Theo đánh giá mới đây của các chuyên gia phân tích tại hãng chứng khoán DSC Securities, cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2 của Công ty Cổ phần Gemadept (Cảng Gemadept, mã cổ phiếu GMD – sàn HoSE) dù mới đưa vào khai thác hồi tháng 5/2023 có thể sẽ sớm đầy công suất.
Ở thời điểm hiện tại, ước tính cảng này đã đạt 80% công suất và với lợi thế gần biển nhất so với các cảng khác tại khu vực Hải Phòng, hiệu suất sử dụng của cảng này được kỳ vọng sẽ tăng lên mức 90% vào cuối năm nay. Cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 1 & 2 hiện có tổng công suất 1,2 triệu TEU, với cầu tàu dài 880 m, trở thành cảng sông lớn nhất khu vực Đình Vũ, có khả năng tiếp nhận 4 tàu feeder (tàu dưới 3.000 TEU) cùng lúc.
Đáng chú ý, sau khi thoái vốn tại cảng Nam Hải - Đình Vũ từ quý 2/2023, Cảng Gemadept không gặp phải sự sụt giảm nào đáng kể, chủ yếu do tiến trình dịch chuyển của khách hàng từ cảng cũ sang cảng mới (cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 2). Hiện công ty đang có kế hoạch thoái nốt vốn tại cảng Nam Hải và cảng cạn Nam Hải (Nam Hải ICD) tại TP.Hải Phòng nhằm tập trung khai thác cảng Nam Đình Vũ.
Tại khu vực phía Nam, cảng Gemalink - công ty liên kết mà Cảng Gemadept chiếm 65% cổ phần - đã có lãi trở lại. Trong quý 4/2023 vừa qua, cảng Gemalink đã lập kỷ lục sản lượng mới là 30.000 TEUs khi xếp dỡ 2 tàu tỷ trọng lớn cùng lúc là CMA CGM CHENNAI và CMA CGM CHILE.
DSC Securities đánh giá, với việc Việt Nam tăng cường quan hệ hợp với Mỹ, cùng với xu hướng sử dụng các tàu lớn hơn ở tuyến nội Á, các cảng nước sâu thuộc cụm cảng nước sâu Gemalink (Cái Mép - Thị Vải) sẽ được hưởng lợi rất lớn trong dài hạn, đem lại động lực tăng trưởng lớn cho cảng Gemalink.
Ban lãnh đạo Cảng Gemadept cho biết, từ nay đến năm 2025, sẽ dồn lực để thực hiện Giai đoạn 2 của cảng Gemalink và Giai đoạn 3 của cảng Nam Đình Vũ.
Trong đó, theo quy hoạch, sau khi hoàn tất cảng Nam Đình Vũ giai đoạn 3, cụm cảng này sẽ có quy mô 65 ha, tổng công suất 2 triệu TEU, với cầu tàu dài 1,5 km, trở thành cảng sông lớn nhất tại miền Bắc, có khả năng đón được các tàu di chuyển nội Á.
Đối với giai đoạn 2 của cảng nước sâu Gemalink, Cảng Gemadept cho biết đang hoàn thiện hồ sơ để được kéo dài tối đa chiều dài cầu tàu lên mức 1,5 km nhằm đón được tàu trọng tải tới 250.000 DWT - cỡ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, tạo lợi thế cạnh tranh trong khu vực.
Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cụm cảng Gemalink sẽ có tổng công suất 3 triệu TEU. Cảng Gemalink hiện là một trong những cảng biển có mớn nước sâu nhất Việt Nam.
Đánh giá về triển vọng kinh doanh trong thời gian tới, DSC Securities nhận định tình hình kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ phục hồi tương đối yếu trong năm nay, kéo theo sản lượng xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức thấp.
Đồng thời, vấn đề căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ kéo giá cước vận tải biển tăng "phi mã" càng kìm hãm nhu cầu vận tải biển. Từ đó, sản lượng khai thác của ngành cảng biển chưa có sự khởi sắc đáng kể trong năm 2024.
Tuy nhiên, sản lượng khai thác của Cảng Gemadept được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định nhờ lượng hàng dồi dào từ các đối tác lớn. Đồng thời, công ty là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam hiện cung cấp dịch vụ logistics toàn diện bao gồm 6 lĩnh vực khác nhau, từ lúc hàng hóa rời nhà máy đến lúc trao tới khách hàng.