Việt Nam - Hy Lạp: Những cơ hội hợp tác mới trong phát triển vận tải biển, logistic

Năm 2017, kim ngạch thương mại của hai nước đạt hơn 300 triệu USD, các mặt hàng thế mạnh trong những lĩnh vực hai bên có nhu cầu và tiềm năng phát triển như vận tải biển và logistic, đóng tàu, khai thác cảng biển, du lịch, chế biến nông sản...

Ngày 10/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hy Lạp, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn doanh nghiệp Hy Lạp do ông Terens-Nikolaos Quick, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hy Lạp dẫn đầu cùng 16 doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong các lĩnh vực như công nghiệp thực phẩm, sản xuất dầu oliu, dệt may, đầu tư bất động sản, năng lượng, phát điện, chiếu sáng...

Khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI, ông Đoàn Duy Khương cho rằng, đây chính là thời điểm vàng để Việt Nam và Hy Lạp cùng hợp tác chặt chẽ, đưa quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước vươn lên tầm cao mới, đặc biệt là về kinh tế, thương mại và đầu tư.

Những cơ hội hợp tác mới trong phát triển vận tải biển, logistic

Tại Diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm vàng để thúc đẩy hợp tác, thương mại giữa Việt Nam - Hy Lạp

Theo Phó Chủ tịch VCCI, Việt Nam và Hy Lạp có quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị lâu đời. Hai nước cũng thường xuyên hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM, Diễn đàn ASEAN - EU.

Hai nước cũng thường xuyên hợp tác tích cực và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương trong khu vực và quốc tế, như Liên hợp quốc, ASEM, Diễn đàn ASEAN – EU. Hy Lạp là nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và đối tác Việt Nam – EU (PCA) và ủng hộ việc sớm thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

Đặc biệt, Hy Lạp cũng là nước thành viên EU luôn ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ với EU và mong muốn trở thành “cửa ngõ” cho Việt Nam trong mối quan hệ với EU.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn khó khăn, nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Hy Lạp đã có những bước tiến đáng khích lệ, tăng đều trong những năm qua, từ 196 triệu USD vào năm 2015 lên 335 triệu USD vào năm 2017. Tuy nhiên, chưa phản ánh đúng tiềm năng và mong muốn của cả hai nước.

Việt Nam và Hy Lạp tuy là hai quốc gia nằm ở hai châu lục khác nhau, nhưng có nhiều nét tương đồng, đều có vị trí địa chính trị quan trọng, có nền văn hóa lâu đời, có lịch sử trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Những yếu tố này là điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên.

Hiện nay, Việt Nam được coi là nền kinh tế đang phát triển năng động của Đông Nam Á, trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày…, và đang trở thành một trong những thị trường tiêu dùng hấp dẫn nhất trên thế giới.

Đồng quan điểm với Phó Chủ tịch VCCI, ông Konstantinos Bitsios, Phó Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Hy Lạp, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản, dệt may, da giày… và có độ cạnh tranh cao so với các sản phẩm đến từ Trung Quốc và Ấn Độ.

"Việt Nam đang chủ động trong đổi mới nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện hệ thống pháp luật để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư. Các doanh nghiệp tại Hy Lạp đều là những tập đoàn lớn, có kinh nghiệm và công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, doanh nghiệp hai bên cần có nhiều thông tin và khuôn khổ hoạt động để mở rộng nhiều cơ hội đầu tư mang tính chất chiến lược và đi vào chiều sâu", ông Bitsios cho biết.

Có thể nói, nhờ những tiến triển thuận lợi của Hiệp định EVFTA, đây chính là "thời điểm vàng" để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các nước châu Âu nói chung và Hy Lạp nói riêng. Năm 2017, kim ngạch thương mại của hai nước đạt hơn 300 triệu USD, các mặt hàng thế mạnh trong những lĩnh vực hai bên có nhu cầu và tiềm năng phát triển như vận tải biển và logistic, đóng tàu, khai thác cảng biển, du lịch, chế biến nông sản...

Vận tải biển và du lịch là hai lĩnh vực trọng điểm trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hy Lạp trong những năm vừa qua khi Hy Lạp là nước đứng đầu thế giới trong lĩnh vực vận tải biển với hơn 4.500 tàu thương mại, chiếm hơn 20% tổng số tàu trên thế giới. Đã có nhiều doanh nghiệp hàng hải hai nước tìm hiểu lẫn nhau và đã có kết quả khả quan nhất như Công ty CP Cảng Sài Gòn, Cảng Hải Phòng, Tổng Công ty Aries Energy, Công ty Adequate, Công ty Atlantic...

Với điểm tương đồng cùng là cửa ngõ đến với thị trường khu vực ASEAN và EU, việc hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hy Lạp được kỳ vọng sẽ là thỏi nam châm để thu hút đầu tư từ các nước EU tới Việt Nam, cũng như trong ASEAN đến Hy Lạp.

Thanh Thúy