Theo đó, căn cứ Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 1/8/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2017/NĐ-CP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;
Căn cứ Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động;
Căn cứ Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động;
Đồng thời, căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than, Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kho chứa khi thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ.
Theo thông tư, Bộ Công Thương chính thức ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ ký hiệu: QCVN 19: 2022/BCT.
Thông tư và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kho chứa khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 4/7/2023.
Theo Quy chuẩn này, khi lựa chọn địa điểm đặt kho chứa và bố trí mặt bằng bên trong phạm vi kho phải được dựa trên các đánh giá chi tiết nhằm xác định các mối nguy tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tới an toàn cho con người và môi trường xung quanh kho.
Các mối nguy phải được đánh giá thông qua các bản đánh giá chi tiết bao gồm các biện pháp phòng tránh cũng như giảm thiểu tác động của các mối nguy này.
Khi lựa chọn địa điểm xây dựng trong giai đoạn thiết kế kho LNG trên bờ phải khảo sát đất nền bao gồm các khảo sát địa kỹ thuật và nước ngầm; Khảo sát/Đánh giá nguy cơ động đất; Khảo sát địa hình nhằm đảm bảo độ phân tán và thoát chất lỏng và chất khí khi có sự cố tràn và/hoặc rò rỉ; Nghiên cứu xác định các nguồn dòng điện rò (từ các nguồn điện cao thế xung quanh);Khảo sát môi trường biển và các hướng tiếp cận từ biển (đối với kho có hệ thống cảng biển); Khoảng cách an toàn đến các công trình lân cận có thể ảnh hưởng đến an toàn vận hành kho LNG...
Bên cạnh đó, các bồn chứa LNG có dung tích lớn hơn 0,5m3 không được phép đặt trong tòa nhà; các bể chứa chất lỏng dễ cháy không được đặt trong khu vực ngăn tràn; các nguồn nhiệt hoặc nguồn phát tia lửa phải đặt cách khu vực ngăn tràn bồn chứa LNG và khu vực xuất/nhập LNG tối thiểu 15m; các thiết bị hóa khí phải đặt cách nhau tối thiểu 1,5m…
Kể từ ngày 1/7/2023, mọi tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan đến yêu cầu về an toàn trong thiết kế và vận hành kho chứa LNG trên bờ phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.
Mọi tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thiết kế và vận hành kho chứa LNG phải có hồ sơ thuyết minh về sự tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này.
Các dự án kho chứa LNG đã tồn tại trước ngày Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực chưa đáp ứng các quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật này, sau 3 năm kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực phải thực hiện các biện pháp tăng cường, đảm bảo mức rủi ro chấp nhận được theo quy định.
Các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc các dự án nâng cấp mở rộng, cải hoán dự án đã đầu tư xây dựng sau thời điểm Quy chuẩn kỹ thuật này có hiệu lực phải tuân thủ các quy định trong Quy chuẩn.