Nhu cầu dự kiến phục hồi trên diện rộng từ nửa cuối năm nay
Nhu cầu yếu đã khiến giá cá tra xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh trong 2023, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ đạt 275 triệu USD, giảm 49% so với năm 2022; trong đó, giá xuất khẩu bình quân giảm 30%, còn 3,2 USD/kg. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 19%, còn 580 triệu USD và giá xuất khẩu bình quân giảm 11%, chỉ đạt 2,2 USD/kg.
Tuy nhiên, theo đánh giá mới đây của các chuyên gia phân tích thuộc hãng chứng khoán FPT Securities (FPTS) nhu cầu cá tra dự báo sẽ phục hồi trên diện rộng từ nửa cuối năm nay; trong khi đó, nguồn cung cá tra tại Việt Nam dự kiến sẽ rơi vào trạng thái thiếu hụt. Những yếu tố này kỳ vọng sẽ giúp giá cá tra xuất khẩu phục hồi tích cực trong thời gian tới.
Đối với thị trường Mỹ, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại đây dự báo sẽ phục hồi tích cực từ quý 2/2024 khi tồn kho cá tra tại Mỹ đã giảm đáng kể từ quý 4/2023 nhờ loạt hoạt động kích cầu cho đợt lễ hội cuối năm của các nhà bán lẻ thuỷ sản.
Đồng thời, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trong năm nay dự kiến sẽ được cải thiện hơn khi lạm phát thực phẩm đã “hạ nhiệt” và thu nhập thực tiếp tục được cải thiện.
Dữ liệu mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy, tăng trưởng tiền lương của người lao động Mỹ trong tháng 1/2024 đã đạt 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều so với dự báo trước đó; trong khi, số giờ làm việc trung bình lại giảm xuống. Tập đoàn Goldman Sachs dự báo thu nhập thực tại Mỹ sẽ tăng 2,5% trong năm nay.
Đối với thị trường Trung Quốc, nhu cầu cá tra tại đây kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực với dự báo khả năng chi tiêu của người tiêu dùng cải thiện hơn nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và kích thích tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024.
Hiện hãng nghiên cứu thị trường Trading Economics dự báo chi phí giá thực phẩm tại Trung Quốc sẽ bắt đầu tăng lên từ quý 2/2024 khi người mua sắm gia tăng tiêu dùng trở lại. Tập đoàn Goldman Sachs cũng nhận định “giai đoạn khó khăn nhất” đối với nền kinh tế Trung Quốc đã qua và kỳ vọng tiêu dùng tại đây bắt đầu hồi phục.
Tuy nhiên, hãng chứng khoán FPTS giữ quan điểm lạc quan thận trọng với dự báo nhu cầu cá tra tại Trung Quốc sẽ phục hồi rõ rệt từ nửa cuối năm 2024, chậm 01 quý so với các dự báo trên do tâm lý chi tiêu của người tiêu dùng có thể vẫn còn tiêu cực trong nửa đầu năm nay. Đồng thời, năng lực cạnh tranh của cá tra so với các loại thuỷ sản khác là “không cao”, đòi hỏi thời gian phục hồi tiêu thụ lâu hơn.
Nguồn cung thiếu hụt thúc đẩy giá cá tra xuất khẩu phục hồi
Về phía nguồn cung, nguồn cung cá tra nguyên liệu tại Việt Nam đang ở mức thấp do giá cá thấp kéo dài trong thời gian vừa qua cùng với xuất khẩu hồi phục chậm đã khiến nhiều hộ nông dân hạn chế mở rộng vùng nuôi. Giá cá nguyên liệu đã xuống dưới mức giá thành nuôi khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg từ cuối quý 2/2023.
Bên cạnh đó, dịch bệnh trên vật nuôi và thời tiết bất lợi tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến tỷ lệ hao hụt cá giống tăng lên, tác động tiêu cực đến nguồn cung cá giống.
Các chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán FPTS đánh giá, tình trạng trên có thể kéo dài đến hết quý 1/2024 do nhu cầu xuất khẩu cá tra phục hồi chậm sẽ chưa thúc đẩy giá cá nguyên liệu tăng trở lại. Kết hợp với chu kỳ nuôi cá tra thường kéo dài từ 6 - 8 tháng, nguồn cung cá tra sẽ duy trì ở mức thấp trong cả năm 2024.
Với các yếu tố cung - cầu trên, giá cá tra xuất khẩu bình quân sang thị trường Mỹ và Trung Quốc trong năm 2024 được hãng chứng khoán FPTS dự báo sẽ lần lượt tăng 10% và 5%.
Trong đó, giá cá tra xuất khẩu bình quân của các doanh nghiệp cá tra niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ đạt 2,6 USD/kg (tăng 7% so với năm 2023) và biên lãi gộp của các doanh nghiệp ước đạt 15,8% (tăng 3 điểm phần trăm so với năm 2023).
Đồng thời, xu hướng thắt chặt nguồn cung cá tra nguyên liệu từ các hộ nông dân sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có tỷ lệ tự chủ nguồn cung cao, vùng nguyên liệu lớn và đã hoàn thiện chuỗi cung ứng.