Một số nguyên nhân gia tăng tai nạn lao động

Năm 2007, kinh tế của Việt Nam tăng trưởng khoảng 8,5%. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một nước có tốc độ phát triển kinh tế ở mức cao trong khu vực. Bên cạnh những thàn

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số tai nạn lao động 6 tháng đầu năm 2007 là 2.996 vụ, với 3.057 người bị nạn và 457 người bị thương nặng, trong đó có 224 người chết. Thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 9.433.170.000 đồng. So với 6 tháng đầu năm 2006, số vụ tai nạn lao động tăng 892 vụ và tổng số nạn nhân tăng 853 người. Tuy nhiên trong thực tế số tai nạn lao động và thiệt hại về vật chất còn cao hơn rất nhiều. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Có thể nêu lên một vài nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động trong mối quan hệ ba bên, đó là giữa người sử dụng lao động, người lao động, các cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức công đoàn.

Thứ nhất, nguyên nhân từ  phía người sử dụng lao động. Như chúng ta đã biết, hoạt động sản xuất và an toàn vệ sinh lao động có một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. An toàn vệ sinh lao động tốt thì hiệu quả của hoạt động sản xuất sẽ cao, còn sản xuất tốt sẽ làm cho công tác vệ sinh lao động trong cơ sở được nâng cao. Trong hoạt động của doanh nghiệp, người sử dụng lao động chiếm một vai trò đặc biệt quan trọng, các hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng lao động, mà trong đó có vấn đề về bảo hộ lao động. Hiện nay, nguyên nhân gây tai nạn lao động do phía người sử dụng lao động còn cao, chiếm khoảng 67,42% trong 6 tháng đầu năm 2007. Con số trên cho thấy, một là, người sử dụng lao động không được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, họ thường quan niệm đầu tư vào an toàn vệ sinh lao động là tốn kém mà không đem lại hiệu quả về kinh tế. Hai là, người sử dụng lao động có những hiểu biết nhất định về an toàn vệ sinh lao động nhưng không thực hiện đúng các hướng dẫn của pháp luật. Cụ thể: Trong doanh nghiệp phải thành lập hội đồng bảo hộ lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp không có, hoặc có thành lập hội đồng bảo hộ lao động thì hiệu quả hoạt động rất thấp, đôi khi chỉ là hình thức. Theo quy định, trong doanh nghiệp phải có cán bộ bán chuyên trách hoặc chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động, nhưng nhiều người sử dụng lao động không bố trí cán bộ, hoặc bố trí những cán bộ không được đào tạo, không đủ tiêu chuẩn làm công tác này, dẫn đến công tác này bị xem nhẹ. Bên cạnh đó, ở nhiều doanh nghiệp không có mạng lưới an toàn vệ sinh viên hoặc có nhưng an toàn vệ sinh viên lại không được bồi dưỡng nghiệp vụ, không được động viên về tinh thần và vật chất, nên hoạt động của mạng lưới kém hiệu quả. Một yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp đó là, khi lập kế hoạch sản xuất thì phải đồng thời lập kế hoạch bảo hộ lao động, nhưng nhiều doanh nghiệp bỏ qua kế hoạch bảo hộ lao động, hoặc lập kế hoạch này không theo hướng dẫn. Tự kiểm tra về bảo hộ lao động trong doanh nghiệp là một việc hết sức quan trọng nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót về an toàn vệ sinh lao động để có biện pháp khắc phục, nhưng thường bị các doanh nghiệp xem nhẹ và tỉ lệ tai nạn lao động do nguyên nhân này thường cao, chiếm khoảng 30,6% trong 6 tháng đầu năm 2007.

Thứ hai, nguyên nhân từ phía người lao động. Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết,  trong 6 tháng đầu năm 2007, số tai nạn lao động do nguyên nhân từ phía người lao động chiếm tỉ lệ 32,58% tổng số vụ tai nạn lao động. Do sự chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ nông nghiệp sang thủ công nghiệp, hoặc công nghiệp ở hầu hết các địa phương, dẫn đến một thực trạng là người lao động có xuất phát điểm là nông dân với trình độ văn hóa không cao, tính kỷ luật thấp, họ không được đào tạo nghề đã được tuyển vào làm việc. Khi được vào làm việc, người lao động cũng không được người sử dụng lao động đào tạo nghề một cách bài bản mà thường có xu hướng đào tạo theo kiểu kèm cặp. Nhiều khi người sử dụng lao động bố trí công việc không phù hợp làm cho người lao động khó nắm bắt được công việc và dẫn đến tai nạn lao động. Một số người lao động có trình độ tay nghề, được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động bài bản, nhưng do chủ quan sơ suất, chạy theo năng suất sản phẩm mà dẫn đến tai nạn lao động.

Thứ ba, nguyên nhân từ phía cơ quan quản lý Nhà nước. Có thể nói rằng, cơ sở pháp luật về bảo hộ lao động ở nước ta khá đầy đủ, nhưng việc tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật này như thế nào lại là một vấn đề cần bàn. Các cơ quan quản lý Nhà nước về bảo hộ lao động vừa thiếu người và vừa yếu về trình độ chuyên môn nên không thể quản lý được hết các doanh nghiệp. Từ đó, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp không được tập huấn về an toàn vệ sinh lao động. Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các quy định về an toàn vệ sinh lao động chưa sâu sát, các cuộc thanh tra, kiểm tra còn chưa thường xuyên, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe với những người gây ra tai nạn lao động.

Thứ tư, nguyên nhân từ tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp có nhiệm vụ thay mặt người lao động ký thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các nội dung về bảo hộ lao động, đồng thời có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo hộ lao động; tổ chức lấy ý kiến người lao động trong việc xây dựng nội quy, quy chế, kế hoạch bảo hộ lao động, phối hợp tổ chức các phong trào bảo đảm an toàn vệ sinh lao động... Nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp về bảo hộ lao động có nhiều, nhưng một số doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn, hoặc nếu có chỉ là hình thức, không có nghiệp vụ, không bảo vệ được quyền lợi cho người lao động. Đối với những doanh nghiệp tổ chức công đoàn hoạt động tốt thì việc thực hiện về an toàn vệ sinh lao động dường như cũng tốt hơn.

Những nguyên nhân trên cho thấy, việc giảm số lượng tai nạn lao động ở nước ta là một vấn đề khó, nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, các tổ chức, các nhà sản xuất cũng như người lao động, thì số tai nạn lao động của nước ta sẽ ngày càng gia tăng và đây cũng là một vấn đề gây tổn thất lớn không chỉ về kinh tế mà còn về con người.

 

  • Tags: