Trong quý 4/2023, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Ngân hàng Techcombank, mã cổ phiếu TCB - sàn HoSE) lần lượt đạt 11.000 tỷ đồng và 5.700 tỷ đồng, tương ứng tăng 16,9% và 21,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu so với quý 3/2023, thu nhập hoạt động của ngân hàng này đã tăng 5,8% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ 1,2%. Có thể thấy, thu nhập hoạt động của Ngân hàng Techcombank đã bắt đầu phục hồi trở lại từ quý 4/2023. Trong khi đó, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động tạo động lực cho tăng trưởng lợi nhuận của quý 4/2023 so với cùng kỳ.
Bóc tách cơ cấu thu nhập của ngân hàng này, nguồn thu lãi (NII) trong quý 4/2023 đạt 7.590 tỷ đồng và các nguồn thu ngoài lãi đạt 3.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,4% và 31,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tăng trưởng của thu nhập lãi thuần được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng tín dụng cao. Ngoài ra, nguồn thu phí của Ngân hàng Techcombank bắt đầu phục hồi theo quý với mức tăng hơn 10% so với quý 3/2023, đạt 2.490 tỷ đồng khi các hoạt động thanh toán, hoạt động bancassurance, và ngân hàng đầu tư phục hồi.
Tính chung cả năm 2023, dư nợ tín dụng của Ngân hàng Techcombank tăng trưởng 21,6%. Trong các phân khúc, dư nợ cho vay liên quan đến doanh nghiệp tăng trưởng 72,8%. Đáng chú ý, tín dụng của khối khách hàng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (Recom) dẫn dắt tăng trưởng với mức tăng 43% so với đầu năm 2023, chiếm 43% tổng tín dụng của ngân hàng này.
Ngược lại, dư nợ cho vay liên quan đến khối khách hàng cá nhân giảm 2,6% so với hồi đầu năm, chủ yếu do nhu cầu mua nhà sụt giảm và ảnh hưởng của môi trường lãi suất cao nửa đầu năm. Tuy nhiên, kể từ quý 3/2023, dư nợ cho vay của khối khách hàng cá nhân đã cho thấy sự phục hồi trở lại.
Về phía chi phí, chi phí hoạt động của Ngân hàng Techcombank trong quý 4/2023 đã giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đã tăng 136%.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đến cuối quý 4/2023 là 1,16%, giảm 20 điểm cơ bản so với quý 3/2023. Đồng thời, dư nợ nhóm 2 tiếp tục cho thấy sự tích cực khi giảm về còn 0,86%, so với mức 1,26% tại cuối quý 3/2023.
Đại diện Ngân hàng Techcombank cho biết, ngân hàng đã chủ động tăng khả năng kiểm soát rủi ro khi tăng cường trích lập dự phòng với chi phí dự phòng rủi ro là 1.600 tỷ đồng. Trong kỳ, nhờ tích cực xử lý rủi ro đối với nợ xấu nội bảng và kiểm soát nợ xấu mới phát sinh, bộ đệm dự phòng được củng cố khi tăng trở lại mức 102%.
Lũy kế cả năm 2023, tổng thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Techcombank lần lượt là 40.000 tỷ đồng và 22.800 tỷ đồng, lần lượt giảm 2% và 10,5% so với năm 2022. Qua đó, hoàn thành 104% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Hãng chứng khoán Rồng Việt Securities (VDSC) nhận định: “Hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Techcombank đã phát tín hiệu tạo đáy khi lợi nhuận trước thuế nửa cuối năm tăng trưởng 3% so với nửa đầu năm 2023 và tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2022”.
Kết quả kinh doanh của Ngân hàng Techcombank kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các quý tới khi một số nút thắt liên quan đến chi phí vốn, hoạt động ngân hàng đầu tư, hoạt động bancassurance tiếp tục hồi phục tích cực.
Tuy nhiên, VDSC cũng lưu ý, với đặc thù danh mục cho vay các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực bất động sản, tốc độ hồi phục của ngành nghề này cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự hồi phục của NIM và chi phí tín dụng của Ngân hàng Techcombank.
Do đó thời điểm này và trong tương lai gần sẽ tiếp tục là giai đoạn thử thách trong việc quản lý và chất lượng tài sản của ngân hàng này, VDSC nhận định.