Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Tháng 11 xử lý xử lý 2.626 vụ vi phạm

Trong tháng 11, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội đã kiểm tra 2.925 vụ; xử lý 2.626 vụ; thu nôp ngân sách 361 tỷ 318 triệu đồng.

 

Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra hàng hóa vi phạm

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội cho biết, trong tháng 11, tình hình vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra phức tạp. Các mặt hàng vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, đồ điện tử...

Điển hình, ngày 14/11, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra Công ty CP sơn Bostik Việt Nam, phát hiện 512 thùng sơn nội thất các loại, là hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ về nhãn, đang đươc bảo hộ tại Việt Nam.

Đặc biệt, hiện nay, các đối tượng vi phạm đã lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, chào bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng rồi gửi qua dịch vụ bưu chính chuyển phát, gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra phát hiện của các lực lượng chức năng.

Đối với lĩnh vực gian lận thương mại, vi phạm chủ yếu là hàng hóa không ghi nhãn theo quy định, hàng hóa nhập khẩu, có nguồn gốc nước ngoài, nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá hàng hóa, cơ sở kinh doanh hàng hóa không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, kinh doanh không đúng địa điểm...

Cụ thể, trong tháng 11, các lực lượng chức năng Ban chỉ đạo 389 Thành phố đã kiểm tra 2.925 vụ; xử lý 2.626 vụ. Khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu là 239 vụ, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 108 vụ, gian lận thương mại 2.279 vụ. Tổng thu nộp ngân sách Nhà nước 361,318 tỷ đồng.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội, với vai trò là Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Hà Nội, thường xuyên tham mưu Ban Chỉ đạo 389 Thành phố các văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã ban hành văn bản số 992/QLTTHN-NVTH, ngày 5/10/2023, chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, gia cầm, đặc biệt là lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vào Việt Nam...

Trong tháng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra 547 vụ, xử lý 510 vụ. Xử phạt hành chính 6,810 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 6,784 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, Công an Hà Nội, chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các quận, huyện, thị xã nắm chắc tình hình tuyến, địa bàn, đối tượng để xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh, các đường dây, ổ nhóm, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm về an toàn thực phẩm, hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử và các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Trong tháng, Công an Thành phố kiểm tra 94 vụ, xử lý 99 vụ (trong đó, xử lý 5 vụ tồn), phạt hành chính 1,856 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 4,398 tỷ đồng. Khởi tố 4 vụ, với 5 đối tượng.

Cục Hải quan Hà Nội, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát Hải quan, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm, các mặt hàng cấm, hàng có thuế suất cao, trị giá hàng hóa lớn, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ…

Trong tháng, Cục Hải quan thành phố phát hiện, bắt giữ, xử lý 112 vụ. Xử phạt hành chính 3,200 tỷ đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế 5,700 tỷ đồng. Trị giá hàng vi phạm 41,400 tỷ đồng.

Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã, tích cực triển khai thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND Thành phố, Ban chỉ đạo 389 Thành phố về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn và lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát đối với các nhóm, ngành hàng thiết yếu; tổ chức đấu tranh ngăn chặn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý; tăng cường tuyên truyền pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh xã, phường, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị...

Diệu Hân