Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, thương mại điện tử đã và đang phát triển nhanh chóng và trở thành một phương thức kinh doanh thuận tiện, tiết kiệm. Khối lượng các giao dịch bằng thương

Ở Việt Nam, từ sau khi xuất hiện internet vào năm 1997, thương mại điện tử cũng hình thành, nhưng tốc độ phát triển chậm. Mấy năm gần đây, cùng với sự phát triển của việc truy cập và kết nối mạng internet, giao dịch điện tử đã phát triển. Đầu tiên phải kể đến là các dịch vụ thanh toán bằng thẻ, tiếp đến các website mua bán trên mạng cũng dần xuất hiện và phát triển nhanh chóng. Đối tượng triển khai và ứng dụng thanh toán trực tuyến tăng mạnh, mở đầu bằng sự kiện Hãng Hàng không Cổ phần Pacific Airlines (nay là Công ty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific Airlines) và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hợp tác triển khai mua vé máy bay qua mạng Internet, thanh toán bằng thẻ tín dụng vào tháng 02/2007. Tiếp đó, một loạt các dịch vụ cho phép thanh toán mua bán bằng thẻ cũng xuất hiện, như: điện, nước, Internet, điện thoại, bảo hiểm… Số lượng các ngân hàng tham gia vào lĩnh vực thanh toán thẻ cũng tăng lên, bao gồm: Techcombank, Đông Á, Eximbank, Viettinbank. Các tổ chức thứ ba cung cấp công cụ thanh toán trực tuyến hình thành, trong đó nổi bật là Công ty Cổ phần Onepay (http://onepay.vn). Không chỉ giới hạn trong các dịch vụ cơ bản, các website mua bán hàng hóa cũng đã cho phép mua bán thanh toán bằng thẻ như www.chodientu.vn, www.azshop.vn... Tính tới đầu năm 2010, chỉ riêng số lượng thẻ tín dụng do Tổ chức thẻ Visa phát hành tại Việt Nam đã tăng hơn 1 triệu thẻ, tỷ lệ tăng hơn 900% so với thời điểm năm 2005 (Báo cáo của Tổ chức thẻ Visa tại khu vực Đông Nam Á, tháng 01/2010). 

Nhưng cũng từ ngay trong giai đoạn phát triển ban đầu này, các hành vi gian lận, vi phạm quyền lợi NTD đã xuất hiện. Chỉ riêng trong năm 2005, số vụ ăn cắp thông tin và sử dụng thẻ giả để giao dịch được đưa ra xét xử đã tăng tới trên hai con số. Một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng đã được đưa lên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo NTD, như: Nguyễn Lê Việt (bộ phận thẻ tín dụng Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam- Eximbank) đã lợi dụng vị trí công tác; tiếp thị và lập hồ sơ mở thẻ cho 57 khách hàng sau đó tự ý giữ lại thẻ và chiếm đoạt tổng cộng số tiền là hơn 5,1 tỷ đồng phục vụ cho mục đích chi tiêu cá nhân. Vụ việc kéo dài trong vòng gần một năm, từ tháng 7/2005 đến tháng 6/2006 thì bị phát hiện. Việt và các bị can liên quan đã bị Tòa xét xử tổng cộng 36 năm tù, phải liên đới bồi thường số tiền còn thiếu là 1,3 tỷ đồng. Ở quy mô nhỏ hơn, nhưng là hình thức vi phạm phổ biến, Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm đã lập một trang web giả danh là một tổ chức trung gian của một số ngân hàng lớn của nước ngoài có nhiệm vụ "bảo mật các thông tin trên thẻ tín dụng", sau đó gửi thông báo tới một số chủ thẻ tín dụng người nước ngoài (Mỹ và Anh) yêu cầu các chủ thẻ này gửi thông tin của họ vào trang web của Tuấn rồi sử dụng các dữ liệu đó để làm thẻ tín dụng giả. Chỉ trong vòng từ tháng 10 đến tháng 12/2005, Tuấn đã sử dụng những thẻ giả trên để rút tổng số tiền 800 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, nạn ăn cắp, sử dụng thông tin cá nhân không được phép của NTD (như số điện thoại, email) để quảng cáo, chào bán hàng, thậm chí quấy rối NTD đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. 

Để bảo vệ quyền lợi NTD khi tham gia thương mại điện tử, các nước thành viên APEC đã thành lập Ban chỉ đạo điều phối thương mại điện tử (ECSG) trong APEC nhằm thúc đẩy sự phát triển và sử dụng thương mại điện tử bằng cách xây dựng pháp luật và chính sách tạo môi trường pháp lý minh bạch, nhất quán, đặc biệt chú trọng đến việc bảo mật dữ liệu của NTD trong thương mại điện tử xuyên quốc gia. 

Ở nước ta, năm 2005 đã ban hành Luật Giao dịch điện tử. Đây là khung pháp lý cơ bản đầu tiên cho toàn bộ các giao dịch điện tử trong xã hội. Tiếp đó, các văn bản hướng dẫn thi hành luật được ban hành như Nghị định về thương mại điện tử; Thông tư hướng dẫn Nghị định Thương mại điện tử về giao kết hợp đồng trên website thương mại điện tử, Nghị định số 26/2007/NĐ-CP quy định về Chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số ban hành ngày 15/02/2007 và thông tư số 09/2008/TT-BCT ngày 21/7/2008 hướng dẫn chi tiết nghị định thương mại điện tử về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên website đã thiết lập cơ chế đảm bảo an toàn, tin cậy của các giao dịch điện tử, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, môi trường điện tử là môi trường mở, giao kết đa chiều và kết nối qua nhiều trung gian, nên thông tin cá nhân đã trở thành thứ hàng hóa có giá trị đối với các đối tượng làm ăn phi pháp nhằm khai thác, sử dụng trái phép các thông tin này mưu lợi cá nhân. Do vậy, để có thể bảo vệ tốt nhất quyền lợi chính đáng của mình, NTD cũng cần lưu ý một số điều khi thực hiện giao dịch điện tử, mua sắm trực tuyến như: 

- Trước hết phải biết mình đang giao dịch với ai? Phải xác nhận được địa chỉ, số điện thoại trong trường hợp bạn có thắc mắc hoặc có vấn đề cần giải quyết. 

- Phải biết chính xác những gì bạn cần mua: Đọc kỹ các hướng dẫn về sản phẩm (cách sử dụng, cách bảo quản, công dụng, cảnh báo…). 

- Xác định giá cả bao gồm cả các chi phí (chi phí vận chuyển, bao gói và các chi phí có thể phát sinh). Kiểm tra các trang web cung cấp sản phẩm cùng loại để so sánh giá cả. 

- Nên trả tiền bằng các thẻ tín dụng hoặc các thẻ trả tiền khác để được bảo vệ tối đa. Không nên gửi tiền mặt trong bất kỳ trường hợp nào. 

- Kiểm tra kỹ các điều khoản của thỏa thuận như chính sách hoàn trả; ngày giao hàng; điều kiện bảo hành… Bạn có thể được hoàn trả tiền nếu hàng hóa không đúng như quảng cáo? Cần cụ thể ai là người phải trả các chi phí lưu kho, vận chuyển và thời hạn nhận lại tiền… 

- In và lưu các hồ sơ có liên quan đến giao dịch bao gồm cả mô tả sản phẩm và giá cả, bản sao của email bạn gửi và nhận từ người bán; kiểm tra sao kê thẻ… 

- Không được email thông tin tài chính của bạn. Nếu bắt đầu một giao dịch và phải cung cấp thông tin tài chính, bạn phải tìm hiểu về sự an toàn của các trang web đó. 

- Kiểm tra chính sách bảo mật của trang web đó, nó sẽ cho bạn biết những thông tin cá nhân nào của bạn mà nhà điều hành trang web thu thập được và sử dụng nó như thế nào? Nếu bạn không tìm thấy chính sách bảo mật hoặc không thể hiểu được nó, thì hãy tìm đến trang web thân thiện hơn. 

Thương mại điện tử đã giúp giảm bớt các chi phí sản xuất, chi phí bán hàng, tiếp thị. Nó còn giúp NTD và doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tạo điều kiện mở rộng phạm vi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ của NTD… Tuy nhiên, sự vật nào cũng có hai mặt của nó. Thương mại điện tử giúp NTD và người bán hàng giao dịch được với nhau bất kể vị trí địa lý (xuyên quốc gia), nhưng sẽ rất khó khăn khi có tranh chấp xẩy ra, đặc biệt đối với các tranh chấp xẩy ra đối với việc mua hàng ngoài biên giới quốc gia, vì còn phụ thuộc vào luật lệ của quốc gia đó… Để Thương mại điện tử phát huy tốt ưu điểm của mình, các doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, còn phải xây dựng lòng tin đối với NTD, đặc biệt trong việc bảo mật thông tin, tôn trọng sự riêng tư của NTD cũng như giao hàng đúng hạn, trả lời và giải quyết tốt khiếu nại của NTD. Về phía NTD, cũng cần tăng cường việc giám sát các website bán hàng, nếu có nghi ngờ cần dừng ngay các giao dịch.