Theo tin từ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Nhà máy Lọc dầu Dung Quất bắt đầu thực hiện bảo dưỡng tổng thể (BDTT) lần thứ 4 từ ngày 12/8/2020. Công việc quan trọng nhất chính là Bảo dưỡng sữa chữa hệ thống thiết bị phân tích, nhằm đảm bảo thiết bị phân tích luôn vận hành ổn định, an toàn và chính xác. Ban Quản lý chất lượng (QLCL) đã lập Kế hoạch kiểm tra hiệu chuẩn bảo dưỡng và sữa chữa hàng trăm thiết bị phân tích. Đặc biệt là Hệ thống thiết bị phân tích khí và sắc ký khí, được ngắt kết nối với Hệ thống khí chuẩn và khí phụ trợ để thực hiện công tác kiểm tra, bảo dưỡng.
Bên cạnh đó, phòng Thí nghiệm cũng tiến hành bảo dưỡng và sữa chữa vệ sinh hệ thống phụ trợ, bao gồm hệ thống HVAC, điện, nước, khí và hệ thống các tủ hút phục vụ phân tích, toàn bộ các dụng cụ lấy mẫu như bom, chai,…
Kỹ sư Trương Thị Thu Hà - Phó Trưởng ban QLCL cho biết thêm: Bên cạnh các nhiệm vụ bảo dưỡng sửa chữa các trang thiết bị, nhân dịp này, chúng tôi dành quỹ thời gian gần 2 tháng để tập trung nguồn lực thực hiện công tác nghiên cứu các đề tài, giải pháp tối ưu hóa, như: “Nghiên cứu xây dựng phương pháp phân tích nhanh hàm lượng kim loại trong dầu thô/ dầu cặn/ xúc tác bằng kỹ thuật X-Ray nhằm kiểm soát chất lượng dầu thô/ dầu cặn/ xúc tác đáp ứng yêu cầu vận hành Nhà máy an toàn, ổn định, hiệu quả”, “Nghiên cứu Tối ưu tần suất và chỉ tiêu phân tích mẫu nhằm tiết kiệm chi phí dựa trên khuynh hướng kết quả và mối tương quan giữa các chỉ tiêu của các dòng mẫu thông qua mô hình hồi quy”, “Nghiên cứu ảnh hưởng của amin tiềm ẩn trong dầu thô đến khả năng vận hành của phân xưởng chưng cất khí quyển (CDU)”. Các đề tài NCKH này là dài hơi, có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp Ban QLCL có thêm cải tiến trong quá trình phân tích mẫu.
Nhận thấy sự ham học hỏi của người lao động, Ban QLCL đã tổ chức đào tạo chuyên môn về kiểm soát chất lượng, đào tạo xoay tua về kỹ thuật phân tích, đào tạo trưởng ca thay thế,… Anh chị em đồng nghiệp cũng trao đổi với nhau về việc điện tử hóa việc truyền tự động dữ liệu phân tích từ e-worksheet lên hệ thống lims, rà soát cập nhật cải tiến hệ thống quy trình, hướng dẫn công việc.
Đặc biệt, công tác thử nghiệm mẫu trong giai đoạn BDTT cũng được gấp rút thực hiện khi các gói BDTT mở các thiết bị/tháp/đường ống để tiến hành bảo dưỡng, phát hiện nhiều sự cố ăn mòn, đóng cặn,… Ban QLCL phối hợp các ban chuyên môn tiến hành lấy các mẫu cặn này để đưa về phòng Thí nghiệm thực hiện phân tích phục vụ công tác điều tra sự cố, đánh giá quá trình vận hành công nghệ, như mẫu cặn bên trong E-2402A/B, mẫu cặn bên trong đường ống đỉnh T1802, mẫu cặn ở MAB ST1501, kiểm tra tính chất của các dầu nhờn mới Turbo, Morlina…để đưa vào sử dụng cho các máy nén C2401, C1551, C1501, C1301…