Bộ Công Thương: Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ năm 2015

“Năm 2015, thiên tai tuy không gây thiệt hại về người, nhưng lại gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành Công Thương, tổng thiệt hại ước tính trên 1,7 nghìn tỷ đồng”.

Thiên tai không gây thiệt hại về người

Sáng ngày 7/4/2016, tại trụ sở Bộ Công Thương, lễ Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ năm 2015, triển khai nhiệm vụ 2016 đã được tổ chức do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng làm chủ trì.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng phát biểu chỉ đạo tại lễ tổng kết

“Năm 2015, thiên tai tuy không gây thiệt hại về người, nhưng lại gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành Công Thương, tổng thiệt hại ước tính trên 1,7 nghìn tỷ đồng” - ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp thông báo thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2015 tại buổi tổng kết.

Theo đó, năm 2015, thiên tai xảy ra ít hơn về số lượng (chỉ có 5 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở Biển Đông). Tuy nhiên, cường độ tác động của một số cơn bão lại ở mức cao kỷ lục (như cơn bão số 1, số 3; trận mưa lịch sử tại Quảng Ninh từ ngày 25/7-5/8), ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt nói chung và của ngành Công Thương nói riêng. Đợt nắng nóng kỷ lục do ảnh hưởng của El Nino cũng đã gây nhiều thiệt hại trên địa bàn các tỉnh từ Bắc bộ đến Nam Trung bộ.

Thiệt hại do thiên tai gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế cũng như tốc độ tăng trưởng của một số doanh nghiệp, tập đoàn trực thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Cơn bão số 1 đổ bộ vào Việt Nam đã làm Tập đoàn Điện lực Việt Nam thiệt hại nhiều tỷ đồng, ước tính thiệt hại lên tới 150 triệu đồng. Khi bão đổ bộ đã gây sạt lở đất đá tại các nhà máy thủy điện như: Sơn La, Huội Quảng…

Tập đoàn Công nghiệp - Than Khoáng sản Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của đợt mưa lớn lịch sử trong vòng 40 năm qua tại tỉnh Quảng Ninh. Ước tính thiệt hại lên đến 1,2 nghìn tỷ đồng.

Năm 2015 là năm đánh dấu nhiều hoạt động mới đã được thực hiện trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công Thương, như việc thành lập các Ban Chỉ huy, Văn phòng thường trực phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thành lập các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở các cấp đơn vị; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân để chủ động phòng chống thiên tai; chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đẩy mạnh sự phối kết hợp giữa các tập đoàn và doanh nghiệp để có những giải pháp cứu nạn, cứu hộ nhanh gọn, hiệu quả; tăng cường sự phối hợp của các đơn vị, địa phương..

Mặc dù vậy, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công Thương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, như: công tác cung cấp thông tin thủy văn, vận hành hàng ngày trong mùa mưa lũ của một số nhà máy chưa được thường xuyên cập nhật, kịp thời; nhiều đơn vị, địa phương còn chủ quan, chưa chủ động trong công tác phòng ngừa thiên tai...

Nhiệm vụ, phương hướng thực hiện phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 của Bộ Công Thương

Do biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, việc dự báo thiên tai ngày càng gặp nhiều khó khăn. Để chủ động phòng chống thiên tai và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2016, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ đã triển khai tập trung thực hiện các nhiệm vụ, như:

Các đơn vị trong ngành tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015.

Đẩy nhanh việc thực hiện hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy điện, lưới điện, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ. Khôi phục nhanh sự cố lưới điện sau thiên tai; rà soát đánh giá mức độ an toàn của các bãi thải trong khai thác khoáng sản để có biện pháp an toàn trong quá trình sản xuất và an toàn đối với khu dân cư.

Rà soát chiến lược, quy hoạch phát triển ngành lồng ghép các nội dung phòng chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng thiết kế...

Phát biểu tại lễ tổng kết, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng đã chỉ đạo các Ban, ngành phải có những hướng dẫn chi tiết trong kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Lên danh sách các phương án sẵn sàng ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định tại Luật. Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương cần bố trí kinh phí để triển khai các dự án đầu tư, xây dựng trang thiết bị ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.