Ứng phó với Covid-19: "Trong nguy có cơ"

Trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.

Từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng sang nhiều vùng, khu vực trên thế giới, và hiện đang diễn biến rất phức tạp, khó lường. Theo số liệu thống kê đến thời điểm này, dịch bệnh đã lan ra toàn thế giới, ở khắp các châu lục và đã có trên 80 quốc gia/vùng lãnh thổ có công dân nhiễm bệnh Covid-19, với 93.000 ca bệnh, hơn 3.100 trường hợp tử vong (chủ yếu ở Trung Quốc  với 2.981 ca tử vong).

PMI trung quoc giam
PMI của Trung quốc giảm mức thấp kỷ lục 35.7% trong tháng 2

Bên cạnh thiệt hại về con người, dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thiệt hại về kinh tế đối với từng nước cụ thể, do các hoạt động giao thương, kết nối chuỗi sản xuất giữa các quốc bị đình trệ và xáo trộn; tác động đến cả tổng cung và tổng cầu.

Đại dịch Covid 19 lan rộng khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo, các chỉ số chứng khoán và các chỉ số kinh tế vĩ mô đều sụt giảm: PMI của Trung quốc giảm mức thấp kỷ lục 35.7% trong tháng 2. Trong bối cảnh trên, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn khiến thị trường chứng khoán và giá dầu lao dốc còn chiều ngược lại giá vàng cũng như giá trái phiếu chính phủ liên tục tăng mạnh và lập các đỉnh mới.

Diễn biến các chỉ số chứng khoán kể từ đầu năm 2020

bang 1
Nguồn: PSI tổng hợp

Trung tâm phân tích CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đã có cuộc trao đổi với TS. Cấn Văn Lực (Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) về tác động của dịch cúm Covid 19 đối với kinh tế Việt Nam, và những định hướng chính sách của CP Việt nam trong bối cảnh mới

 Tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam

Đối với nền kinh tế Việt Nam, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực cả tổng cầu và tổng cung. Về phía cầu, ngành du lịch, vận tải, bán lẻ (tiêu dùng cá nhân), xuất khẩu nông sản… đã bị tác động trực tiếp và rõ nét do lượng khách quốc tế và nội địa, nhu cầu giao lưu, tiêu dùng, vui chơi giải trí sụt giảm mạnh.

Về phía cung, hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bị suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu, lao động từ Trung Quốc và một số đối tác quan trọng.

Theo ngành kinh tế, dịch Covid-19 tác động tiêu cực, trực tiếp và rõ nét nhất tới 8 lĩnh vực chính của nền kinh tế Việt Nam, như: (i) chi phí y tế và nguồn nhân lực, (ii) du lịch, lữ hành, khách sạn, (iii) giao thông vận tải, (iv) thương mại, (v) đầu tư, (vi) bán lẻ (tiêu dùng cá nhân); (vii) các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng; và (vi) tài chính - ngân hàng.

Trong báo cáo công bố ngày 11/2/2020, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đưa ra 3 kịch bản, đánh giá tác động của dịch bệnh Covid-19 đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020.

Theo đó, với kịch bản cơ sở: Dịch Covid-19 sớm được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ giữa quý 2/2020. Tại kịch bản này, doanh thu du lịch của Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 20-22% so với năm 2019; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 8-12%; du lịch khách quốc tế giảm 15-20%; dịch vụ giao thông vận tải giảm 15-20%; bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) giảm 0,5%; và dịch vụ tài chính – ngân hàng giảm 2%.

Theo đó, tăng trưởng GDP Việt Nam cả năm 2020 giảm khoảng 0,83 điểm %; trong đó, GDP quý 1 giảm 1,23 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 5,6-5,7%) và GDP quý 2 giảm 0,71 điểm % (tương ứng mức tăng trưởng 6-6,1%). Mức tác động này cũng khá tương đồng với dự báo gần đây của một số các tổ chức quốc tế (ANZ, Citibank…v.v.) với mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự báo khoảng 6-6,3%.

cong nghiep
Hoạt động sản xuất trong nước gắn với chuỗi sản xuất, cung ứng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bị suy giảm do thiếu nguyên, nhiên vật liệu

Với kịch bản tích cực: Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trong quý 1/2020; các hoạt động kinh tế - xã hội sớm trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 sẽ giảm khoảng 0,32 điểm %; trong đó, quý 1 giảm 1,22 điểm % và quý 2 giảm 0,39 điểm %.

Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch các nước cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ít hiệu quả, dẫn đến hệ lụy xấu, thậm chí làm kiệt quệ các hoạt động sản xuất – kinh doanh của Việt Nam; khiến tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay giảm khoảng 2,71 điểm %.

Tại Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh và năm cuối của kế hoạch 5 năm (2016-2020), Việt Nam phải thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Để làm được điều này, một số chính sách, giải pháp quan trọng đươc theo TS. Cấn Văn Lực, cần được thực hiện như:

Thứ nhất: Dù mục tiêu đạt tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% và kiểm soát lạm phát dưới 4% năm nay là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng Chính phủ chưa nên đặt vấn đề điều chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, do chưa có đủ cơ sở cũng như chưa lường đón được hết diễn biến dịch bệnh.

Thứ 2: Nhiệm vụ ưu tiên số 1, quan trọng hàng đầu hiện nay phải là phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả; bởi vì làm tốt điều này cũng chính là góp phần quan trọng ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phương châm của Chính phủ là cần bình tĩnh, đúng mức, nhưng không chủ quan, thông tin công khai, minh bạch, chuẩn xác và kịp thời cần được nhất quán hiểu và hành động quyết liệt.

Thứ 3: Các gói chính sách kinh tế cần hướng đến hỗ trợ ổn định, khắc phục khó khăn, vượt qua cú sốc về cả phía cung và cầu, cũng như chuẩn bị tốt nhất để tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc. Về lý thuyết kinh tế, trong những trường hợp này, chính sách tài khóa nên được ưu tiên hơn là chính sách tiền tệ, do hiệu quả tức thì, ít độ trễ hơn của chính sách tài khóa. Tuy nhiên, vẫn phải kết hợp hài hòa cả hai nhóm chính sách này thì hiệu quả hỗ trợ mới tốt hơn.

“Hành động” của các NHTW trên thế giới

Ảnh hưởng khó lường của dịch bệnh tới nền kinh tế dấy lên vấn đề về việc nới lỏng chính sách tiền tệ ở nhiều nước.

Trung Quốc, nơi bùng phát đầu tiên dịch COVID-19, đã bơm một lượng tiền mặt lớn vào thị trường. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC – ngân hàng trung ương) cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách gia hạn các khoản vay và không phạt nếu quá hạn.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA – Ngân hàng Trung ương), ngày 3/3 đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản xuống mức thấp kỷ lục mới 0,5%, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang ngày càng đe dọa trực tiếp đến nền kinh tế thế giới và Australia.

Trong đêm qua theo giờ Việt Nam, Fed vừa hạ lãi suất khẩn cấp 50bps dù chưa tới phiên họp - điều chưa từng xảy ra từ khủng hoảng tài chính 2008 nhằm đối phó các rủi ro vì Covid 19.

Bên cạnh đó, có thể Canada sẽ có động thái tương tự trong tuần này. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có 50% khả năng sẽ quyết định hạ lãi suất vào tuần tới.

lai suat ngan hang
Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải

Đối với chính sách tiền tệ của Việt Nam, theo TS. Cấn Văn Lực, có 4 điểm cần cân nhắc để đưa ra các chính sách phù hợp:

Thứ nhất: Chưa nên giảm lãi suất điều hành của NHNN do:

(i) Áp lực lạm phát năm nay ở mức khá cao (chỉ số CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% và lạm phát cơ bản tăng 3,25% so với cùng kỳ năm 2019), chỉ số CPI cả quý 1/2020 có thể ở mức trên 5% so với cùng kỳ, và cả năm dưới 4% là rất khó khăn;

(ii) Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay và cả quý 2/2020 còn yếu, tính đến hết ngày 19/2/2020, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,28% so cuối năm 2019 (theo NHNN);

(iii) Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam nên duy trì ở mức vừa phải (mức tăng trưởng 13-14%/năm đang là cao nhất trong khu vực Đông Á và ĐNÁ trong khi quy mô tín dụng của Việt Nam lớn (khoảng 136% GDP cuối năm 2019); nên nếu giảm lãi suất là chưa trúng và có thể sẽ đẩy tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ 2: Việc tung ra gói hỗ trợ lãi suất (như năm 2009) là chưa cần thiết lúc này vì hiệu quả không cao và rất phức tạp khi triển khai.

Thứ 3: Ngoài ra, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với hộ kinh doanh và doanh nghiệp là dòng tiền và tính thanh khoản, vì vậy cần tập trung hỗ trợ điểm huyệt này. NHNN đã có yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) xem xét cho phép bên vay giãn, hoãn nợ, giảm lãi/phí, không chuyển nhóm nợ, cho vay mới phục vụ SX-KD v.v... Các TCTD đã tung ra hàng loạt các gói tín dụng với lãi suất giảm từ 0,5-1%/năm, giảm một số loại phí, rà soát, xem xét từng khách hàng, khoản vay để có biện pháp hỗ trợ tương ứng.

NHNN cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, quy định tiêu chí để xác định đối tượng được hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ gián tiếp như cho vay tái cấp vốn, cho vay trên thị trường mở để các TCTD có thể tiếp cận một phần nguồn vốn chi phí thấp hơn. Thực hiện tốt những điều trên là thuốc vaccine phù hợp nhất đối với doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ tư: Dùng nhiều công cụ, biện pháp để kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và thị trường vàng cũng là những động lực quan trọng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giúp người dân và doanh nghiệp yên tâm làm ăn hơn.

san xuat
Cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh

Đối với chính sách điều hành kinh tế trong điều kiện chống cú sốc ngắn hạn hiện nay, cần ưu tiên hơn sử dụng hơn chính sách tài khóa. Theo TS Cấn Văn Lực, Chính phủ có thể xem xét cho phép sử dụng công cụ thuế và đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu.

(i) Giãn, hoãn các nghĩa vụ tài chính (thuế, bảo hiểm xã hội…) như tiếp tục giảm thuế nhập khẩu thiết bị y tế, dịch vụ y tế; giãn, hoãn nộp thuế, chi trả bảo hiểm xã hội cho người lao động của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh v.v...

(ii) Chính phủ sớm trình Quốc hội chính thức cho phép giảm thuế thu nhập DNNVV xuống mức 15-17% (Luật hỗ trợ DNNVV năm 2017 cho phép điều này, nhưng cần được Quốc hội thông qua).

(iii) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Các Thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, thanh-kiểm tra các dự án BĐS để sớm quyết định cho phép triển khai hay không.

Đối với một số chính sách kinh tế khác, cần tiếp tục thực hiện một số chính sách, giải pháp căn cơ, dài hạn như:

(i) Từng bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động dịch Covid-19 đối với lĩnh vực, địa phương mình để có hình thức hỗ trợ phù hợp nhất;

(ii) Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất hơn môi trường kinh doanh, giảm mạnh chi phí không chính thức, tạo điều kiện thu hút đầu tư (tư nhân và FDI phát triển tốt hơn);

(iii) Phát huy động lực từ các lĩnh vực, khu vực không bị ảnh hưởng;

(iv) tận dụng các cơ hội kinh doanh mới từ các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh mới, nhiều cơ hội phát triển như kinh tế số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, dịch vụ trực tuyến…..v.v.;

(v) Tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA), nhất là EVFTA (dự kiến hiệu lực từ tháng 7/2020);

(vi) Hỗ trợ doanh nghiệp về tiếp cận thông tin, kết nối thị trường, đối tác thay thế các nguồn nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra nhằm nhanh chóng ổn định chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ;

(viii) Đã đến lúc cần nghiêm túc đặt vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, ngành nghề; đa dạng hóa thị trường, đối tác, phát triển mạnh công nghiệp phụ trợ, khai thác hiệu quả thị trường trong nước…. là một trong những trụ cột tiếp tục ưu tiên lâu dài, vừa phát huy hiệu quả nguồn lực, vừa hạn chế rủi ro phụ thuộc quá nhiều vào một số đối tác, thị trường lớn như hiện nay.

“Cơ hội“ gọi tên ai

dien luc
Nhóm ngành điện luôn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán mỗi khi có rủi ro biến động mạnh

Trong khó khăn và thách thức, vẫn luôn tồn tại những điểm sáng và cơ hội, những điểm này đã được Trung tâm phân tích - CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) đưa ra trong Báo cáo chiến lược thị trường tháng 4/2020. Theo đó PSI cho rằng diễn biến dịch bệnh đang có nhiều diễn biến tích cực hơn khi số lượng người nhiễm mới tại Hồ Bắc & phần còn lại của Trung Quốc đều duy trì xu hướng giảm cũng như số trường hợp phục hồi đã lớn hơn số người còn nhiễm bệnh. Về tính chu kỳ, giống như dịch Sars nhiều khả năng Covid-19 sẽ được kiểm soát tốt khi các khu vực chuyển dần sang mùa hè với nhiệt độ tăng cao vào khoảng tháng 6 – tháng 7. Với chính sách quyết liệt của Chính Phủ, Việt Nam là nước được đánh giá kiểm soát dịch rất tốt, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các điểm đến có khả năng lây lan NCovi ra cộng đồng.  Điều này sẽ hỗ trợ cho việc thúc đẩy lại tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới

Đồng thời với xu hướng các NHTW thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó mới nhất Fed đã thực hiện cắt giảm lãi suất 50 bps, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới.

Nhiều ngành nghề có thể hưởng lợi ngay lập tức như công nghệ, viễn thông, thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng, sản xuất ô tô, thực phẩm đóng hộp,.. khi nhu cầu người dân sử dụng gia tăng mạnh. Bên cạnh đó, cũng có một số ngành như ngành ngân hàng & xây dựng có nhiều triển vọng với những chính sách kinh tế được đưa ra như trên có thể giúp tạo đà phục hồi mạnh ngay sau khi dịch bệnh kết thúc

Đối với ngành xây dựng, với việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án lớn, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt theo kế hoạch. Với việc thực hiện các chính sách tài khóa như trên sẽ sớm được ưu tiên do hiệu quả tức thì, ít độ trễ, qua đó góp phần vào việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Một ngành khác cũng được xem là điểm sáng trong bối cảnh “trong nguy có cơ” là ngành điện. Khi thị trường có rủi ro biến động mạnh, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang các tài sản đầu tư an toàn như vàng hoặc các công cụ tài chính mang lại lợi tức cố định như trái phiếu.

Tương tự như các tài sản an toàn trên, cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành điện cũng có vị thế phòng thủ nhờ các yếu tố như: (1) Ngành nghề thiết yếu nên hoạt động kinh doanh luôn duy trì ổn định bất chấp ảnh hưởng từ các hiện tượng ” Thiên Nga đen “ (2) Lịch sử trả cổ tức bằng tiền mặt ổn định hàng năm, (3) Rào cản gia nhập ngành lớn.

Với những vị thế phòng thủ như trên, nhóm ngành điện luôn là nhóm ngành thu hút được dòng tiền trên thị trường chứng khoán mỗi khi có rủi ro biến động mạnh. Trong dịch Sar 2003, các cổ phiếu ngành điện là những cổ phiếu duy trì được đà tăng tốt nhất trên sàn chứng khoán S&P.

bieu do 2

Bên cạnh vị thế phòng thủ, triển vọng của các doanh nghiệp điện tại Việt Nam rất khả quan trong thời gian tới nhờ nhu cầu tiêu thụ điện đang tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, theo ước tính của Bộ Công Thương nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam sẽ vượt nguồn cung 6,6 tỷ kWh vào năm 2021 và sẽ thiếu hụt khoảng 5% tổng nhu cầu dự báo tại thời điểm.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại, PV Power là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa lớn nhất của ngành điện. PV Power hiện là doanh nghiệp phát điện lớn thứ 2 trong ngành với quy mô sở hữu 7 nhà máy điện với tổng công suất 4,2GW chiếm 11 công suất toàn hệ thống. Với nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, tiềm năng phát triển các dự án điện đặc biệt là các dự án điện khí đang được chú trọng trong đó có dự án Nhơn Trạch 3,4 sẽ là cơ sở tạo động lực tăng trưởng cho PV Power.

Với việc kiểm soát dịch tốt, đồng thời với một số yếu tố tích cực với TTCK năm 2020 như; TTCK Việt Nam sẽ được nâng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier 100 lên 30% khi Kuwait được chuyển sang rổ MSCI Emerging Market; diễn biến thương mại Mỹ - Trung Quốc đã có những khởi sắc; kỳ vọng các ETFs mới dành cho cổ phiếu tài chính và cổ phiếu đã hết room ngoại sẽ được ký duyệt trong năm nay, Trung tâm Phân tích PSI đánh giá thị trường CK vẫn có nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong năm 2020.

 

Minh Châu