Công văn gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và Hiệp hội có liên quan; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan.
Công văn nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 2/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ, trong đó, tại điểm a khoản 2 Phần II có giao Bộ Công Thương: “Nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy định trong Luật Điện lực và các văn bản có liên quan về giá điện, điều tiết điện lực, chương trình quốc gia về quản lý nhu cầu điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện và thị trường điện phù hợp với lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh”.
Tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương trình Chính phủ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) trước tháng 7/2024. Để đảm bảo tiến độ Chính phủ giao, căn cứ Công văn số 1111/VPCP-PL ngày 21/2/2024 của Văn phòng Chính phủ về việc thành lập Ban soạn thảo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Bộ Công Thương đã triển khai công tác xây dựng dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Dự thảo Luật bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm:
- Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước;
- Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới;
- Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực;
- Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường;
- Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện;
- An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 94 điều. Các Chương của luật được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
a) Chương I. Quy định chung bao gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)
b) Chương II. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực bao gồm 04 mục với 14 điều:
- Mục 1. Quy hoạch phát triển điện lực gồm 04 điều (Từ Điều 9 đến Điều 12);
- Mục 02. Đầu tư dự án điện lực gồm 03 điều (Từ Điều 13 đến Điều 15);
- Mục 03. Lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện gồm 03 điều (Từ Điều 16 đến Điều 18);
- Mục 04. Xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ gồm 04 điều (Từ Điều 19 đến Điều 22).
c) Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới bao gồm 05 điều (từ Điều 23 đến Điều 27).
d) Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 08 điều (từ Điều 28 đến Điều 35)
đ) Chương V. Hoạt động mua bán điện bao gồm 3 mục:
- Mục 1. Thị trường điện cạnh tranh gồm 07 điều (từ Điều 36 đến Điều 42);
- Mục 2. Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện gồm 14 điều (từ Điều 43 đến Điều 56);
- Mục 3. Giá điện gồm 04 điều (từ Điều 57 đến Điều 60).
e) Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia bao gồm 12 điều (từ Điều 61 đến Điều 72)
g) Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện bao gồm 2 mục:
- Mục 1. Bảo vệ công trình điện lực bao gồm 07 điều (từ điều 73 đến 79).
- Mục 2. An toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện gồm 10 điều (từ Điều 80 đến Điều 89).
h) Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực gồm 02 điều (Điều 90 và Điều 91).
i) Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (Điều 92, 93 và Điều 94).
Bộ Công Thương hiện đã đăng tải toàn văn hồ sơ dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hồ sơ bao gồm:
(1) Dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi);
(2) Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi);
(3) Báo cáo tổng kết thi hành Luật Điện lực;
(4) Báo cáo đánh giá tác động chính sách Luật Điện lực (sửa đổi).
Chi tiết, xem tại đây.