Vì sao thu thuế vượt hơn 1 triệu tỷ đồng?

Năm 2018 lần đầu tiên ghi nhận thu ngân sách nhà nước qua hệ thống thuế vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 7,3% so với dự toán, tăng 12,3% so với năm trước.

Con số kỷ lục nói trên xuất phát từ 3 nguyên nhân. Thứ nhất, tốc độ tăng thu nội địa năm 2018 đã cao hơn tăng trưởng GDP cộng với yếu tố trượt giá, điều này thể hiện thực lực của nền kinh tế. Tính trong 10 năm qua, tổng thu của ngành thuế tăng hơn 3,4 lần.

Thứ hai, do ngay từ đầu năm ngành thuế đã đặt mục tiêu phấn đấu cao. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp đồng loạt triển khai quyết liệt các giải pháp quản lý thu; tăng cường chống thất thu, thu hồi nợ đọng, quản lý hoàn thuế GTGT theo đúng quy định của pháp luật. Công tác hỗ trợ, đối thoại với DN đã được đẩy mạnh, qua đó giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi phát triển SXKD, hỗ trợ khởi nghiệp, kích thích tăng trưởng kinh tế. Đây là bài học để tạo động lực và áp lực trách nhiệm, muốn có phấn đấu cao thì phải có chỉ tiêu cao.

Thứ ba, ngành thuế đã triển khai nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý kê khai thuế, cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là sự cố gắng của hơn 4 vạn cán bộ thuế. Riêng với công tác thu nợ thuế, đã giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng cục thuế. Đồng thời yêu cầu các cục thuế phân bổ, giao tới từng lãnh đạo cục thuế, trưởng phòng nợ, các chi cục trưởng, đội trưởng, từng cán bộ để thu hồi kịp thời số tiền nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước và không để phát sinh nợ mới. Tổng cục Thuế đã yêu cầu cục thuế các tỉnh thu tối thiểu 97% các khoản tiền thuế nợ đến 90 ngày và tiền thuế nợ trên 90 ngày tính đến thời điểm 31/12/2017.

Trong nhiều nguyên nhân thì đây là 3 nguyên nhân cơ bản nhất giúp ngành thu thuế vượt trên 1 triệu tỷ đồng so với dự toán. Nhưng con số vượt kỷ lục cũng chính là áp lực mà ngành thuế phải vượt qua mức nền của năm 2018. Trong đó, vấn đề hàng đầu là quản lý các giao dịch liên kết, chống chuyển giá theo thông lệ quốc tế, quản lý thuế trên cơ sở đánh giá rủi ro, quy trình thủ tục giải quyết nợ đọng và cưỡng chế thuế hay mối quan hệ giữa các bộ, ngành trong chức năng quản lý thuế.

Một trong những vấn đề khác đang vướng mắc hiện nay là giải quyết mối quan hệ giữa việc thực hiện các kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán với phán quyết của cơ quan thuế sao cho đúng với pháp luật. Và làm sao để chính sách thuế phải kích thích được đầu tư nước ngoài theo hướng có chọn lọc hơn (về công nghệ, thân thiện với môi trường, sẵn sàng kết nối chuỗi giá trị).

Đồng thời, ngành thuế cần chủ động đề xuất với Bộ Tài chính và Chính phủ ban hành thể chế chính sách thích ứng trong điều kiện kinh tế số và các mô hình kinh doanh mới, thanh toán mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế số, công nghệ tài chính (fintech)… Cùng với đó, giúp Bộ Tài chính rà soát các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đến hành thu quản lý thuế theo tinh thần nghị định phải phù hợp với luật. Không để tình trạng lấy công văn để điều chỉnh các vấn đề quy phạm pháp luật về thuế, tùy tiện đặt ra vấn đề pháp luật không cho phép, nhằm bảo đảm minh bạch, có tiên lượng được cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Về quản lý thu thuế, ngành thuế sẽ rà soát lại để có thể giao chỉ tiêu tích cực hơn, tạo động lực và áp lực trách nhiệm với các bộ, ngành, địa phương, nhưng trên cơ sở “có lý, có tình”, phù hợp với từng địa phương; cũng như xem xét lại chỉ tiêu giao chung, đặt chỉ tiêu tích cực hơn ở những địa bàn có dư địa có thể tăng thu. Bên cạnh đó, ngành thực hiện giải pháp chống xói mòn cơ sở thuế, chống thất thu thuế; phối hợp với địa phương, phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê để xây dựng đề án thống kê đầy đủ GDP chưa được quan sát gồm cả kinh tế phi chính thức, kinh tế hộ gia đình tự cung, tự cấp; triển khai tích cực hóa đơn điện tử, hoàn thành ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn…

Nha Trần