Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý Bản thảo sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010

Chiều 18/10/2022, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội thảo Khoa học Lấy ý kiến góp ý Bản thảo sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010 .

Tham dự Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công Thương các nhà  khoa học hàng đầu về lĩnh vực kinh tế và lịch sử. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam  đồng chủ trì Hội thảo. 

Lịch sử phát triển của ngành Công Thương gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam, với quá trình đấu tranh, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước qua các thời kỳ. Nhằm tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Công Thương, khẳng định những cống hiến của Ngành trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng, đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển, truyền cảm hứng cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, đặc biệt là thế hệ trẻ của ngành Công Thương viết tiếp những trang sử vẻ vang của Ngành, tháng 6/2021, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo biên soạn Bộ sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010)” và “Biên niên sự kiện ngành Công Thương (2010-2020)”.. Tạp chí Công Thương là đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ.

Sau hơn một năm khẩn trương thực hiện, qua nhiều lần lấy ý kiến góp ý của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ, các học giả và đông đảo bạn đọc thông qua  việc đăng công khai trên Cổng Bộ Công Thương, bản thảo cuốn sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” đã hoàn thành.

Bản thảo có dung lượng gần 1000 trang, với kết cấu 3 phần.

Phần thứ nhất: Giới thiệu  sơ lược về lịch sử hình thành Bộ Công Thương.

Phần thứ hai: Gồm 8 chương nội dung và chương Kết luận:

Chương I. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945;

Chương II. Công nghiệp - Thương mại Việt Nam trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc (1945 - 1954);

Chương III. Công nghiệp - Thương mại miền Bắc thời kỳ khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu cho chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà (1954 - 1965);

Chương IV. Công nghiệp - Thương mại với hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam (1965 - 1975);

Chương V. Công nghiệp - Thương mại miền Nam thời kỳ (1954 - 1975);

Chương VI. Tình hình Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm sau khi đất nước thống nhất (1975 - 1985);

Chương VII. Tình hình Công nghiệp - Thương mại trong 10 năm đầu đổi mới đất nước (1985 - 1995);

Chương VIII. Phát triển Công nghiệp - Thương mại, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (1995 - 2010).

Chương Kết luận, nêu 5 bài học kinh nghiệm có giá trị lịch sử trên phương diện lý luận và thực tiễn, rút ra từ hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển ngành Công Thương. 

Phần thứ ba: Bao gồm Biên niên một số sự kiện lịch sử liên quan đến hoạt động ngành Công Thương giai đoạn 1945 - 2010, Tài liệu tham khảo, Mục lục.

Một trong những điểm nổi bật của bản thảo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” là đã hệ thống đầy đủ, chính xác lịch sử tổ chức của Bộ Công Thương và các Bộ tiền nhiệm, bao gồm cả các Tổng cục trực thuộc Chính phủ.

Bản thảo được biên soạn dựa trên việc áp dụng đồng thời nhiều phương pháp nghiên cứu, bao gồm phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu kinh tế, nghiên cứu xã hội học, gặp gỡ nhân chứng lịch sử… Việc áp dụng đồng thời các phương pháp đã bổ khuyết nhiều khoảng trống lịch sử, bức tranh ngành Công Thương và nền kinh tế được tái dựng một cách liền mạch, được tiếp cận, phân tích ở nhiều chiều.

Ngoài ra, để dựng lại bức tranh về sự hình thành, phát triển ngành Công Thương, Ban Biên soạn bản thảo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” đã sử dụng nhiều nguồn dữ liệu, trong đó tập trung vào 3 nhóm: (i) Những văn bản gốc của Đảng, nhà nước và các ngành có tầm ảnh hưởng đến nền kinh tế đương thời; (ii) Tài liệu thống kê; và (iii) Nhân chứng đương thời. Bên cạnh các tư liệu đến từ nguồn trong nước, Ban Biên soạn đã tiếp cận nhiều dữ liệu của Thư viện Quốc gia Pháp, Cơ quan Lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, Thư viện Đại học Cornell…

Trong Bản thảo, các trình bày, diễn giải, lập luận đều có số liệu dẫn chứng đầy đủ, nguồn trích dẫn rõ ràng, giúp độc giả nắm rõ hơn vấn đề, phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu chuyên sâu về Ngành.

Bên cạnh bản in, Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 – 2010 dự kiến  sẽ được xuất bản trên phần mềm chuyên dụng có đầy đủ tính năng của sách điện tử vào cuối năm 2022.

Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu về lịch sử và kinh tế

1. PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

2. PGS.TS Trần Đức Cường Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

3. GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

4.GS.TSKH Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư nhà nước ngành Kinh tế, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân. 

5. GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. GS.TS Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

7. GS.TS Đỗ Quang Hưng, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử Cận - Hiện đại VN, Viện trưởng viện nghiên cứu Tôn giáo

8. PGS.TS Đinh Quang Hải, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử,

9. GS.TS Nguyễn Văn Khánh, Chủ tịch Hội đồng khoa học - Đào tạo Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Thy Thảo