Vượt qua giai đoạn mất cân đối cung cầu nghiêm trọng nhất

Sự mất cân đối cung - cầu, khiến cho nội thương và ngoại thương giai đoạn này phải căng mình để tập trung cao độ nguồn hàng, nhằm cung ứng vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho các ngành kinh tế, và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân
cân đối cung cầu
Chợ Dân Sinh, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/12/1985. (Ảnh: TTXVN)

Mất cân đối cung cầu nghiêm trọng xuất hiện trong những năm 1976 - 1980 khi đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thiên tai mất mùa mấy năm liên tiếp, do cải tạo công thương nghiệp tư doanh các tỉnh phía Nam “có phần chủ quan, nóng vội” nên không tận dụng được cơ sở vật chất có sẵn, sức sản xuất giảm, lạm phát cao, ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc, dân số tăng nhanh hơn tăng trưởng GDP, cung cầu mất cân đối nghiêm trọng, đất nước luôn ở trong tình trạng “làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập”.

Đây là khó khăn chung của các ngành kinh tế, nhưng thương mại được cho là ngành khó khăn nhất do lãnh tránh nhiệm phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh nguồn cung của các ngành sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu.

Trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 1976, thiên tai xảy ra liên tiếp (hạn hán, bão lụt, sâu bệnh) với mức độ nặng nề và nhịp độ dồn dập khác thường, không phải 3 năm mất 1 vụ như trước đây, mà 3 năm mất 3 vụ, làm đảo lộn nhiều dự tính trong kế hoạch. Những khó khăn trên đây, chúng ta đã tính đến, nhưng thật sự không lường hết quy mô, mức độ và ảnh hưởng của nó.

Trong tài chính, giá cả, đây là giai đoạn lạm phát cao, chỉ số giá cả hàng hóa liên tục tăng ở mức 2 con số; trong đó, giá lương thực, thực phẩm luôn là đầu tàu kéo chỉ số giá hàng hóa nói chung tăng mạnh.

Sự mất cân đối cung cầu, khiến cho nội thương và ngoại thương giai đoạn này phải căng mình để tập trung cao độ nguồn hàng, nhằm cung ứng vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho các ngành kinh tế, và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cho đời sống nhân dân. Mặc dù chưa đáp ứng đầy đủ cho sản xuất và tiêu dùng, nhưng giai đoạn này thương mại đã có nhiều cố gắng tham mưu cho Chính phủ điều chỉnh chính sách thu mua theo hướng có lợi cho người sản xuất để nắm nguồn hàng tốt hơn.

Từ năm 1978, công bố chỉ tiêu mua theo hợp đồng đối với hợp tác xã nông nghiệp và nông dân. Thương nghiệp thu mua 90% sản lượng lương thực hàng hóa, số còn lại mua theo giá thưởng vượt kế hoạch, cao hơn từ 30% đến 50% so với giá trong kế hoạch. Mức giá mua thóc được quy định thành 5 vùng lớn, vùng có mức giá thấp nhất là 0,32đ/kg, vùng cao nhất là 0,55đ/kg.

Về thịt lợn, thương nghiệp mua 50% số lợn thịt theo kế hoạch đối với gia đình xã viên và nông dân cá thể, thu mua 90% số lợn thịt đối với hợp tác xã, trong đó 40% mua theo giá khuyến khích.

Nhờ những chính sách đó, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp sụt giảm, sản xuất công nghiệp tăng chậm, giá cả leo thang - nhân tố không có lợi cho người sản xuất, nhưng tổng giá trị hàng hóa do ngành thu mua trong nước từ năm 1976 - 1980 đều đặn tăng qua mỗi năm, trong đó, giá trị thu mua hàng công nghiệp chiếm trên 50% đến trên 70%. Cụ thể:

- Năm 1976: 3.863,9 triệu đồng (hàng công nghiệp 2.680,5 triệu đồng, chiếm 69,4%; hàng nông sản 1.183,4 triệu đồng, chiếm 30,6%, trong đó lương thực 650,8 triệu đồng, chiếm 16,8%);

- Năm 1977: 4.467,1 triệu đồng (hàng công nghiệp 3.402,2 triệu đồng, chiếm 76,2%; hàng nông sản 1.064,9 triệu đồng, chiếm 23,8%, trong đó lương thực 535,2 triệu đồng, chiếm 12%);

- Năm 1978: 5.068,9 triệu đồng (hàng công nghiệp 3.746,0 triệu đồng, chiếm 73,9%, hàng nông sản 1.322,9 triệu đồng, chiếm 26,1%, trong đó lương thực 658,2 triệu đồng, chiếm 13,0%);

- Năm 1979: 5.012,9 triệu đồng (hàng công nghiệp 3.695,7 triệu đồng, chiếm 73,7%; hàng nông sản 1.317,2 triệu đồng, chiếm 26,3%, trong đó lương thực 638,1 triệu đồng, chiếm 12,7%);

- Năm 1980: 6.203,3 triệu đồng (hàng công nghiệp 3.349,2 triệu đồng, chiếm 54,0%; hàng nông sản 2.854,1 triệu đồng, chiếm 46,0%, trong đó lương thực 1.663,7 triệu đồng, chiếm 26,8%)

Đào Mạnh Đức