thủ đô tỏa sáng, âu cũng là sự hợp tác, sẻ chia. Câu chuyện trong tiểu phẩm của Công ty Điện lực Hoàng Mai về sự “chi viện” với tổ trực điện cũng là sự hợp tác. Đừng nghĩ rằng, cứ phải làm một cái gì to tát, hay để lại dấu ấn đậm nét thì mới có ý nghĩa, mới đem lại hiệu quả. Tình cờ tôi gặp Cao Thanh Quân – nhân viên Phòng Điều độ Công ty Điện lực Sơn Tây thấy anh đang chăm chú xem các màn biểu diễn của Hội thi. Tôi hỏi, quan niệm của anh về văn hóa doanh nghiệp? Quân không ngần ngại nói rằng: “Bọn em hàng ngày thường phải tiếp xúc với người dân sử dụng điện khu vực nông thôn, khách hàng không biết, cần hỏi gì, thì mình phải giải thích cho tận tình, tránh đại khái, hách dịch. Khi dân cần sửa chữa điện, mình phải giúp họ chu đáo. Bọn em cứ làm tốt nhiệm vụ của mình để người dân tin tưởng là vui rồi, anh ạ”.
Đã một thời, người dân Hà Nội thấy xuất hiện nhiều tà áo dài xanh lam thướt tha trong khuôn viên trụ sở 69 Đinh Tiên Hoàng, rồi cả tấm áo bơ lu của người thợ Xưởng Công tơ, hay Phòng KCS..., nó đơn giản chỉ là một vật dụng để phân biệt CBCNV của từng bộ phận, nhưng thấy đẹp, một vẻ đẹp công nghiệp của người thợ điện Thủ đô...
Vâng, văn hóa doanh nghiệp là thế, văn hóa EVN Ha Noi cũng vậy, không phải là điều xa vời, mà nó rất gần với cuộc sống của người thợ điện.

  • Tags: