Sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và bàn phương hướng, nhiệm vụ năm 2019 của Hội đồng. Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác thi đua, khen thưởng đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Vậy cách thức mà công tác Thi đua - Khen thưởng đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện như thế nào?
Trước hết chúng ta thử đọc tên các phong trào thi đã được phát động trong những năm qua: “Tất cả vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, “Xóa đói, giảm nghèo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Thi đua quyết thắng”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “5 xung kích, 4 đồng hành”, “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”, “5 không, 3 sạch”, “Vì Trường Sa thân yêu”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Và gần đây nhất, cả nước đang tập trung triển khai và thực hiện có hiệu quả ba phong trào lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Chính các phong trào thi đua này đã tác động đến mọi tổ chức, mọi tầng lớp trong xã hội. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các phong trào thi đua đã tạo ra môi trường và cơ chế thuận lợi khuyến khích cacns bộ, công chức tập trung vào việc tham mưu ban hành cơ chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hóa xã hội, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp, các phong trào thi đua làm nền tảng kích thích nhà đầu tư khởi nghiệp, doanh nhân, người lao động trong doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng động sáng tạo tìm kiếm thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước.
Cùng với đó, thông qua các phong trào thi đua, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến tiếp được thực hiện từ cơ sở và đồng bộ ở cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân rộng. Trong đó, các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và địa phương đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng thời lượng, xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên mục giới thiệu gương “Người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến như chuyên mục “Những việc làm vì dân”, “Việc tử tế”, “Những bông hoa đẹp”, “Bình dị mà cao quý”, “Tấm lòng vàng”, “Gương sáng noi chung”… Một thí dụ điển hình như trường hợp anh dân quân tự vệ Trương Văn Được, 33 tuổi, ở xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, đã dầm mình trong lũ suốt ngày đêm để cứu người và đã qua đời vì kiệt sức ngay trước cửa nhà, vào cuối năm 2018 vừa qua. Anh mất đi, nhưng đã trở thành tấm gương của lực lượng dân quân xung kích địa phương. Sau sự kiện này, tỉnh Quảng Nam đã xem xét cơ chế đặc thù hỗ trợ cho lực lượng dân quân xung kích theo phương châm bốn tại chỗ ở cơ sở nhằm kịp thời giúp dân trong tình huống nguy cấp, thiên tai.
Như vậy, các phong trào thi đua, hoạt động tuyên truyền đã góp phần biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua, đã tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, xã hội, qua đó kịp thời khích lệ, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua, vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tạo động lực cho sự phát triển kinh tế và xã hội.