Đó là nhận định của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tại Diễn đàn Việt Nam Blockchain Summit (VBS), với chủ đề “Từ công nghệ tới chính sách” vừa diễn ra sáng nay 8/6/2018, tại Hà Nội.
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất năm tại Việt Nam về xây dựng chính sách, nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng công nghệ blockchain. Công nghệ này sẽ góp phần quan trọng xây dựng nền tảng kinh tế số và tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tạo ra công nghệ nền tảng tương tự như công nghệ TCP/IP đối với sự phát triển của Internet. Với chủ đề “Từ Công nghệ tới Chính sách”, Diễn đàn đã giúp nhiều tổ chức, cá nhân nhận định và hiểu rõ hơn về blockchain cũng như những chính sách của nhà nước với công nghệ nổi bật này.
Theo ông Đặng Hoàng Hải,blockchain còn giúp nâng cao hiệu quả một số lĩnh vực Việt Nam còn yếu như dịch vụ logicstic hay truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, hỗ trợ hiệu quả cho việc triển khai chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, hiện nay, mọi người mới chỉ biết blockchain qua tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số nhưng ứng dụng còn lớn hơn nhiều. Vì vậy, để công nghệ blockchain có thể phát triển có hiệu quả, cần sớm có những sản phẩm ứng dụng blockchain tốt và thiết thực mới có thể phát triển bền vững và hiệu quả, ông Hải nhấn mạnh.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Bùi Minh Cần, Phó Giám đốc Hợp tác xã xoài Mỹ Xương cho biết, việc ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain trong truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm của hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã đạt được những thành công đáng kể.
Với diện tích xoài khoảng 95 ha, khó khăn lớn của Hợp tác xã này là khâu tiêu thụ, tìm kiếm thị trường. Dù các sản phẩm xoài của Mỹ Xương đã được gắn tem nhưng hiện nay tem của Hợp tác xã đã bị làm giả và các con tem không thể hiện rõ nguồn gốc xuất sứ khiến người tiêu thụ không biết nguồn gốc, không thể hiện trái xoài được thu hoạch khi nào.
Tuy nhiên, sau khi hợp tác với Công ty Infinity Blockchain Lab (IBL) - Công ty nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain duy nhất ở Việt Nam, Hợp tác xã đã vận dụng tối đa đặc tính minh bạch của blockchain. Do vậy, khâu vận chuyển là bài toán khó trước đây đã được giải quyết đưa từng công đoạn lưu trữ trên blockchain và thể hiện trên con tem định danh của trái xoài.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, công nghệ blockchain có thể trở thành công cụ hỗ trợ tích cực cho phát triển nền kinh tế số“Hệ thống quản lý blockchain sẽ được kích hoạt thông tin từ lúc thu hoạch đến khi ra đại lý và thông tin không thể thay đổi được, giả mạo tem là việc rất khó khăn. Quản lý bằng công nghệ blockchain sẽ minh bạch hơn trong đổi trả hàng hóa với đại lý và hợp tác xã. Đặc biệt, người tiêu dùng sẽ hài lòng hơn vì chỉ cần sử dụng smartphone có thể quét mã định danh trên trái xoài có thể biết nguồn gốc, thời điểm thu hoạch, biết cách bảo quan, thời gian sử dụng và thời điểm nào ăn ngon nhất. Tất cả đều được thể hiện trên con tem dán trên trái xoài”, ông Bùi Minh Cần nhấn mạnh.
Không những vậy, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) khẳng định: Công nghệ blockchain được thiết kế nhằm chống lại sự thay đổi dữ liệu, bởi lẽ thông tin trong blockchain không thể bị thay đổi và chỉ được bổ sung thêm khi có sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống. Đặc biệt là ngay cả khi nếu một phần của hệ thống blockchain sụp đổ, những máy tính và nút khác sẽ tiếp tục hoạt động để bảo vệ thông tin.
Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tuy nhiên tới nay, hầu như chưa có định hướng ở tầm vĩ mô dẫn dắt hoạt động nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ Blockchain trong các lĩnh vực kinh tế.
Đứng trước những thách thức cũng như cơ hội lớn của Blockchain với nền kinh tế số toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, VECOM khuyến nghị Việt Nam cần đẩy nhanh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain vào các lĩnh vực kinh tế, coi đây là một trong những công nghệ nền tảng cho sự phát triển kinh tế số.
“Với sự nỗ lực của nhà nước, của cộng đồng chuyên gia, các doanh nghiệp đang nghiên cứu blockchain... chúng tôi hy vọng đến năm 2020, song song với việc thế giới sẽ có chính thức các dự án blockchain hoàn thiện thì tại Việt Nam cũng sẽ chứng kiến sự thay đổi đột phá về công nghệ này giống như sự ra đời của Internet trước đây”, VECOM kỳ vọng.