Bộ Công Thương: Đẩy mạnh hơn các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh

Kết thúc tháng 5/2016, điểm sáng nhất trong bức tranh tăng trưởng của ngành Công Thương 5 tháng qua chính là xuất khẩu thủy sản.Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng của ngành Công Thương đã cho thấy nhiều

Công nghiệp, thương mại giảm, xuất khẩu thủy sản tăng

Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Bộ Công Thương Vũ Bá Phú cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 7,8% so với tháng 5 năm 2015. Tính chung 5 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2015, thấp hơn so với mức tăng 9,2% của cùng kỳ năm 2015. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 1,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 12%; cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 8,5%. Bên cạnh đó, vẫn có một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2016 tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước là sản xuất kim loại tăng 18,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5%; dệt tăng 16,3%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,9%...

Đặc biệt, xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản tháng 5 tăng ở mức cao, 10,1% trong khi cùng kỳ năm trước giảm 10%. Nhất là khi giá nông lâm thủy sản thế giới đang duy trì ở mức thấp, việc tăng trưởng này của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu vui mừng. Sau nhiều năm tăng trưởng âm, kim ngạch XK của DN 100% vốn trong nước trong 5 tháng đầu năm 2016 đã tăng gần 4%.

Vụ Kế hoạch cho biết cụ thể về tình hình xuất khẩu. 5 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 67,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khối DN 100% vốn trong nước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu của DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), không kể dầu thô đạt 47,3 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Kim ngạch 5 tháng đầu năm ước đạt khoảng 37,9% kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ giao. Nhìn chung, để kim ngạch XK tăng trưởng 10% cho cả năm 2016 như chỉ tiêu Quốc hội giao thì còn nhiều khó khăn. Theo đó, những tháng tiếp theo, cần phải nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, thị trường, tận dụng lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mới để khai thác sâu hơn thị trường XK truyền thống và phát triển các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

Sau 5 tháng, cả nước đã nhập siêu 400 triệu USD. Ngoài lý do giá nhập khẩu các nguyên liệu sản xuất có xu hướng tăng theo giá dầu thô, thì việc nước ta tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ tăng, từ đó phát sinh nhu cầu nhập khẩu các thiết bị, máy móc công nghiệp để đẩy mạnh sản xuất, đón đầu tận dụng các lợi thế ưu đãi của các Hiệp định đã, đang và chuẩn bị tham gia. Do vậy, dự báo trong năm 2016, Việt Nam tiếp tục nhập siêu nằm trong kiểm soát (dưới 5% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Thực hiện văn bản điện tử 100%

Đáng chú ý tiếp theo đó là báo cáo của ông Trần Hữu Linh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT & CNTT) về tình hình sử dụng hệ thống văn bản điện tử trong Bộ Công Thương. Ngày 02/6/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định số 2226/QĐ-BCT về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng Hệ thống văn bản điện tử Bộ Công Thương. Theo đó, mọi công việc của Bộ từ nay sẽ quản lý trên môi trường công nghệ thông tin (CNTT).

Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu tất cả lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ quán triệt việc sử dụng Hệ thống quản lý công văn mới tại đơn vị của mình, đặc biệt ưu tiên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình hiện đại hóa nền hành chính, sớm thúc đẩy hoàn thành mục tiêu Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các đơn vị chưa sử dụng Hệ thống phải phối hợp ngay với Cục TMĐT & CNTT để khẩn trương triển khai trong toàn đơn vị. Bộ trưởng yêu cầu, trong hai ngày tiếp theo, nếu đơn vị nào không sử dụng phần mềm mới thì Cục TMĐT & CNTT thống kê, từ đó, Lãnh đạo Bộ sẽ xem xét trách nhiệm người đứng đầu và có hình thức phê bình, kỷ luật thích hợp.

Đán giá nghiêm túc, thực chất về xăng E5 và phân bón giả

Báo cáo về việc sử dụng xăng E5 hiện nay, phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Phú Cường cho biết, đến cuối tháng 4, các địa phương trọng điểm đã có báo cáo tình hình triển khai, tại các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đạt tỷ lệ rất cao. Các tỉnh không thuộc vùng trọng điểm cũng đạt khoảng 20-30%. Về nguồn cung cấp xăng E5 cho thị trường, hiện có một nhà máy sản xuất ở Bình Phước, hoạt động từ đầu năm 2016 (chủ sở hữu nước ngoài) và một nhà máy do PVN góp vốn tại Dung Quất.

Cũng theo kiến nghị của ông Cường, công thức tính giá của xăng E5 hiện trùng với công thức tính giá của xăng thường (xăng khoáng), gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất do giá xăng thường thấp hơn. Nếu thời gian tới, Bộ Tài chính không sớm đưa ra công thức tính giá riêng cho xăng E5 thì sẽ khiến cho doanh nghiệp sản xuất không thấy sự chênh lệch cũng như những lợi ích. Do vậy, doanh nghiệp sẽ thờ ơ và xăng E5 vì vậy cũng khó có được thị trường tốt.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu Vụ Khoa học và Công nghệ cần phải có báo cáo đánh giá chính xác hơn nữa về xăng E5, tránh tình trạng chỉ báo cáo số lượng thay vì chất lượng. Bộ trưởng nhấn mạnh: Xăng E5 là một loại xăng thân thiện môi trường, do đó rất cần sự hiểu biết và đón nhận của cộng đồng. Do vậy, một báo cáo chính xác về mức độ và số lượng phủ sóng của xăng E5 trong toàn quốc cũng như đánh giá nguyên nhân, tồn tại là việc làm rất cần thiết. Tương tự như vậy là công thức tính giá xăng. Mặc dù Bộ Công Thương không quản lý về giá, nhưng có thể có những đóng góp, tác động tới Bộ Tài chính và Chính phủ nếu thấy sự bất hợp lý.

Liên quan đến vấn nạn phân bón giả, Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hóa chất và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) phối hợp với Cục Quản lý thị trường, báo cáo Ban Chỉ đạo 389 của Bộ ngăn chặn tình trạng sản xuất, lưu thông phân bón giả, kém chất lượng và tình trạng gian lận thương mại. Bên cạnh đó, Cục Hóa chất cần phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn các loại phân bón có chất lượng.

5 nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm

Tại Hội nghị giao ban tháng 5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giao nhiệm vụ cho từng đơn vị nhằm đạt được các kế hoạch đề ra trong tháng 6, cũng như nửa cuối năm 2016. Cụ thể là:

Thứ nhất, các Tập đoàn, Tổng công ty cần tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, hoàn thành kết quả sản xuất kinh doanh, thực hiện mục tiêu chiến lược năm 2016. Các đơn vị thị trường phải phối hợp với Vụ Thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại để điều tiết và phối hợp về mặt chính sách, khai thác tốt thị trường để có tăng trưởng trong những tháng cuối năm.

Thứ hai, cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, rà soát sửa đổi các văn bản không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, cũng như người dân và doanh nghiệp; nghiêm túc thực hiện các chương trình của Chính phủ, đảm bảo các doanh nghiệp vừa sản xuất kinh doanh hiệu quả, vừa hội nhập kinh tế quốc tế thành công.

Thứ ba, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị tập trung rà soát đánh giá về mặt thể chế, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với tình hình hội nhập kinh tế quốc tế về bán hàng đa cấp, hệ thống bán lẻ, sản xuất hóa chất, an toàn thực phẩm, v.v...

Thứ tư, đối với lĩnh vực năng lượng, các Tập đoàn: PVN, EVN, TKV cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, xem xét các vướng mắc phát sinh; rà soát dự án Tổng sơ đồ điện 7; Mở rộng cơ hội cho các nhà thầu, chọn lọc nhà thầu, lưu ý chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Tổng cục Năng lượng phối hợp với Cục Điều tiết điện lực chỉ đạo EVN điều tiết lượng điện, cắt giảm các chi phí, công khai minh bạch, đảm bảo phương án điều hành điện trong thời gian tới không có biến động lớn.

Thứ năm, Cục TMĐT & CNTT cần tiếp tục triển khai, phối hợp với các đơn vị đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, phối hợp với đối tác và các đơn vị củng cố hệ thống hạ tầng. Vụ Thị trường trong nước cần định hướng về tình hình bán lẻ trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ, không để xảy ra hiện tượng gian lận thương mại trong lĩnh vực này. Cục Xuất nhập khẩu cần nghiên cứu các giải pháp tháo gỡ rào cản, phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, khai thác các thị trường Trung Quốc, ASEAN và các khu vực mới nổi, v.v...