Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Trương Thanh Hoài cho biết, sản xuất công nghiệp của Việt Nam trong năm vừa qua đã có mức tăng trưởng mạnh với chỉ số sản xuất toàn ngành tăng 9,4%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra đầu năm là 7,1 - 8%. Nổi bật, ngành công nghiệp chế biến chế tạo (CBCT) tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng cao ở mức 14,5%. Đây cũng là động lực lớn góp phần vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung trong năm 2017. Tuy nhiên, ngành khai khoáng còn gặp khá nhiều khó khăn, sụt giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2016, ảnh hưởng đến tăng trưởng chung toàn ngành.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp báo cáo tại Hội nghịNăm 2017 vừa qua đã đánh dấu bước tiến vượt bậc của Cục Công nghiệp trong việc tổ chức hợp tác với các bên liên quan. Không chỉ phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương, Cục Công nghiệp còn tăng cường triển khai các kế hoạch hợp tác với các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), Công ty TNHH Samsung Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu và chiến lược phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Cục trưởng cũng nhận định, với 31,1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, ngành Dệt may giữ vị trí quan trọng đối với quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế hiện còn chậm tại Việt Nam. Cùng với đó, ngành Da giày cũng cần được định hướng phát triển cụ thể hơn nữa khi mà xuất khẩu giày dép các loại trong năm 2017 đạt gần 15 tỷ USD nhưng trong tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI chiếm tới 78%.
Ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công Thương nhận định về ngành công nghiệp 2017 và định hướng mới cho năm 2018Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, vai trò của Cục Công nghiệp là vô cùng quan trọng. Năm 2017, Cục là đơn vị hoàn thiện thể chế về ngành công nghiệp, đồng thời triển khai các kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các vấn đề công nghệ cũng như hành lang pháp lý và các thủ tục hành chính cần thiết.
Đồng tình với Cục trưởng Trương Thanh Hoài, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng ngành khai khoáng tại Việt Nam vẫn còn là một bài toán khó, bên cạnh các ngành công nghiệp khác đang có dấu hiệu phát triển ổn định và tích cực. Để giải quyết bài toán này, cần xác định rõ hạn chế còn tồn tại trong quy hoạch. Chiến lược thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI, cần có sự thay đổi cả về quy mô và chất lượng. Hiệu quả đầu tư không thể chỉ hiển thị trên các con số, mà phải tính đến khả năng tham gia chuỗi cung ứng của sản phẩm và doanh nghiệp, thông qua sự so sánh hiệu quả trong nhập khẩu và liên kết kinh tế. Điều này không chỉ phù hợp với công nghiệp khai khoáng, mà với tất cả các ngành công nghiệp khác tại Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục nghiên cứu có hệ thống và sâu rộng những hạn chế còn tồn tại trong việc thay đổi nền công nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ vào công nghiệp để có thể theo kịp sự phát triển nhanh chóng của thế giới. Đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang chuyển động từng ngày, Việt Nam cần có những dự báo cụ thể về xu hướng của thị trường quốc tế để chủ động và kịp thời đón nhận các đổi thay dù tích cực hay không.
Cục Công nghiệp, trong tiến trình cải cách, cần có những tham mưu hợp lý về hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp đối với từng chủ thể khác nhau, nâng cao hiệu quả của mô hình quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cần đi từ các vấn đề cụ thể hướng đến chiến lược tầm vĩ mô, đặc biệt chú trọng bám sát thực tiễn và hỗ trợ doanh nghiệp Việt tháo gỡ khó khăn để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành, thúc đẩy sức cạnh tranh trong cuộc đua quốc tế.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đưa ra ý kiến thẳng thắn về yếu tố chủ quan và khách quan trong công tác quản lý của Cục Công nghiệpTại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định dù có nhiều biến động và thay đổi trong quy mô tổ chức, Cục Công nghiệp đã có nhiều cố gắng và hoàn thành các nhiệm vụ đề ra, đảm bảo tiến trình chung của các kế hoạch, đề án bên cạnh những yếu tố may mắn đến từ diễn biến thị trường thế giới.
Năm 2018, Thứ trưởng hy vọng lãnh đạo ngành công nghiệp sẽ có cái nhìn tổng quát hơn về nền công nghiệp để từ đó đưa ra được những bước đi đúng đắn và chi tiết. Bức tranh công nghiệp cần có định hướng mang tính chiến lược và hệ thống hơn để có thể triển khai phát triển một cách chủ động và hiệu quả bên cạnh các nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công chức để tiếp xúc với thông tin quốc tế và tham gia có hiệu quả hơn vào các quan hệ hợp tác đa phương, học hỏi kinh nghiệm từ các tổ chức, các quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực.