Vinaconex (VCG): Đánh đổi lợi nhuận để tăng trưởng doanh thu

Dữ liệu cho thấy Vinaconex (mã cổ phiếu VCG) đang đánh đổi lợi nhuận để lấy tăng trưởng doanh thu, đặc biệt là trong mảng đầu tư công khi giá trị các gói thầu ở mức cao nhưng biên lợi nhuận gộp thấp.

Dự án đầu tư công quy mô lớn nhưng lợi nhuận thấp

Vinaconex Tạp chí Công Thương
Dữ liệu cho thấy mảng xây dựng tuy đem về mức doanh thu cao cho Vinaconex nhưng biên lợi nhuận gộp thấp hơn rất nhiều so với mảng bất động sản.

Theo báo cáo mới nhất của hãng chứng khoán Mirae Asset Securities Vietnam (MASVN), trong năm nay, doanh thu Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG - HoSE) có thể tăng 63% so với năm 2022, đạt 14.059 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi ròng của Vinaconex có thể chỉ đạt 520 tỷ đồng, giảm 33% so với năm 2022, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng mạnh.

Trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp xây dựng này ghi nhận doanh thu đạt 6.533 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 812 tỷ đồng, lần lượt tăng 85% và tăng 75% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp tăng mạnh nhờ doanh thu từ mảng xây dựng và bất động sản tăng đột biến.

Mặc dù doanh thu tăng trưởng ấn tượng nhưng chi phí lãi vay vẫn tiếp tục ăn mòn lợi nhuận của Vinaconex do tổng nợ không thay đổi. Do vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Vinaconex trong nửa đầu năm 2023 giảm tới 81%, xuống còn 128 tỷ đồng.

Xét về cơ cấu doanh thu, mảng xây lắp tiếp tục chiếm phần lớn sự tăng trưởng của Vinaconex với 60% tổng doanh thu, trong đó chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng như cầu và đường cao tốc.

Tuy nhiên, lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2023 của mảng này sụt giảm nghiêm trọng từ 5,4% xuống còn 1,5% do chi phí vật liệu xây dựng và nhân công tăng. Với doanh thu tăng trưởng trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp giảm, công ty đã phải đánh đổi giữa lợi nhuận cho tăng trưởng.

Đáng chú ý vào tháng 8/2023, Vinaconex là thành viên của hai liên danh đã trúng gói thầu số 5.10 trị giá 35.000 tỷ đồng và gói thầu số 4.6 trị giá 8.100 tỷ đồng - hai gói thầu lớn nhất của dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Nhờ những yếu tố thuận lợi này, thị giá cổ phiếu VCG của Vinaconex đã tăng 58% kể từ tháng 5/2023 đến cuối tháng 7/20223 (so với mức tăng 16,6% của VN-Index) do các nhà đầu tư kỳ vọng Vinaconex có khả năng là đơn vị trúng thầu và hưởng lợi từ các gói thầu giá trị cao trên.

Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 hồi tháng 4/2023, ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch Vinaconex cho biết: “Riêng với đầu tư công, giá trị dự án rất lớn nhưng nhà thầu mang tinh thần “ăn no vác nặng” nên lợi nhuận không cao. Nhưng tại sao phải làm vì đó là một trong những trụ cột chính của tổng công ty. Không phải làm lấy lỗ nhưng lợi nhuận mảng đầu tư công không cao, làm 10.000 tỷ nhưng lợi nhuận chỉ 2% - 3%".

Kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận đến từ mảng bất động sản

mảng bất động sản Vinaconex
Trong nửa đầu năm nay, mảng bất động sản của Vinaconex đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội.

Trái ngược với mức lợi nhuận mỏng của mảng xây dựng, mảng bất động sản đang nổi lên là “gà đẻ trứng vàng” cho Vinaconex. Trong nửa đầu năm nay, mảng bất động sản ghi nhận doanh thu đạt 1.609 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 493 tỷ đồng, lần lượt tăng 406% và tăng 670% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy chỉ chiếm 25% tổng doanh thu của Vinaconex trong nửa đầu năm 2023 (so với mức 9% của nửa đầu năm 2022) nhưng mảng bất động sản lại đóng góp tới 64,5% tổng lợi nhuận gộp của công ty. Tỷ suất lợi nhuận gộp trong mảng bất động sản của Vinaconex lên đến 29% trong nửa đầu năm 2023, tăng 9 điểm phần trăm so với nửa đầu năm 2022.

Mặc dù Vinaconex không công bố chi tiết về các khoản doanh thu được ghi nhận, theo MASVN, doanh thu trên có thể đến từ việc bàn giao tòa tháp Green Diamond và một số căn trong số 99 căn biệt thự tại dự án Cát Bà Amatina.

Giá cổ phiếu VCG Vinaconex Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VCG của Vinaconex từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Bất động sản - “Gà đẻ trứng vàng” mới của Vinaconex (VCG)" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vinaconex đang tận dụng triệt để lợi thế là một trong những tổng thầu xây dưng lớn nhất Việt Nam để vừa làm chủ đầu tư, vừa làm nhà thầu trong các dự án bất động sản, giúp giảm chi phí đầu thầu, xây dựng, và chi phí chung cho các dự án.

Trong một diễn biến có liên quan, Vinaconex vừa quyết định thanh lý hợp đồng hợp tác đầu tư với công ty con - Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, mã cổ phiếu VCR). Theo đó, Vinaconex sẽ nhận về 2.200 tỷ đồng tiền vốn góp.

Vinaconex cũng đang mở rộng mảng sản xuất công nghiệp với việc đưa Nhà máy Thuỷ điện Đakba (công suất 30MW) vào vận hành hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, MASVN cho rằng doanh thu từ nhà máy thuỷ điện này chưa được Vinaconex đưa vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay, do doanh thu mảng sản xuất đã giảm 33%, xuống còn 230 tỷ đồng. Hơn nữa, diễn biến thời tiết tiêu cực đã làm cạn kiệt nhiều hồ chứa trên cả nước trong quý 2 vừa qua, khiến sản lượng điện của các nhà máy thuỷ điện giảm mạnh. Cùng với Nhà máy Thuỷ điện Ngòi Phát (công suất 84 MW) hiện đang hoạt động, MASVN nhận định hai nhà máy thủy điện này sẽ mang lại thu nhập ổn định cho Vinaconex trong thời gian tới.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 13/10, cổ phiếu VCG đạt 25.600 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu VCG đã tăng 59%. Đáng chú ý, sau nhịp điều chỉnh giảm hồi cuối tháng 9 vừa qua, cổ phiếu VCG đã phục hồi gần 12% trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Duy Quang