Bất chấp giá nguyên liệu tăng cao, Cao su Đà Nẵng (DRC) hoàn thành 76% mục tiêu lãi cả năm

Mặc dù chịu sức ép từ giá cao su đầu vào tăng cao và lỗ tỷ giá, Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC) đã hoàn thành 76% mục tiêu lãi cả năm sau 9 tháng đầu năm.
Cao su Đà Nẵng
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.555 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Cao su Đà Nẵng (mã cổ phiếu DRC - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu đạt gần 1.218 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại giảm tới 19,5% trong bối cảnh giá vốn hàng bán tăng. Điều này khiến, biên lợi nhuận gộp của Cao su Đà Nẵng chỉ còn 12,5%, so với mức 16,8% của quý 3/2023.

Đồng thời, doanh thu tài chính của công ty trong kỳ cũng giảm 37,5%. Về phía các khoản chi phí, Cao su Đà Nẵng đã tiết giảm được 17,2% chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ. Tuy nhiên, chi phí tài chính lại tăng tới 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, Cao su Đà Nẵng ghi nhận gần 46 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 39% so với quý 3/2023. Ban lãnh đạo công ty cho biết, kết quả kinh doanh trong quý vừa qua chịu áp lực lớn từ việc giá nguyên vật liệu tăng cao, cùng với đó là tỷ giá giảm làm tăng lỗ chênh lệch tỷ giá.

Trên thực tế, giá cao su thiên nhiên, một trong những nguyên liệu đầu vào chủ chốt của Cao su Đà Nẵng, đã liên tục tăng kể từ đầu năm đến nay. Trong tháng 9/2024, giá cao su xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Về vấn đề tỷ giá, kênh xuất khẩu hiện đóng góp từ 65% - 70% tổng doanh thu hàng năm của Cao su Đà Nẵng. Trong khi đó, nguyên vật liệu nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 35% tỷ trọng chi phí. So với thời điểm cuối quý 2/2024, tỷ giá trong quý 3/2024 đã giảm khoảng 2,5%. Do đó tỷ giá giảm khiến lỗ chênh lệch tỷ giá của Cao su Đà Nẵng tăng lên.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Cao su Đà Nẵng ghi nhận doanh thu đạt hơn 3.555 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 172 tỷ đồng, lần lượt tăng 4,6% và 13,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2024, Cao su Đà Nẵng đặt kế hoạch doanh thu 5.151 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 228 tỷ đồng, giảm 7% so với thực hiện trong năm 2023. Như vậy, sau 3 quý vừa qua, Cao su Đà Nẵng đã hoàn thành gần 76% mục tiêu lãi cả năm.

Giá cổ phiếu DRC Cao su Đà Nẵng
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu DRC của Cao su Đà Nẵng từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Mỹ áp thuế cao đối với lốp xe Thái Lan, kỳ vọng Cao su Đà Nẵng (DRC) hưởng lợi lớn" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Về quy mô tài sản, tính tới 30/9/2024, tổng tài sản của Cao su Đà Nẵng đã tăng 18,2% so với đầu năm, đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho là hơn 1.291 tỷ đồng, chiếm 32% tổng tài sản. Ở phía bên kia bảng cân đối kế toán, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Cao su Đà Nẵng tăng gần 51% so với đầu năm, lên 889 tỷ đồng.

Trong một diễn biến có liên quan, kết quả kinh doanh của Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong thời gian tới khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ấn định mức thuế chống bán phá giá đối với lốp xe tải và xe buýt (TBR) nhập khẩu từ Thái Lan lên tới 48,39%.

Hiện tại, Thái Lan đang chiếm thị phần xuất khẩu lốp TBR vào Mỹ lớn nhất với khoảng 28% tương ứng 6,8 triệu lốp TBR/năm và Việt Nam chiếm 12% thị phần tương đương 5,9 triệu lốp TBR/năm.

Với vị thế nhà xuất khẩu lốp TBR hàng đầu Việt Nam, Cao su Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi trực tiếp và sản lượng tiêu thụ TBR sẽ tăng trưởng tích cực. Thị trường Mỹ hiện đang chiếm 14% tổng doanh thu của Cao su Đà Nẵng và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2, sau Brazil.

Duy Quang