Lựa chọn thời điểm phù hợp
Quyết định triển khai chương trình phát triển ĐHN là một việc rất hệ trọng và có tầm chiến lược lâu dài. Cột mốc đánh dấu sự kiện chính là Nghị quyết số 41/2009/NQ-QH12 về chủ trương đầu tư dự án ĐHN Ninh Thuận, xác định sẽ khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 vào cuối năm 2014 và vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020. Chủ đầu tư của dự án ĐHN là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành cơ bản hồ sơ cho phê duyệt địa điểm và phê duyệt đầu tư. Hiện nay, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng như một số cơ quan khác đã tiếp nhận và đang trong quá trình thụ lý. Với trách nhiệm của cơ quan pháp quy Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có trách nhiệm thẩm định báo cáo pháp lý an toàn thì cũng chưa đủ năng lực để thẩm định pháp lý đó. Hiện nay, đã xin ý kiến chỉ đạo của ban chỉ đạo nhà nước là cho phép sử dụng tư vấn quốc tế để thẩm định.
Tuy nhiên, thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận đã điều chỉnh lại, không phải năm 2014 mà lùi lại một vài năm. Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, điều này là do nâng cao yêu cầu an toàn hạt nhân, phần nào do vụ tai nạn tại Nhà máy ĐHN Fukushima ở Nhật Bản. Các chương trình có liên quan đến nhà máy đang được chuẩn bị và trình phê duyệt tới cơ quan chính quyền cao hơn. Vì vậy, sau 1 - 2 năm nữa mới có thể nói cụ thể về ngày tháng khởi công xây dựng nhà máy.
Phát triển ĐHN là chủ trương nhất quán của Chính phủ trước yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng thời gian tới. Việc điều chỉnh thời hạn khởi công nhà máy ĐHN đầu tiên của Việt Nam cũng là một phần của công tác chuẩn bị cho dự án ĐHN Ninh Thuận được thực hiện một cách bài bản, chắc chắn.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tiến trình chuẩn bị đến khi đưa tổ máy đầu tiên đi vào vận hành trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu tháng 11/2009, hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn 2, tiếp tục chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể ký hợp đồng xây dựng nhà máy. Giai đoạn 3 là thực hiện hợp đồng triển khai công tác xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành.
Theo kinh nghiệm quốc tế, ba giai đoạn trên mất khoảng 10 - 15 năm, có những nước cần nhiều thời gian hơn. Đối với Việt Nam, mới đi vào chương trình ĐHN, nên chưa thể có ngay đội ngũ chuyên gia và cán bộ, cũng chưa thể có ngay được hệ thống pháp lý và các hạ tầng kỹ thuật khác một cách đồng bộ và hoàn chỉnh. Trong khi đó yêu cầu an toàn của ĐHN ngày một nâng cao với những công nghệ mới và những yêu cầu bảo đảm an toàn về quản lý nhà nước. Trong tình hình đó, việc xem xét để có tiến độ hợp lý cho ĐHN ở Việt Nam là rất cần thiết, nó sẽ bảo đảm cho công tác chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ vì sự an toàn và hiệu quả của ĐHN trong tương lai.
Chuẩn bị nhân lực cho dự án ĐHN đầu tiên
Quá trình chuẩn bị cho dự án ĐHN đầu tiên của Việt Nam đang được tiến hành rất tích cực. EVN có dự án riêng về phát triển nhân lực của hai nhà máy tại Ninh Thuận và đã được phê duyệt, cử cán bộ sang đào tạo ở Nga và Nhật Bản. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có đề án để phát triển nhân lực tập trung đào tạo đại học và sau đại học. Hiện đã có 353 sinh viên của Việt Nam đang theo học tại cơ sở đào tạo của Nga. Ngoài ra, công tác đào tạo cán bộ của chúng ta đã tận dụng được rất tốt sự giúp đỡ của IAEA, các tổ chức quốc tế và các nước khác trong việc đào tạo các cán bộ tham gia quản lý, tham gia các công tác nghiên cứu và hỗ trợ kỹ thuật.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt kế hoạch năm 2015 và triển khai một bước tiếp theo, sử dụng ngân sách khoa học và công nghệ cho công tác bồi dưỡng nhân lực, hoàn thành đề án đào tạo đến năm 2020 theo nhiệm vụ của Thủ tướng giao. Đối tượng của đề án là cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ pháp quy và các chuyên gia kỹ thuật. Đây là ba cấu phần nhân lực chính, đồng thời cũng là những người trực tiếp làm việc vận hành quản lý dự án.