Giá vàng thế giới chịu tác động từ tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư
Cụ thể, vào phiên giao dịch đầu tuần (9/3) giá vàng đã lên cao, vượt mức 1.700 USD trong bối cảnh thị trường bị bao trùm bởi lo ngại nền kinh tế có thể sụp đổ do dịch bệnh Covid-19.
Tuy nhiên sau đó lại giảm hơn 1% khi nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ toàn cầu đang nỗ lực thực hiện các chính sách nhằm giảm bớt tác động kinh tế từ dịch bệnh Covid-19, xoa dịu lo ngại của giới đầu tư.
Đến ngày 12/3 giá vàng đã tăng trở lại trong bối cảnh các nhà đầu tư tránh xa các tài sản rủi ro sau khi Mỹ tuyên bố lệnh cấm các chuyến bay châu Âu. Dù vậy giá vàng đã chứng kiến đợt giảm trong tuần tồi tệ nhất trong hơn 3 năm do đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường.
Trong phiên ngày 13/3, ghi dấu tuần giảm sâu nhất kể từ năm 1983 khi giới đầu tư bán vàng ồ ạt để tích trữ tiền mặt hay buộc phải đóng lệnh ở mức thua lỗ nhất định trên các thị trường đang bị ảnh hưởng từ dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/3, vàng giao ngay đạt 1529,9 USD/ounce theo Kitco; vàng giao tháng 4 đạt 1529,1 USD.
Tính cả tuần, giá vàng thế giới giảm khoảng 50 USD/ounce trong một khoảng thời gian ngắn như một sự kiện hy hữu trong bối cảnh gần như tất cả các kênh đầu tư rủi ro khác cũng tụt giảm mạnh. Đây là một diễn biến bất thường nhưng là hợp lý ở thời điểm này.
Vàng tiếp tục giảm không chỉ do áp lực chốt lời mà còn do Mỹ và Nhật tuyên bố điều chỉnh các chính sách tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế, trong khi các nước khác cũng tính toán các chính sách tiền tệ nới lỏng để ngăn chặn suy giảm tăng trưởng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ sớm thông báo về việc hỗ trợ rất đáng kể nền kinh tế. Các biện pháp có thể bao gồm cắt giảm thuế thu nhập từ lương và hỗ trợ những người lao động làm việc theo giờ nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của virus corona. Những ưu đã về thuế sẽ nằm trong gói chi tiêu trị giá 8,3 tỷ USD mà ông Trump đã ký kết vào tháng trước.
Giá vàng trong nước liên tục giảm theo đà giảm của vàng thế giới
Đầu tuần, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 47,15 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,80 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 47,05 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,67 triệu đồng/lượng (bán ra).
Ngày 11/3, giá vàng miếng trong nước được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức: 46,60 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,30 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200 ngàn đồng chiều mua vào và giảm 250 ngàn đồng chiều bán ra so với cuối phiên liền trước.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 46,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 47,47 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 50 ngàn đồng ở chiều mua vào và giảm 100 ngàn đồng bán ra so với cuối phiên giao dịch 10/3.
Tiếp các phiên sau đó, giá vàng liên tục giảm. Giá vàng trong nước ngày 13/3 đã giảm tới hơn 1,3 triệu đồng/lượng, sau khi giá vàng thế giới phiên đêm qua chịu tác động từ tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư, với việc ồ ạt bán tháo khiến vàng mất gần 60 USD/ounce.
Chốt phiên giao dịch ngày 14/3, tại Hà Nội, giá vàng đã giảm thêm 850.000 đồng/lượng chiều mua vào và 450.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện niêm yết tại mức 45,60 – 46,72 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại thị trường TPHCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 45,60 – 46,70 triệu đồng/lượng. Giá vàng được Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết ở mức 45,30 triệu đồng/lượng (mua vào) và 46,50 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 300 nghìn ở chiều mua vào.