VỤN ART - Nơi gặp gỡ của những khát vọng nhân văn và sáng tạo

VỤN ART là mô hình mới, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo và là doanh nghiệp xã hội tạo tác động chưa có nhiều ở Việt Nam. Anh Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội Người khuyết tật quận Hà Đông, sáng lập VỤN ART vừa có những chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp của mình. Tạp chí Công Thương xin giới thiệu cùng bạn đọc.

VỤN ART là mô hình mới, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa sáng tạo và là doanh nghiệp xã hội tạo tác động chưa có nhiều ở Việt Nam nên anh Lê Việt Cường (năm nay 44 tuổi) vừa làm vừa mò mẫm học hỏi và cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Với những nỗ lực tự thân và tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng, chỉ sau 2 năm VỤN ART đã xác lập được hướng đi cho mình, những bước đi cụ thể, để từng bước tạo lập thương hiệu bền vững. 

Năm 2013, tôi cùng 5 người bạn thành lập công ty làm thú nhồi bông và tuyển những người khuyết tật vào làm. Mục tiêu chúng tôi đưa ra là “Người khuyết tật, sản phẩm không khuyết tật”. Sau 07 năm hoạt động, nhờ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, chính quyền quận Hà Đông, và đặc biệt nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, chúng tôi đã có một thương hiệu uy tín và tạo công ăn việc làm ổn định cho một số người khuyết tật. Song vì sản phẩm khó làm, và cạnh tranh gay gắt, không thể mở rộng hoạt động nên tôi suy nghĩ cần lập một mô hình mới, mang việc làm đến được nhiều người khuyết tật hơn.

Ngày 08 tháng 3 năm 2017, đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông xuống thăm, làm việc với Hội Người khuyết tật quận Hà Đông và xưởng thú nhồi bông do tôi điều hành. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí đề nghị: Hội cần phải sáng tạo thêm nghề, tạo sinh kế bền vững cho người khuyết tật cũng như tạo ra nguồn thu từ hoạt động này để Hội có kinh phí hoạt động lâu dài. Trước mắt sẽ tổ chức đào tạo nghề tranh ghép vải cho NKT trên địa bàn quận, tôi sẽ trực tiếp đào tạo vào các buổi chiều sau giờ làm việc (sau này chúng tôi mới biết ông cũng là họa sĩ).

VỤN ART được hình thành từ ý tưởng ấy.

Tháng 10/2017, một lớp học nhỏ được thuê và 10 người khuyết tật tham gia học nghề đầu tiên (việc tuyển sinh người khuyết tật cũng rất khó khăn, tôi đi từng nhà để vận động người khuyết tật đến học nghề). Người thầy dạy đầu tiên về mỹ thuật cho chúng tôi không ai khác chính là người gợi ý ý tưởng, ông cũng chính là người giới thiệu chúng tôi tới Làng nghề Vạn Phúc.

Nguồn kinh phí để thực hiện ý tưởng này trong suốt 3 năm qua từ tiền tiết kiệm của tôi và vay mượn họ hàng, bạn bè. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự tài trợ 2 lần của Quỹ Abilis (Phần Lan) với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Sau 2 năm, Ông và chúng tôi đã dạy nghề tranh ghép vải cho 35 người khuyết tật, 16 người khuyết tật thành nghề, được tạo việc làm tại chỗ (có 4 bạn thiểu năng trí tuệ, 3 bạn khiếm thính, 2 bại não, 1 trầm cảm, 6 khuyết tật vận động). Tổng số lao động hiện nay là 21 người, trong đó có 18 người khuyết tật.

Với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng, chúng tôi đóng 100% tiền BHXH, thuê nhà ở cho người khuyết tật ở các huyện ngoại thành xa trung tâm Hà Nội. Ngoài ra, các hoạt động của Hội Người khuyết tật quận Hà Đông đều được lấy từ nguồn thu của VỤN ART.

Giờ đây Ông vẫn là người ở bên cạnh chúng tôi trong những quyết định chuyên môn quan trọng.

Định hướng ban đầu trên các dòng sản phẩm là khôi phục lại các giá trị thẩm mỹ đã có của các dòng tranh dân gian truyền thống và chuyển thể sang chất liệu lụa trên cơ sở hình thức gần với nguyên gốc, để quảng bá những giá trị di sản; cách tân từ nguyên mẫu để tạo nên những vẻ đẹp mới và khác, đáp ứng nhu cầu đa dạng của công chúng; thể nghiệm chất liệu lụa trên những tác phẩm của một số danh họa thế giới, phục vụ du lịch và giao thao văn hóa.

Những hoạt động của  VỤN ART là một cách để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng

Những sản phẩm đầu tiên tham gia cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2018 đã nhận được sự cổ vũ kịp thời (giành giải Khuyến khích của Ban Giám khảo), đạt 4 sao năm 2019 chương trình OCOP của UBND thành phố Hà Nội.

Do nhu cầu của thị trường, ngoài tranh ghép vải chúng tôi đã phát triển thêm những dòng sản phẩm mới phục vụ đời sống, du lịch, quà tặng như: túi vải, áo phông, áo dài, ví vải… đủ sức đáp ứng về chuyên môn và kỹ thuật cho những đơn hàng quốc tế.

Đến nay, khách hàng của chúng tôi là: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Mỹ, Đại sứ quán Indonexia, Viện Goethe, Đại sứ quán Đức và một số doanh nghiệp trong nước như: Tập đoàn Viettel, Công ty Panasonic, Tập đoàn Venus, Tổng công ty Bảo Việt, Tập đoàn Café Trung Nguyên, Đài Truyền hình Việt Nam, Công ty cổ phần Ion- Life Nhật Bản, Công ty cổ phần Lọc Hóa Dầu Bình Sơn, Công ty Đất Xanh Miền Trung.

Ngoài sản phẩm, chúng tôi còn tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo vừa để quảng bá vừa để truyền bá giá trị di sản và giao thoa văn hóa với các nước được tổ chức thường xuyên cùng với sản xuất đã làm tăng ý nghĩa xã hội của VỤN ART. Những hoạt động này là một cách để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2019, chúng tôi đã ký kết hợp đồng đưa khách nước ngoài đến thăm quan trải nghiệm tại Làng lụa Vạn Phúc với Công ty du lịch như: Miền Á Đông, AURORA, EVIVA. Rất tiếc, do dịch bệnh COVID 19 nên hoạt động này bị gián đoạn từ tháng 2/2020.

Để đạt được những kết quả trên, ngoài sự nỗ lực rất lớn của người khuyết tật, chúng tôi còn nhận được sự động, ủng hộ, của các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương; các chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật, truyền thông…

Về truyền thông: Chúng tôi được ông Lê Quốc Vinh, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo (FIIS), Trường Đại học Ngoại thương, các KOLs nổi tiếng hỗ trợ đồng hành. Nhờ có sự giúp đỡ này mà câu chuyện của chúng tôi được lan tỏa, phát triển đúng hướng và tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất và chi phí là không đồng.

Việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là dạy nghề mà thông qua đó còn là một liệu pháp giúp người khuyết tật (NKT) phục hồi thương tổn, đặc biệt là những chấn thương tinh thần. Sự thay đổi thấy rõ, đó chính là món quà mà gia đình NKT nhận được. Giờ đây họ tự tin hơn, lạc quan hơn và có thể chủ động trong từng hành vi, cử chỉ, không còn nhút nhát mặc cảm nữa, có em còn bộc lộ năng khiếu của mình.

Sản phẩm của con người mới chính là thành tựu thật sự của chúng tôi, thành tựu nhân văn, hướng đến con người. Như vậy, sự nỗ lực của người khuyết tật, sự hỗ trợ của các Bộ ngành, chính quyền địa phương, sức mạnh cộng đồng, như kiềng ba chân vững chắc, nhờ đó chúng tôi hình thành, tồn tại và phát triển như ngày hôm nay.

Phan Nho