Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2019 giảm 0,13% xuống 60,33 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 9/2019 giảm 0,3% và được giao dịch ở mức 55 USD/thùng.
Giá dầu thế giới đang chịu sức ép giảm giá khi các dự báo về nhu cầu dầu không mấy lạc quan được đưa ra hôm qua.
Trong báo cáo hàng tháng mới nhất (ngày 12/9), cơ quan năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng “ảm đạm”, trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu và bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Theo đó, IEA cho rằng các quan hệ thương mại quốc tế đã suy yếu hơn nữa trong vài tuần trở lại đây mặc dù các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nối lại đàm phán thương mại vào đầu tháng 10 tới.
Theo IEA, căng thẳng thương mại và tình hình bất ổn gia tăng liên quan đến tác động từ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) đã làm giảm niềm tin kinh doanh và tiêu dùng, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, làm suy giảm đầu tư và thương mại, từ đó làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong bối cảnh bất ổn như vậy, IEA đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu cho năm 2019 và 2020 lần lượt ở mức 1,1 triệu thùng/ngày và 1,3 triệu thùng/ngày, vốn đã bị hạ xuống trong báo cáo của tháng trước đó. Trong sáu tháng đầu năm nay, nhu cầu dầu chỉ tăng 0,5 triệu thùng/ngày và đạt mức tăng trưởng thấp nhất là 0,2 triệu thùng/ngày trong tháng Sáu.
IEA dự đoán điều kiện kinh tế và tình hình căng thẳng thương mại sẽ không diễn biến xấu thêm trong nửa cuối năm nay. Cùng lúc đó, nhu cầu dầu được dự đoán sẽ tăng khá so với cùng kỳ năm 2018. Về nguồn cung, IEA cho biết sản lượng dầu toàn cầu đã tăng 0,53 triệu thùng/ngày lên 100,7 triệu thùng/ngày trong tháng Tám.
Bên cạnh đó, sự gia tăng sản lượng tại Mỹ, Na Uy và Brazil sẽ khiến sản lượng của các nước ngoài thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng từ 1,9 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 2,3 triệu thùng/ngày vào năm 2020, từ đó làm giảm nhu cầu đối với dầu từ OPEC.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/9. Đây là tuần thứ tư liên tiếp tồn kho dầu của Mỹ sụt giảm, và là mức giảm vượt xa dự báo của giới phân tích. Đến nay, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 69 triệu thùng, tương đương giảm 14%, so với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào đầu tháng 6.
Trước đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong một báo cáo hàng tháng cho biết nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng 1,08 triệu thùng/ngày, ít hơn 60.000 thùng/ngày so với dự đoán trước đó, đồng thời cho rằng thị trường dầu sẽ rơi vào tình trạng dư cung. Dự báo bi quan này cũng gây áp lực giảm lên giá dầu cho dù dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho dầu thô giảm tuần thứ tư liên tục.
Nhà phân tích Tariq Zahir thuộc Tyche Capital Advisors dự báo nguồn cung dầu Mỹ có thể tăng trong quý 4/2019 và quý 1/2020, và giá dầu sẽ khó hồi phục vì nhu cầu tiêu thụ dầu trong khoảng thời gian đó hàng năm thường yếu.
Dự báo của OPEC được đưa ra trong bối cảnh tiến trình Brexit ở Anh vẫn đang bế tắc, trong khi vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mới đạt được kết quả khiêm tốn. Trước đó, Mỹ cũng đã phát đi thông tin về việc xem xét nới lỏng lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Việc này nếu được thực hiện sẽ làm tăng áp lực dư cung trên thị trường khi Iran là một trong những nhà cung cấp dầu lớn trên thị trường.