Vậy Big Data là gì? Big Data là tập hợp các bộ dữ liệu khổng lồ, được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau; dữ liệu ở đây có thể bao gồm các tin nhắn, hình ảnh, thói quen truy cập website, tín hiệu GPS từ điện thoại cho đến lượt Like trên mạng xã hội Facebook… Trong kỷ nguyên số hóa, sự xuất hiện của Big Data như một mỏ tài nguyên không lồ. Bằng cách xử lý, khai thác các dữ liệu, các nhà quản trị có thể kiểm soát những thông tin, dữ liệu, sự việc trong hoạt động kinh doanh.
Một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới đã ứng dụng Big Data và các phương pháp phân tích Big Data vào hoạt động kinh doanh của mình, qua đó, đạt nhiều kết quả tích cực. Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Amazon hiện sở hữu kho dữ liệu về hành vi tiêu dùng online của 152 triệu khách hàng. Trong nhiều năm qua, Amazon đã sử dụng các phương pháp phân tích Big Data để xây dựng hệ thống gợi ý mua hàng. Nếu khách hàng chọn mua điện thoại thì sẽ được hệ thống gợi ý chọn mua thêm phụ kiện điện thoại. Hệ thống có thể gợi ý chính xác loại phụ kiện phù hợp nhất với độ tuổi, giới tính, sở thích của khách hàng. Nhờ phân tích Big Data, Amazon đã cải thiện đáng kể sự hài lòng của khách hàng, kích thích khách hàng mua nhiều hơn và doanh thu của Amazon trong năm 2014 đạt gần 89 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013.
UPS - hãng giao nhận lớn nhất thế giới hiện đang triển khai hệ thống chỉ dẫn đường giao hàng có khả năng đưa ra lộ trình tiết kiệm thời gian, chi phí và nhiên liệu nhất. Hệ thống này được vận hành dựa trên việc phân tích các dữ liệu về đặc điểm khách hàng, quãng đường vận chuyển, tình trạng thời tiết,… được UPS thu thập trong các lần vận chuyển. Trong năm đầu tiên áp dụng Hệ thống (2011), UPS đã tiết kiệm được 42,28 triệu km vận chuyển.
Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như MobiFone, FPT… đã tiên phong áp dụng Big Data và phân tích Big Data vào các hoạt động kinh doanh. MobiFone áp dụng Big Data vào phân tích hành vi khách hàng để có cơ sở xây dựng các chương trình khuyến mãi, marketing, bán hàng đánh trúng tâm lý người dùng. Các chương trình này đã giúp MobiFone thu về hơn 3.000 tỷ đồng và kịp thời giữ chân 500.000 khách hàng sắp rời mạng. Nhà mạng này cho biết sẽ đẩy mạnh việc phân tích Big Data để phân tích chất lượng dịch vụ, hoạch định chiến lược kinh doanh.
Tập đoàn FPT cho biết, dự kiến doanh thu từ các dịch vụ liên quan đến Big Data sẽ đạt trên 800 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% doanh thu toàn cầu của Tập đoàn trong năm 2016. FPT cũng xác định Big Data là một trong ba mái chèo trong dòng chảy công nghệ mà FPT tham gia.
Với tiềm năng của mình, Big Data không chỉ ứng dụng trong kinh doanh mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực cuộc sống khác. Google có thể dự đoán việc bùng phát bệnh dịch dựa trên những từ khoá người dùng tìm kiếm; IBM Watson có khả năng tự chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị dựa trên nền tảng Big Data. Không những vậy, Boeing còn phát triển một hệ thống giúp máy bay có thể tự gửi thông tin về những sự cố máy bay sẽ gặp phải cho sân bay, nhằm rút ngắn thời gian máy bay phải nằm chờ kiểm tra và sửa chữa. Sử dụng thông tin người dùng từ Google, Facebook, Twitter, nhóm vận động tranh cử của Thổng thống Barack Obama tạo ra hệ thống dự đoán khả năng thắng cử 48 lần/ngày (30 phút/lần), đồng thời đưa ra thông tin “những ai đang bầu cho ai” và “những ai chưa biết bầu cho ai”, từ đó có chiến lược tác động lên những người chưa biết bầu cho ai, góp phần giúp ông Obama đắc cử lần thứ 2.
Việc sử dụng Big Data được nhiều chuyên gia dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới đây. Ông Daniel Kaufman, giám đốc đổi mới về thông tin của cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định: “Con người sẽ làm ít việc hơn nhờ Big Data”.