VICASA - VNSTEEL: Được vinh danh nhờ “Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép liên tục”

Vừa qua, SEAISI đã tổ chức Cuộc thi với chủ đề "Phát triển ngành thép cạnh tranh trong ASEAN thông qua cải tiến liên tục lần thứ 2". Việt Nam mà tiêu biểu là Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (VICASA) đã giành được giải Ba với chủ đề “Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép liên tục”.

Diễn đàn Phát triển Thép Đông Nam Á 2022 của Hiệp hội Thép Đông Nam Á - SEAISI đã diễn ra tại Khách sạn Sunway, Malaysia. Trong khuôn khổ diễn đàn, SEAISI đã tổ chức Cuộc thi với chủ đề "Phát triển ngành thép cạnh tranh trong ASEAN thông qua cải tiến liên tục lần thứ 2".

Việt Nam mà tiêu biểu là Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL (VICASA) đã giành được giải Ba với chủ đề “Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép liên tục”.

Theo quy định của SEAISI, giải pháp cải tiến mà các quốc gia tham gia phải được thực hiện trong vòng 2 năm, triển khai từ 2019 đến năm 2021 và có kết quả đánh giá vào năm 2022. Đội VICASA - VNSTEEL của Việt Nam đã thực hiện việc cải tiến, tối ưu hóa năng lượng trong quá trình nung phôi của dây chuyền luyện cán thép liên tục tại Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL bằng cách tiếp cận theo các phương pháp 5W2H2C, 4M1E, C&E… thông qua phương pháp Biểu đồ Ishikawa.

Biểu đồ xương cá là khái niệm lần đầu tiên được Ishikawa Kaoru đưa ra vào năm 1960. Bên cạnh Cây vấn đề, đây là một công cụ khá phổ biến để xác định nguyên nhân-kết quả. Biểu đồ xương cá (Ishikawa diagram, Fishbone diagram) được sử dụng lần đầu tiên vào những thập niên 1960 do Ishikawa Kaoru thực hiện tại nhà máy đóng tàu Kawasaki, là một trong các công cụ để quản lý chất lượng. Biểu đồ này thể hiện mối liên hệ giữa các nhóm nguyên nhân tác động hay ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề, đặc biệt phù hợp trong việc kiểm soát các vấn đề về cải tiến chất lượng.

Các vấn đề cần giải quyết sẽ được giải quyết khi đi tìm các nguyên nhân chính, trên mỗi nhánh nguyên nhân chính sẽ có các nhánh nhỏ hơn chính là nguyên nhân phụ (có tác động tới nguyên nhân chính). Và quá trình đi tìm nguyên nhân thì sẽ liên tục đặt câu hỏi: “Vì sao vấn đề này lại xảy ra?” cho đến khi không còn câu trả lời nào khác cho nguyên nhân của vấn đề, sử dụng công cụ “5 câu hỏi tại sao – 5 Whys” để thu thập thêm thông tin và xác định các vấn đề còn tiềm ẩn.

Với việc tổ chức lại, cơ cấu hệ thống vận hành bằng phương pháp đặt vấn đề và giải quyết vấn đề theo phương pháp biểu đồ xương cá đã hỗ trợ việc giảm năng lượng tiệu thụ xuyên suốt từ luyện thép - đúc liên tục - cán thép. Kết quả thu được biểu thị thông qua chỉ số tiêu hao năng lượng của VICASA - VNSTEEL năm 2020, 2021 và 10 tháng đầu năm 2022 theo bảng dưới đây:

vicasa
Biểu đồ Tiêu hao điện nung phôi năm 2020 (kWh/tấn) của VICASA - VNSTEEL

 

viasa
Tiêu hao điện nung phôi năm 2021 (kWh/tấn) của VICASA - VNSTEEL

 

vicasa
Tiêu hao điện nung phôi 10 tháng đầu năm 2022 (kWh/tấn) của VICASA - VNSTEEL

Thông qua việc áp dụng Biểu đồ Ishikawa, sau 3 năm triển khai (từ 2020 - 2022), Công ty Cổ phần Thép VICASA - VNSTEEL ước tính đã tiết kiệm được 1.5 triệu USD. Với kết quả đạt được rất ấn tượng như sau: Tiết kiệm được khoảng 40 kWh điện nung/tấn sản phẩm trong 2 năm gần nhất; Tăng năng suất và tiết kiệm 0.5% tiêu hao kim loại của xưởng cán; Giảm chi phí bảo trì, vật tư, phụ tùng thay thế của lò nung phôi trung tần; Giảm chi phí sản xuất và hầu như không cần đầu tư mới.

Bên cạnh đó là những lợi ích khác như: Tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm VNSTEEL bằng cách cải thiện hiệu quả của lò nung phôi trung tần. Với việc phát thải thấp trong quy trình sản xuất thép, VICASA - VNSTEEL hoàn toàn có thể hướng tới mục tiêu thép xanh vào năm 2050. Giải pháp còn mang lại ý nghĩa về mặt lâu dài bởi vẫn còn không gian để cải tiến cho tương lai.

Công ty Cổ phần Thép VICASA – VNSTEEL ra đời từ thập niên 60 của thế kỷ trước đã trải qua nhiều lần thay da đổi thịt, nâng tầm năng lực để phù hợp với hiện tại. Sơ khởi năng lực sản xuất của VICASA chỉ có 45 ngàn tấn thép, giai đoạn năm 2000 công suất lên được khoảng tầm 80 ngàn. Hiện tại, VICASA - VNSTEEL đã thay đổi rất nhiều, đã được đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm sức lao động, nâng cao thu nhập cho CBCNV.

Đó là cải tạo đúc liên tục từ 4m lên 5.25m vào năm 2016, cải tạo chuyền cán trung hàng ngang sang hàng dọc vào năm 2017, đầu tư biến thế 25MVA năm 2017. Cùng với đó là sự phát triển về năng lực sáng tạo của tập thể CBCNV.

Với giải pháp “Tối ưu hóa năng lượng nung phôi trong dây chuyền luyện cán thép liên tục” và quyết tâm không để mình bị lạc hậu, luôn có mình trong dòng chảy sản xuất thép “xanh”, bản lĩnh người thợ luyện thép VICASA - VNSTEEL tiếp tục được khẳng định.

Minh Hà (tổng hợp)