Sở Công Thương Hà Tĩnh: Nỗ lực ổn định sản xuất, an sinh xã hội sau lũ

Trong những ngày từ 15 đến 18/10, Hà Tĩnh phải hứng chịu trận mưa lịch sử chưa từng xảy ra hơn 30 năm nay, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn, tài sản b

Doanh nghiệp, cơ sở hạ tầng, hàng hoá khốn đốn trong lũ 

Đến nay, dù cơn lũ đã đi qua, nhưng trên từng gương mặt người dân vẫn chưa hết nỗi bàng hoàng kinh sợ. Vần chưa có con số thống kê chính thức tổng số thiệt hại về tài sản, song những ước tính thiệt hại ban đầu cũng khiến cho người dân Hà Tĩnh phải khốn đốn trong một thời gian dài: toàn Tỉnh có 133/173 chợ với trên 1.300 hộ kinh doanh đều bị ngâm trong nước; Phần lớn hàng hoá của các hộ kinh doanh trong và ngoài chợ không kịp cất giữ đã bị hư hỏng hết; Tổng giá trị thiệt hại về cơ sở hạ tầng và hàng hoá bị hư hỏng ước tính 120 tỷ đồng, trong đó, thiệt hại về hạ tầng các chợ là 7,1 tỷ đồng, hàng hoá của các hộ dân trong chợ là 54 tỷ đồng, hàng hoá các hộ kinh doanh ngoài các chợ là 58,9 tỷ đồng. Một số chợ huyện bị thiệt hại năng nhất như: huyện Hương Khê có 14/16 chợ, huyện Vũ Quang có 5/6 chợ, huyện Cẩm Xuyên có 23/24 chợ, huyện Nghi Xuân có 14/14 chợ bị nhấn chìm trong nước dài ngày. Hầu hết các chợ đến nay vẫn chưa hoạt động trở lại. 

Chợ huyện bị ngập nước nhấn chìm nhiều hàng hoá

Nhà dân bị chia cắt và ngập chìm trong nước



Không chỉ có các hộ buôn bán kinh doanh bị mất mát, thiệt hại về tài sản mà những doanh nghiệp lớn của Hà Tĩnh cũng phải oằn mình trong mưa lũ. Nhà máy Bia Sài Gòn – Hà Tĩnh, đóng trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh do mưa lũ lên nhanh và cao bất ngờ đã nhấn chìm nhiều tài sản, giấy tờ sổ sách của công ty trong bể nước ròng rã suốt 6 ngày. Anh Nguyễn Trung Huy - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Nhà máy cho biết: Hầu hết toàn bộ tài sản của Công ty đều bị ngâm trong nước. Đặc biệt, có tới 90% máy móc, thiết bị động cơ bị ngập nước, trong đó có nhiều thiết bị quan trọng như: mô tơ hệ thống máy lạnh, tủ điện điều khiển và hệ thống thu hồi khí CO2, các máy nén khí trục vít, cân bồn chứa men… và gần 1 triệu lít bia đang nấu, bảo ôn chưa đóng chai cũng bị lũ ngâm. Ước tính thiệt hại lên tới 10 tỷ đồng. Nhà máy Thức ăn gia súc Thiên Lộc bị hư hỏng về sản phẩm, nguyên liệu, bao bì và các thiết bị máy móc, giá trị thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Công ty gạch Cầu Họ thiệt hại 1,2 tỷ đồng gồm 1,2 triệu viên gạch mộc, 50 tấn than, 2.000m3 đất sét; Công ty thương mại dịch vụ Hà Tĩnh (Kỳ Anh) 2,7 tỷ đồng; Nhà máy gạch Tuynel Tân Phú - Thạch Kênh của Công ty CP kinh doanh vật liệu xây dựng Hà Tĩnh 1,2 tỷ đồng; Xí nghiệp hoá chất Thạch Hà 1,3 tỷ đồng cùng nhiều doanh nghiệp khác bị ngập úng phải ngưng sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, trên 35 cơ sở sản xuất CN-TTCN ở thị xã Hồng Lĩnh bị ngập nước, giá trị thiệt hại ước tính 1,3 tỷ đồng.
Cũng trong tình trạng trên, hệ thống điện lưới trên địa bàn Hà Tĩnh bị cắt liên tục do có nhiều cột điện bị đổ gãy, đường dây bị cắt đứt làm thiết bị hư hỏng nặng. Toàn Tỉnh có 17 trạm TBA bị xói lở, 87 trạm TBA bị ngập nước, 27 km đường dây 35KV và 360 km đường dây hạ thế (chủ yếu ở các huyện Vũ Quang, Đức Thọ, Hương Khê) bị hư hỏng, 200 cột điện bị đổ gãy, 23.000 công tơ bị hỏng… tổng thiệt hại ước tính khoảng 25 tỷ đồng.
Đối với công trình thuỷ điện Hố Hô, do nước đổ về quá nhanh, nền móng của Trạm biến áp yếu nên 01 máy biến áp 7,5 MW (trạm OPY) bị lún xuống đất, (ngoài máy biến áp đã bị trôi từ cơn lũ trước). Phần đường vào nhà máy gần như bị nước xói lở hoàn toàn và ăn sâu vào trong Nhà máy. Hiện nay, các nhà thầu cùng với toàn bộ lực lượng cán bộ công nhân viên nhân máy đang tích cực kiểm tra, nạo vét, sửa chữa khắc hậu quả của đợt mưa lũ thứ nhất, ước tổng thiệt hại gần 20 tỷ đồng.

Công tác chỉ đạo đối phó và khắc phục hậu quả do mưa lũ 

Thực hiện công điện và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương và UBND tỉnh, Sở Công Thương Hà Tĩnh đã ra các văn bản: số 867/SCT-KHTC ngày 12/10/2010, số 891/SCT-KHTC ngày 20/10/2010 yêu cầu các các phòng, ban, đơn vị thuộc sở, Phòng Công Thương - Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố thực hiện theo dõi tình hình thời tiết, thiệt hại, tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn chủ động khắc phục hậu quả, dự trữ hàng hoá thiết yếu và ứng cứu kịp thời cho người dân vùng lũ. Hàng ngày, các đồng chí lãnh đạo được phân công xuống các địa bàn bị lũ lụt, các phòng chuyên môn thường xuyên theo dõi tình hình thiệt hại và túc trực 24/24 giờ để chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện dự trữ, tham gia ứng cứu kịp thời và báo cáo về Bộ Công Thương, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Tỉnh.
Từ ngày 15 đến 20/10, Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp dự trữ, cứu trợ trong đợt lũ thứ 2. Tổng số hàng hoá gồm 112,7 tấn mì tôm và 32.700 lít nước uống đóng chai. Ngoài ra, Sở Công Thương còn chỉ đạo các huyện huy động nguồn hàng tại chỗ để phục vụ ứng cứu. Điển hình như huyện Cẩm Xuyên tự cung cấp 18 tấn mỳ tôm, 6.000 lít nước uống, 10 thùng bánh lương khô; Đức Thọ tự cung ứng tại chỗ 12 tấn mỳ tôm; Hồng Lĩnh 11 tấn mỳ tôm…
Để tiếp tục khắc phục các hậu quả thiệt hại do mưa lũ, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục dự trữ và sẵn sàng cung ứng thêm 57 tấn mỳ tôm, 1.000 tấn gạo, 2.000 thùng nước uống đóng chai, 1.000 bình nước uống loại 20 lít, 1.000 chiếc áo mưa, 2 triệu chiếc bao bì, 1.000 tấm lợp, 300 tấn bột canh, 33.000 tấn xi măng, 4.800 tấn sắt thép các loại, 1.200 m3 xăng và 900m3 dầu các loại cung cấp cho đồng bào vũng lũ. Theo báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn thì khả năng có thể cung ứng đủ một số mặt hàng thiết yếu như mì tôm, nước uống, bao bì, vật liệu xây dựng. Riêng mặt hàng muối, phân bón và các loại thuốc khử trùng sau lũ sẽ thiếu do các cơ sở kinh doanh trong Tỉnh bị thiệt hại nhiều và nhu cầu của người dân tăng cao so với bình thường.
Đồng thời, Sở đã phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tập trung các nguồn lực nhằm khắc phục các thiệt hại do mưa lũ, động viên, thăm hỏi các hộ kinh doanh sớm tập kết hàng hoá, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn sớm khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất. Mặt khác, chỉ đạo Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn nhanh chóng hoạt động trở lại để phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các phòng Công Thương - Kinh tế tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn liên ngành thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình thị trường, giá cả trên địa bàn, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng…) nhằm ngăn chặn các hành vi đầu cơ, găm hàng, nâng giá và hạn chế lưu thông hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá thời hạn sử dụng trên thị trường. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình thị trường, giá cả, nhất là các nhu cầu đối với hàng hoá thiết yếu, đề xuất các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý nhằm phục vụ sản xuất đời sống của nhân dân sau lũ lụt.
Tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức, thực hiện có hiệu quả các đợt bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là các vùng bị thiệt hại do mưa lũ theo kế hoạch triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để đáp ứng các nhu cầu của nhân dân nhằm bình ổn thị trường.
Để sớm khắc phục, ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh, giá cả thị trường, các cấp Bộ, ngành Trung ương cần phải có chính sách chủ trương hỗ trợ, ưu đãi kịp thời. Đồng thời khuyến khích, động viên các tập thể cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác chỉ đạo, thực hiện, dự trữ, cung ứng hàng hoá ứng cứu nhân dân trong đợt mưa lũ vừa qua. Theo ông Phạm Văn Cự - Giám đốc sở Công Thương Hà Tĩnh có kiến nghị, đề xuất các cấp Bộ như sau:
1. Kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) sớm đầu tư khắc phục hệ thống đường dây, cột điện, máy biến áp bị hỏng và hỗ trợ đầu tư vốn, sửa chữa cơ sở hạ tầng, nâng cấp các chợ, hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp, trung tâm thương mại bị hư hại sớm đi vào hoạt động;
2. Kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính hàng năm cấp kinh phí cho Tỉnh hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp trong Tỉnh về lãi suất để thực hiện công tác dự trữ vật tư hàng hoá thiết yếu phục vụ ứng cứu khi có thiên tai, bão lũ;
3. Kiến nghị Bộ Công Thương có các biện pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu, phân bón, giống lúa, thuốc bảo vệ thực vật, sắt, thép và vật liệu xây dựng;
4. Đề nghị Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh quyết định khen thưởng 5 các tập thể: Công ty cổ phần Thương mại Hà Tĩnh; Công ty CP TM Du lịch Bắc Hà Tĩnh; Công ty TNHH Dịch vụ Sài Gòn Hà Tĩnh (siêu thị CoopMart); Công ty TNHH Hồng Đức; Công ty nước khoáng và du lịch Sơn Kim và 3 cá nhân gồm: Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc sở; ông Trần Huy Thành, Phó Văn phòng; Ông Đoàn Đức Hoàng, lái xe Sở Công Thương Hà Tĩnh.