Báo cáo với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác, đại diện Công ty cho biết, nhà máy của Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam tại Cụm công nghiệp Cát Trinh hiện có quy mô công suất 15.925.760 m2 vải/ năm, với tổng vốn đầu tư hơn 1.492 tỷ đồng (tương đương 64,6 triệu USD) và dự kiến tăng lên khoảng hơn 100 triệu USD trong thời gian tới.
Tổng số lao động hiện nay tại Delta Galil Việt Nam là hơn 3.600 lao động. Công ty sử dụng nguyên liệu trong nước thu mua từ các địa phương như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, TP. HCM, Hải Dương..., song song với nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan...
Sản phẩm của Delta Galil Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Hà Lan, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada, Hàn Quốc, Malaysia, Ấn Độ...
Lãnh đạo Công ty chia sẻ, giai đoạn đầu thành lập, Công ty cũng gặp phải nhiều khó khăn trở ngại do các yếu tố khách quan và chủ quan. Những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty dần đi vào ổn định. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, việc phát triển và mở rộng đầu tư của Công ty đã thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, Delta Galil Việt Nam bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, quan tâm giúp của các cấp chính quyền địa phương, ngành Công Thương trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Đại diện Công ty đề xuất được tạo thuận lợi hơn trong thực hiện tờ khai xuất khẩu (C/O) và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà máy (cuối năm 2024, đầu năm 2025).
Sau khi lắng nghe báo cáo của công ty, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao việc Delta Galil Việt Nam đã mạnh dạn đầu tư nhà máy tại Bình Định từ 9 năm trước, cũng như nỗ lực gia tăng giá trị sản xuất, lợi nhuận và đảm bảo thu nhập, đời sống cho người lao động của công ty.
Đối với đặc thù ngành dệt may, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý Delta Galil Việt Nam cần thực hiện đúng cam kết về môi trường, đảm bảo hệ thống xử lý rác thải, nước thải ở tất cả các khâu từ dệt đến may hoàn tất đạt chuẩn và giữ gìn cảnh quan, môi trường xung quanh nhà máy thân thiện với môi trường. Cụm công nghiệp cần đảm bảo tiêu chuẩn nước thải loại A khi xả ra môi trường. Liên quan đến vấn đề này, cũng cần có sự giám sát từ địa phương và sự đồng bộ trong thu hút, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án tương tự.
Để tăng cường năng lực xuất khẩu, Bộ trưởng đề nghị doanh nghiệp đặt ra lộ trình thực hiện chuyển đổi sản xuất xanh hơn, sạch hơn từ khâu nguyên vật liệu trở đi để có thể đáp ứng được các quy định, tiêu chuẩn mới khắt khe hơn tại những thị trường quan trọng như EU, Hoa Kỳ,… Bên cạnh nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp cận với những công nghệ mới trong sản xuất, doanh nghiệp có thể cân nhắc đến việc tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời mái nhà) trong quy trình sản xuất để xanh hóa sản phẩm hay tham gia mua bán chứng chỉ carbon trên thị trường.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương hiện đã ban hành rất nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Việt Nam hiện đã là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 5 FTA thế hệ mới và được hưởng biểu thuế ưu đãi rất cao. Vậy nên việc đầu tư vào Việt Nam giúp các doanh nghiệp FDI không chỉ hướng đến thị trường khu vực ASEAN mà còn có thể mở rộng vươn đến thị trường gần 6 tỷ người tiêu dùng của các quốc gia thành viên FTA đó. Đây là những yếu tố mà doanh nghiệp cần nhận diện, tiếp cận và tận dụng tốt.
Về đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến việc cấp C/O, Bộ trưởng giao Cục Xuất nhập khẩu nghiên cứu, đề xuất, trên tinh thần tạo điều kiện tối đa cho hoạt động của doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-TTg ngày 14/12/2023, trên địa bàn tỉnh có 68 CCN với tổng diện tích 3.470 ha, bình quân 51 ha/CCN. Đến nay, có 46/68 CCN với tổng diện tích 1.525 ha được quyết định thành lập (trong đó, có 17 CCN với diện tích 578 ha do các doanh nghiệp làm chủ đầu tư và 31 CCN với diện tích 922 ha do các đơn vị thuộc UBND cấp huyện làm chủ đầu tư; có 45/68 CCN với tổng diện tích 1.570 ha được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, diện tích đất công nghiệp 1.100 ha.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Bình Định có 37/46 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 923 ha; các CCN đã thu hút 380 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đất thuê và có chủ trương đầu tư 738 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã đi vào hoạt động 80%.
Về ngành công nghiệp may mặc ở Bình Định, trong những năm qua, đã có những chuyển biến rõ nét, phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã quan tâm đầu tư và phát triển sản xuất, từng bước góp phần vào tăng trưởng ngành công nghiệp chung của tỉnh; giai đoạn 2016-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19,3%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,1%/năm và giải quyết việc làm hơn 35.000 lao động, chủ yếu là lao động nữ ở khu vực nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chiều nay 9/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.