Cùng tham dự Hội thảo có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, các trường đại học, hiệp hội, các tổ chức quốc tế và một số chuyên gia độc lập hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch, điện lực và năng lượng.
![Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Hội thảo tham vấn Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và Đánh giá môi trường chiến lược](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/17/bo-cong-thuong-tiep-tuc-to-chuc-hoi-thao-tham-van-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-va-danh-gia-moi-truong-chien-luoc_67b29daf8245a.jpg)
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, phát triển điện lực phải luôn đi trước một bước nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của Nhân dân là quan điểm xuyên suốt, là mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Những vấn đề này đang ngày càng trở nên bức thiết, đòi hỏi chúng ta phải có một tầm nhìn, một quy hoạch, chính sách dài hạn, nhất quán và các giải pháp hiệu quả.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 với nhiều điểm mới so với các quy hoạch trước đây như “mang tính động và mở”, phát triển tối ưu các loại nguồn điện với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo Cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, đảm bảo cung cấp đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5-7,5% giai đoạn 2031-2050 theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
![Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Hội thảo tham vấn Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII và Đánh giá môi trường chiến lược](https://imgcdn.tapchicongthuong.vn/thumb/w_1000/tcct-media/25/2/17/bo-cong-thuong-tiep-tuc-to-chuc-hoi-thao-tham-van-dieu-chinh-quy-hoach-dien-viii-va-danh-gia-moi-truong-chien-luoc_67b29e065e605.jpg)
Thứ trưởng cho biết thêm, ngay sau khi ban hành Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn đã tích cực xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trình Chính phủ phê duyệt trong các Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 và Quyết định số 1682/QĐ-TTg ngày 28/12/2024. Đồng thời, Bộ cũng chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật quan trọng như Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định về mua bán điện trực tiếp, Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, cùng hệ thống các Thông tư về khung giá Năng lượng tái tạo, về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án năng lượng. Các Tập đoàn, đơn vị trong ngành điện, các địa phương đã tích cực thực hiện đúng các vai trò, chức năng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Công Thương.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, có rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với ngành điện. Nhiều dự án nguồn điện quan trọng ưu tiên, dự án năng lượng tái tạo chậm hoặc khó khăn trong triển khai do giá điện chưa thực sự hấp dẫn, quy trình thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư còn phức tạp; các dự án điện gió ngoài khơi yêu cầu vốn đầu tư lớn, công nghệ phức tạp, thời gian chuẩn bị đầu tư và xây dựng kéo dài.
Ngoài ra, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều yếu tố mới trong nước và quốc tế ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ điện và định hướng phát triển nguồn điện đã nêu tại Quy hoạch điện VIII như:
(i) Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc tiếp tục triển khai các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận với quy mô công suất khoảng 6.000 MW sẽ có tác động đáng kể tới cơ cấu nguồn điện quốc gia.
(ii) Ngày 03/01/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc chủ động giải pháp bảo đảm cung ứng đủ điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Theo đó, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tới năm 2030 cao hơn rất nhiều so với trước. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế năm 2025 phấn đấu đạt trên 8% và giai đoạn 2026-2030 phấn đấu đạt mức hai con số. Mức tăng này đòi hỏi điện năng phải tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân hàng năm từ 12% đến trên 16%.
(iii) Tình hình địa chính trị quốc tế còn tiếp tục diễn biến phức tạp, dẫn tới những biến động trong giá nhiên liệu nhập khẩu cho phát điện; thu hút đầu tư FDI bị ảnh hưởng.
(iv) Sự phát triển về khoa học công nghệ, nhất là chi phí cho các hệ thống lưu trữ năng lượng có xu hướng giảm nhanh, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tích hợp nhiều hơn nguồn điện mặt trời, điện gió vào hệ thống điện.
"Với tất cả những vấn đề nêu trên, chúng ta cần phải được xem xét thấu đáo, nghiên cứu kỹ lưỡng trong Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia", Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn sẽ nhận được các ý kiến góp ý xác đáng để Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII có tính khả thi trong thực tiễn.
Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII gồm 12 Chương. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã nghiên cứu, tính toán một số kịch bản, phương án khác nhau đảm bảo tính khách quan, khoa học, tuân thủ chặt chẽ trình tự, thủ tục trong lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch. Đề án đã tuân thủ các văn kiện của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển năng lượng, quy hoạch tổng thể quốc gia, bám sát và tiếp thu đầy đủ các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức, hiệp hội trong và ngoài nước có liên quan.
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sau khi hiệu chỉnh, hoàn thiện sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra, bao gồm:
(i) Phạm vi và nội dung quy hoạch tuân thủ và giải quyết đầy đủ các nhiệm vụ nêu trong Quyết định số 1710/ QĐ-TTg ngày 31/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch.
(ii) Quy hoạch đã bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 theo Nghị quyết 55/NQ-TW, nhịp độ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng được cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất các công trình năng lượng điện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
(iii) Quy hoạch đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải.., do vậy đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam. Cụ thể:
+ Điện thương phẩm: năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1238 - 1375 tỷ kWh.
+ Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360 - 1.511 tỷ kWh.
+ Công suất cực đại: năm 2030 khoảng 90-100 GW; và năm 2050 khoảng 206 - 228 GW.
+ Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP giảm mạnh từ khoảng 1,25 lần trong giai đoạn 2026 - 2030 xuống 0,33 lần trong giai đoạn 2046 - 2050.
+ Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%.
+ Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và quản trị của các đối tác quốc tế theo JETP.
(iv) Quy hoạch đã làm rõ được các nội dung liên quan khác như định hướng liên kết lưới điện với các nước khu vực, phát triển điện nông thôn, điều độ và thông tin hệ thống điện.
(v) Quy hoạch đã nghiên cứu, đề xuất các cơ chế và 10 nhóm giải pháp thực hiện quy hoạch, tận dụng tối đa các nguồn lực và hỗ trợ quốc tế là điều kiện để thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng, tăng trưởng xanh của Việt Nam, trong đó đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về Hội thảo...