TPP sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho kinh tế Việt Nam

Sự kiện kết thúc thành công đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ngày 5/10/2015 tại Atlanta (Hoa Kỳ) được đánh giá là dấu mốc quan trọng trong lịch sử thương mại thế giới.

Ngoài ý nghĩa sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất với hơn 40% GDP của toàn cầu, Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực. Là nước đang phát triển có trình độ kinh tế thấp nhất trong số các nước tham gia TPP nhưng với lợi thế của thành viên tham gia từ những ngày đầu, Việt Nam được dự báo có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Đàm phán TPP đảm bảo các lợi ích cốt lõi

Các nước tham gia đàm phán Hiệp định TPP đặt ra các mục tiêu lớn cho việc hình thành khu vực thương mại tự do này. Thứ nhất, TPP sẽ tạo ra một mô hình mới về hội nhập và hợp tác kinh tế khu vực, tạo thuận lợi hơn nữa cho dòng chảy thương mại và đầu tư. Trong tương lai, nếu có thể TPP sẽ thành hạt nhân để hình thành một khu vực thương mại tự do chung cho toàn khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai, TPP sẽ là đường đi ngắn nhất để đạt lợi ích cao nhất. Do khu vực thương mại tự do mà TPP tạo ra rất lớn với tổng GDP hơn 28.000 tỷ USD, chiếm 40% tổng GDP và hơn 30% tổng thương mại toàn cầu, nên các dây chuyền cung ứng sẽ có động lực dịch chuyển về khu vực này, tạo ra lợi thế và lợi ích kinh tế to lớn cho tất cả các nước tham gia. Thứ ba, những nước chưa có FTA với Hoa Kỳ trong đó có Việt Nam mong muốn thông qua TPP để thiết lập FTA với nước này cũng như tiếp cận thị trường Hoa Kỳ rộng lớn.

Với Việt Nam, việc tham gia đàm phán TPP là một trong những giải pháp quan trọng giúp xây dựng cơ cấu thị trường cân đối, ổn định lâu dài. Theo đó, Việt Nam thúc đẩy đàm phán, ký kết FTA với một số nước ở các khu vực có thị trường tiêu thụ lớn và cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu mang tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa của Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam: “Việt Nam là nước tham gia TPP ngay từ đầu nên có đóng góp tích cực để định hình khung khổ và nội dung của Hiệp định, đồng thời Việt Nam cũng vận động được các nước dành linh hoạt cho Việt Nam về thời gian thực thi và ngành hàng cam kết”. Có thể khẳng định các nguyên tắc chỉ đạo đàm phán của Việt Nam đã được thực hiện một cách nghiêm túc.

Theo đó, Việt Nam đã kiên trì đàm phán để đảm bảo các lợi ích cốt lõi. Với mức độ mở cửa thị trường mà các nước đã cam kết, dự kiến Việt Nam có khả năng tăng đáng kể xuất khẩu và GDP, tạo ra nhiều việc làm khi Hiệp định được đưa vào thực thi. Các nội dung cam kết đều phù hợp với định hướng hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước và quy định của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các nước đã dành cho Việt Nam sự linh hoạt đáng kể trong việc thực thi tiêu chuẩn chung của TPP. Việt Nam là nước được dành nhiều linh hoạt nhất trong việc thực thi các cam kết khó trong TPP. Đồng thời, một số nước cũng đưa ra các cam kết cụ thể về hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong quá trình thực thi cam kết sau này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, các cam kết của Việt Nam về cơ bản là tương đương với mức độ mở cửa hiện hành, dự kiến sẽ không gây xáo trộn lớn, đảm bảo cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình tái cơ cấu của Việt Nam...

Hiệp định TPP sẽ được hoàn thiện trong 18 - 24 tháng

Sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam sẽ cùng các nước TPP thực hiện rà soát pháp lý để bảo đảm lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Tuy nhiên, đây là công việc phức tạp, để làm nhanh được điều này đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán.

Từ nay tới nửa đầu tháng 11/2015, các nước tham gia Hiệp định TPP sẽ tiến hành dịch thuật và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý. Sau khi công bố nội dung Hiệp định, các đoàn đàm phán sẽ dành thời gian thỏa đáng để các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định.

Sau khi được sự đồng thuận của Quốc hội, các doanh nghiệp và người dân, các nước sẽ tiến hành ký kết Hiệp định. Quá trình thực hiện quy trình thông qua Hiệp định sẽ theo đúng quy định của pháp luật từng nước, do đó thời gian để hoàn tất Hiệp định TPP sẽ phải mất từ 18 tới 24 tháng.

Cơ hội mới từ các chuỗi cung ứng mới

Theo nghiên cứu của các chuyên gia độc lập, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Trong điều kiện các yếu tố đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.

Thực tế cho thấy, cạnh tranh giữa các tập đoàn trên thế giới hiện nay không chỉ là cạnh tranh trực tiếp của các tập đoàn, mà là cạnh tranh giữa các chuỗi cung ứng. Hầu hết các nước tham gia TPP đã có FTA với nhau, nên giữa các nước này đã hình thành các chuỗi cung ứng cho họ. Tham gia TPP sẽ là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng này. Đồng thời, Việt Nam và các nước sẽ có được cơ hội mới từ các chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Hiện tại, một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Khi Việt Nam gia nhập TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh mẽ hơn, là điều kiện quan trọng để nước ta bước sang giai đoạn phát triển các ngành mới, có hàm lượng công nghệ cao hơn.

Nguyên tắc chung nhất trong đàm phán của TPP là đưa thuế nhập khẩu về 0% đối với tất cả các dòng thuế. (Với một số ít dòng thuế nhạy cảm nhất, có thể áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc hình thức giảm thuế đáng kể, với điều kiện 11 nước còn lại chấp nhận). Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam gia tăng xuất khẩu của Việt Nam đặc biệt là các mặt hàng dệt may, giày dép, nông lâm, thủy sản. Đối với mặt hàng nhập khẩu, một số chủng loại nông sản, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà mà các nước có thế mạnh sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh khá lớn. Các sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh như thép, ô tô cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của Việt Nam, tuy nhiên sức ép cũng không lớn, do phân khúc thị trường khác nhau, chúng ta hướng tới phân khúc thị trường trung bình, còn các bạn hướng tới thị trường cao cấp.

Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác động tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của Việt Nam cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không lớn do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam ở các thị trường nước ngoài còn thấp.

Về mặt xã hội, tham gia TPP sẽ tạo ra các cơ hội giúp nâng cao tốc độ tăng trưởng, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập và góp phần xóa đói giảm nghèo. Do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với Việt Nam phần lớn là không cạnh tranh trực tiếp, nên nếu có một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được các vấn đề xã hội nảy sinh do tham gia TPP.

Doanh nghiệp nhà nước chấp nhận cạnh tranh bình đẳng

Một trong những điểm quan trọng nhất và là khác biệt của Hiệp định TPP là các nghĩa vụ liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo quy định của Hiệp định, các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường; không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, các nghĩa vụ của Hiệp định được áp dụng đối với các DNNN mà Nhà nước nắm giữ 50% vốn điều lệ. Và chỉ khi các DNNN này có doanh thu vượt quá ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của Hiệp định. Việt Nam bảo lưu loại trừ tất cả các doanh nghiệp có hoạt động liên quan tới quốc phòng - an ninh. Với các DNNN khác, Việt Nam chấp nhận cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Nhà nước sẽ vẫn hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng mức hỗ trợ sẽ không tới mức gây bất bình đẳng lớn và ảnh hưởng tiêu cực tới thương mại, đầu tư giữa các nước TPP. Việt Nam cũng đồng ý minh bạch thông tin về DNNN khi có yêu cầu, trừ các thông tin ảnh hưởng tới quốc phòng - an ninh hoặc thuộc phạm vi bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh: Hiệp định TPP không bắt buộc DNNN công khai giao dịch của mình. Những gì thuộc về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp sẽ không ai được quyền đòi hỏi. Chỉ khi nào TPP nhận thấy doanh nghiệp có biểu hiện đang được hỗ trợ quá mức của Nhà nước, gây tác động tiêu cực đến thương mại và đầu tư các bên, khi đó mới phải công khai thông tin.

Trong quá trình đàm phán, các nước TPP thống nhất đưa ra một bộ quy tắc khá toàn diện về đấu thầu mua sắm của các cơ quan chính phủ, trừ các gói thầu vì mục đích an ninh - quốc phòng. Trong đó, một quy tắc mà Việt Nam cần phải lưu ý đó là không áp dụng các điều kiện dự thầu mang tính ưu tiên đối với nhà thầu cũng như hàng hóa và dịch vụ trong nước, trừ các trường hợp được bảo lưu. Theo đánh giá của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, các cam kết về lĩnh vực mua sắm của các cơ quan chính phủ là cân bằng và phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là một quy định mới mà Việt Nam sẽ phải tuân thủ vì Việt Nam hiện vẫn có một số hướng dẫn hiện hành khuyến khích các nhà thầu và hàng hóa trong nước sản xuất.

Việc mở cửa thị trường dịch vụ - đầu tư được đánh giá sẽ không ảnh hưởng tới quyền chủ động của Nhà nước trong quản lý, cụ thể là không ảnh hưởng tới quyền áp dụng các biện pháp quản lý không mang tính phân biệt đối xử, theo các tiêu chí minh bạch, áp dụng chung. Nói cách khác, mở cửa theo TPP chỉ làm tăng cạnh tranh thương mại, không ảnh hưởng tới quyền quản lý của Nhà nước nhằm đáp ứng các mục tiêu công cộng, chính đáng và vì vậy, không gây ra tác động bất lợi cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền riêng tư của công dân cũng như thuần phong mỹ tục trong xã hội.

Đánh giá về những thách thức xã hội, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, cạnh tranh có thể tăng lên khi tham gia TPP có thể làm cho một số doanh nghiệp, trước hết là các doanh nghiệp vẫn dựa vào sự bao cấp của Nhà nước, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất và kinh doanh lạc hậu rơi vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra. Tuy nhiên, do phần lớn các nền kinh tế trong TPP không cạnh tranh trực tiếp với ta, nên ngoại trừ một số ít sản phẩm nông nghiệp, dự kiến tác động này là có tính cục bộ, quy mô không đáng kể và chỉ mang tính ngắn hạn. Đồng thời, với cơ hội mới có được, ta sẽ có điều kiện để tạo công ăn việc làm mới, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành ta thực sự có lợi thế cạnh tranh.

Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương), cố vấn cấp cao Đoàn đàm phán TPP:

TPP mang đến cơ hội, nhưng cơ hội không tự biến thành lợi ích

Tôi khẳng định TPP mang đến cơ hội song cơ hội không tự biến thành lợi ích, không tự biến thành sức mạnh của thị trường thông qua chủ sở hữu là doanh nghiệp, người dân và Nhà nước. Thách thức là sức ép trực tiếp nhưng sức ép đến đâu còn tùy vào phản ứng của chúng ta. Nếu không nhấn mạnh điều này thì sẽ vỡ mộng, hoặc bi quan quá mức.

Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song nếu bộ máy nhà nước trì trệ thì rất nguy hiểm.

Hiện nay có quá nhiều số liệu cho rằng xuất khẩu tăng, GDP tăng bao nhiêu nhờ TPP, điều đó có thể không sai nhưng nhược điểm là kinh tế lượng không phản ánh được những biến động trên thị trường thế giới, không phản ánh được thái độ của Chính phủ như thế nào. Nếu phản ứng chính sách tốt, mức tăng còn có thể nhiều hơn điều chúng ta nói.

Cơ hội của xuất khẩu là có nhưng quan trọng chúng ta có tận dụng được hay không. Sau TPP, rất có khả năng nhập siêu trong thời gian đầu tăng, nhưng điều đó không phải xấu. Khi gia nhập WTO năm 2007, số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tăng vọt lên 64 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2006. Vốn đăng ký mạnh hơn thì họ phải triển khai dự án và lúc bấy giờ nhập siêu có thể tăng. Ví dụ như đầu tư nhà máy dệt thì ban đầu phải nhập khẩu máy móc thiết bị, nên phần nhập về phải tăng lên lúc đầu. Sau này, nếu phát triển sản xuất thì tôi tin xuất khẩu sẽ tăng lên.


Lệ Nhung