Tổng công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) vừa cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 1.593 tỷ đồng, vượt 32% so với kế hoạch năm nhưng giảm 31% so với mức nền cao của năm 2022.
Trong đó, đối với mảng bất động sản, các khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp với tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 16 tỷ USD và đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh nhất khu vực.
Hiện Tổng công ty Viglacera sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000 ha, trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước.
Ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera cho biết, những nỗ lực thu hút vốn FDI tập trung vào phân khúc các nhà máy công nghệ cao, năng lượng sạch…. của công ty đã có những kết quả tích cực. Điển hình, giữa thán 10/2023, Nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technology với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD đã chính thức đi vào vận hành tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (tỉnh Bắc Ninh) từ giữa tháng 10/2023, cùng với đó là loạt các nhà máy công nghệ cao khác tại các khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera.
Song song với việc phát triển các khu công nghiệp, Tổng công ty Viglacera cũng đã đẩy mạnh mảng bất động sản dân cư, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, để hình thành hệ sinh thái dịch vụ khép kín với các khu công nghiệp.
Trong năm 2023, Tổng công ty Viglacera đã cung cấp 04 dự án với 2.376 căn hộ cho công nhân và hộ gia đình công nhân lao động. Trong năm này, Tổng công ty Viglacera dự kiến sẽ mở bán dự án căn hộ chung cư V8 trong Khu công nghiệp Yên Phong và đầu tư các dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Đông Mai và Khu công nghiệp Hải Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera, nhiều dự án nhà ở xã hội của công ty đã sẵn sàng để triển khai, chỉ đợi thị trường thuận lợi để chính thức khởi công, hướng đến mục tiêu đầu tư 50.000 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022 - 2030.
Ngoài ra, trong năm 2023, Tổng công ty Viglacera cũng đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (Angsana Quan Lạn - Hạ Long Bay), đánh dấu bước tiến vào lĩnh vực bất động sản du lịch. Dự án này có tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng, quy mô 35 ha.
Xét về cơ cấu cổ đông, hai cổ đông lớn nhất hiện nay của Tổng công ty Viglacera là Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex – công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (mã cổ phiếu GEX - sàn HoSE) và Bộ Xây dựng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 50,21% và 38,58%. Sau đợt thoái vốn hồi năm 2017, Bộ Xây dựng hiện có chủ trương thoái khoảng 38% vốn cổ phần tại Tổng công ty Viglacera trong thời gian từ nay đến năm 2025.
Vừa qua, ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera đã phê duyệt gói thầu “Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần Tổng công ty Viglacera cho mục đích thoái vốn Nhà nước”.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 11/1, cổ phiếu VGC có giá tham chiếu tại mức 52.300 đồng/cổ phiếu.