Cô lập giữa dòng bão lũ
Cô hiệu trưởng người dân tộc Tày Lành Thị Nhấm có khuôn mặt tròn xoe, đôi má hồng, trán lấm tấm mồ hôi lúc này mới giãn ra được. Cô cười nụ cười hiền lành, chất phác, nói với chúng tôi: “Buổi trưa nghe tin không bố trí được xe và người vận chuyển đồ về cho các con ngay trong ngày hôm nay là tớ đã suýt khóc rồi đấy” giọng lại nghẹn ngào…
Con suối hiền hòa, nhỏ bé hàng ngày bà con huyện Bảo Lạc vẫn qua lại sau đêm bão số 3 đổ về đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là một biển nước mênh mông, đục ngầu, biến nhiều ngôi nhà, ngôi trường trong đó có trường Tiểu học Xuân Trường của cô Nhấm trở thành ốc đảo. Cả đêm thao thức nghe mưa bão gầm gào cô chỉ mong trời sáng mau để đến trường thì cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt khiến ngực của cô thắt lại, nước mắt trực trào ra... Ôi, phòng máy tính, bằng mọi giá phải cứu lấy những chiếc máy tính - tài sản lớn nhất của chúng ta! Thế là chẳng kịp nghĩ thêm, cô Nhấm cùng 4 thầy cô nữa lội vào trường, bất chấp những hiểm nguy về giật điện, rút dây, bê máy tính lên chỗ an toàn… Những bàn, những ghế, những tủ, những bảng, những sách những vở cùng toàn bộ đồ dùng dạy và học của hơn 400 học sinh tiểu học Xuân Trường đã rách nát hoặc trôi theo dòng nước lũ. Trong tận cùng tiếc nuối, cô Nhấm bỗng thấy mừng vì hôm bão về là đêm ngày thứ 7 rạng ngày chủ nhật, các con được nghỉ. Nếu vào lúc các con đang học thì không biết chuyện khủng khiếp gì nữa có thể xảy ra…
Cũng như cô Nhấm, thầy Đinh Văn Hải - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT và THCS Xuân Trường cũng nghe tin bão về từ nhiều hôm trước, thầy và trò cũng đã có sự chuẩn bị, nhưng cơn siêu bão lần này thật tàn khốc, mức độ tàn phá ghê gớm không sao lường được!
Thầy Hải đã từng trải qua một lần chạy bão hồi còn công tác ở Tuyên Quang vậy mà vẫn không khỏi bàng hoàng. Nhà thầy cách trường một cây số, thầy vừa phải lo chạy lũ cùng người vợ mới sinh và đứa con 7 tháng tuổi, vừa lo cho các con còn lưu trú tại trường. Trường của thầy là trường nội trú, có 20 thầy cô giáo và 250 học sinh. Cũng may hôm đó là cuối tuần nên trường chỉ còn lại 4 thầy cô giáo và 24 học sinh. Mưa bão lũ lụt tràn về trong đêm, 28 thầy trò, 28 con người bé nhỏ mong manh đã nương tựa vào nhau, thậm chí còn biết bảo nhau khênh xe máy và các đồ đạc giá trị của nhà trường lên chỗ cao để bảo toàn tài sản. Cũng may vẫn liên hệ được với nhau qua điện thoại và mạng internet. Đó quả là một đêm thật dài!
Sáng hôm sau hoàn lưu cơn bão, nước vẫn tiếp tục dâng và chảy rất xiết, cũng như trường tiểu học Xuân Trường của cô Nhấm, trường của thầy Hải cũng rơi vào tình trạng cô lập, nội bất xuất ngoại bất nhập, chờ nước rút…
Cùng một bờ rào với trường cô Nhấm, trường thầy Hải là ngôi trường bé nhỏ Mầm non Xuân Trường của cô hiệu trưởng Bế Thị Thu. Nếu như cổng trường của thầy Hải bị bão lũ thổi bay thì cổng trường mầm non của cô Thu lại bị chặn ngang bởi một cây to bật gốc trôi từ đâu xuống rồi mắc tại đó. Sách vở, chăn chiếu, đồ chơi của các con ngâm nước rã rời tan trong làn nước bùn đỏ ngầu nhìn không sao cầm lòng được…
Giấy rách vẫn giữ lấy lề
Người Cao Bằng vẫn lưu truyền câu nói “Xa như Yên Thổ, khổ như Đức Hạnh”, ấy là muốn nhắc tới sự vất vả, khó khăn về đường đi lối lại cũng như đời sống còn thiếu thốn, nghèo nàn của mảnh đất phía Đông Bắc của dải đất hình chữ S thân thương.
Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình chính là ba huyện điển hình cho hai đặc điểm “xa” và “khổ” đó. Nằm ở phía tây của tỉnh Cao Bằng, Bảo Lâm cách thành phố Cao Bằng khoảng hơn 164km, Bảo Lạc là hơn 130km còn Nguyên Bình là hơn 40km. Cả ba huyện đều nghèo, kinh tế chủ yếu dựa vào lâm nghiệp, đời sống thấp cho nên cơn bão số 3 vừa rồi thực sự đã và sẽ gây những ảnh hưởng rất nặng nề tới cuộc sống của nhân dân ba huyện nói chung, tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Trong 7 điểm trường của ba huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc và Nguyên Bình mà Tạp chí Công Thương cùng bạn đọc đã tìm đến trong hành trình ủng hộ khắc phục lũ lụt và tái thiết cuộc sống, Trường mầm non Xuân Trường là trường đề xuất hỗ trợ ít hơn cả. Đem thắc mắc tôi hỏi cô hiệu trưởng thì thật bất ngờ trước câu trả lời của cô: “Khó khăn thì đâu cũng có, nhưng mình nghĩ mỗi nhà hảo tâm hỗ trợ bọn mình một phần, các nhà hảo tâm cũng nên giành nguồn để hỗ trợ cho nhiều nơi khó khăn khác. Mỗi trường cũng cố gắng lần hồi thêm. Như thế sẽ có nhiều nơi nhiều trường được hỗ trợ, nhiều em được sớm đi học hơn. Gánh nặng của cả người cho lẫn người nhận như vậy cũng được san sẻ và phủ rộng hơn” - suy nghĩ của cô hiệu trưởng người Tày Bế Thị Thu - Trường Mầm non Xuân Trường giản dị song rất đỗi nhân văn quả thật khiến nhiều người trong chúng ta bỗng nhìn nhận lại bản thân mình giữa một xã hội mà đôi khi chỉ tập trung đến nỗi đau của mình mà quên đi cả cộng đồng cũng đang vật vã vì thiếu thốn ngoài kia.
Thầy Bế Đình Huấn, Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm đã thay mặt hai trường là Trường mầm non Thị trấn Pác Miầu và trường Tiểu học cơ sở Đức Hạnh nhận bàn giao bàn, ghế, tủ lạnh, gạo… Thầy xông pha bê vác, vừa khẩn trương, nhanh nhẹn, vừa quyết đoán làm sao để công việc kết thúc còn đủ thời gian cho cả đoàn quay về trường trước khi trời tối mịt!
Cả vẻ điềm đạm, giản dị và trân trọng của thầy Lục Văn Thể, đại diện cho Trường Tiểu học và THCS Đức Hạnh cũng để lại cho chúng tôi ấn tượng rất sâu đậm về một nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp tái thiết cho học sinh của mình. Thầy xốc vác hoàn thành nhiệm vụ để càng sớm càng tốt đưa đồ cứu trợ lên xe mang về cho các em học sinh.
Nhìn cái cách cô Thu, cô Nhấm, thầy Hải, thầy Huấn, thầy Thể… trân trọng nhận từng gói hàng, từng cái bộ sách , chăn, cái đệm, cái chiếu, bộ đồ chơi, bàn ghế tới những thứ rất to rất nặng như tủ lạnh, tủ động, téc nước… thận trọng bê chúng lên đặt vào xe một cách nhẹ nhàng, nâng niu đến mức không phát ra tiếng động nào… tự nó đã nói lên tất cả. Dáng vẻ tảo tần, thu vén chỉ có thể thấy ở những người cha, người mẹ mỗi khi gói gém từng món đồ quý giá rồi ước gì có thể mọc cánh bay về đưa cho bầy con đang ở nhà…
Đất trời Cao Bằng hôm đó cũng không ngừng thử thách lòng người. Trời cứ trực mưa rồi lại hửng nắng. Đang nắng gắt lại thoắt rợp mây… Theo chỉ huy của Phó Tổng biên tập Phạm Thị Lệ Nhung, chúng tôi sát cánh bên nhau hối hả hoàn thành công việc một cách chu đáo nhất!
Khi những tấm lòng đã gặp những tấm lòng
Đến 16h chiều ngày 21/9/2024, ngay tại điểm tập kết của Mặt trận tổ quốc tỉnh Cao Bằng, 280 triệu tiền mặt và gần 20 tấn hàng (theo yêu cầu cảu các trường) trị giá 575 triệu đồng đã được trao cho 7 điểm. Những tấm lòng của CBCNV Tạp chí Công Thương, bạn đọc cùng những nhà hảo tâm đã nối đuôi nhau theo những chiếc xe tô tô tải nhỏ để về với hàng ngàn trái tim đang mong ngóng.
Giám đốc Sở Công Thương Cao Bằng - bà Đồng Thị Kiều Oanh là người đã chỉ đạo và kịp thời hỗ trợ đoàn trong công tác bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa. Họ đã cùng với 14 CBNV của Tạp chí Công Thương và các cán bộ của Mặt trận tổ quốc tỉnh Cao Bằng, các thầy cô giáo sát cánh bên nhau bốc dỡ 20 tấn hàng từ chiếc tải to, từ các xe của nhà cung cấp tại Cao Bằng sang các chiếc xe tải nhỏ chia về 7 điểm trường. Chuyên viên của bà Oanh là bạn Phan Tú Lan - một cô gái mảnh mai có đôi má lúm đồng tiền xinh xắn đã trở thành một thành viên tích cực của đoàn. Lan chia sẻ với chúng tôi về điều đặc biệt mà bạn đã rất ấn tượng trong cuộc cho đi này chính là ở chỗ, Tạp chí Công Thương đã “tìm đúng nơi để cho và chọn đúng cách để tặng”.
“Trong xã hội mình các nhà hảo tâm lúc nào cũng có, nhưng dẫn dắt họ mở lòng với những ngôi trường bé nhỏ, xa xôi, hẻo lánh cùng những hạng mục thiếu thốn nhỏ như cái bát, cái chăn, quyển vở như thế này thì quả là không dễ dàng gì. Đó là việc Tạp chí Công Thương đã nghĩ ra, kết nối và tiến hành. Thật là một công trình thực sự ý nghĩa và thiết thực” - Lan nói. Và chúng tôi đã ôm chầm lấy nhau rơi lệ trong buổi chiều không thể quên đó!
Nhìn lại cả hành trình của chương trình ủng hộ mới thấy quả đúng là như vậy. Trong vòng đúng 1 tuần kể từ khi Tạp chí ra lời kêu gọi, nhóm zalo nội bộ luôn “sáng đèn” với những tin vui liên tiếp gửi về. Có cả những đóng góp của các bà là cha mẹ, anh chị em, chồng con của phóng viên Tạp chí. Có cả những nhà hảo tâm là hàng xóm của phóng viên, vốn làm về xây dựng nên rất thành thạo mua bán các vật dụng liên quan đến điện - nước, do vậy họ xung phong mua tặng trường hạng mục ống nước, vòi nước và dây điện, ổ cắm…
Đặc biệt là những doanh nghiệp như Công ty CNTech từ khi nhận được thông tin thì đã huy động cán bộ và nhân viên của 2 Công ty là CNTech và Logistic Bắc Giang quyên góp tiền để mua bàn ghế cho học sinh. Không những thế, ngày nào họ cũng nhắn hỏi xem đã có đủ tiền để mua bàn ghế chưa, nếu chưa thì xin được kêu gọi tiếp… Rồi anh chị em công ty CP Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội và các bà mẹ ở Tạp chí Công Thương đã mất 1 ngày để lựa chọn sắp xếp gần 5.000 cuốn sách giáo khoa từ lớp 6 đến lớp 9 để kịp chuyển đến cho các con có sách để bắt đầu năm học mới…
Họ chân tình chia sẻ: “Thật may là chúng tôi, những nhà tài trợ bé nhỏ và Tạp chí Công Thương đã gặp được nhau. Kết quả của nó là có hàng ngàn em học sinh của ba huyện ở Cao Bằng có sách để học, có bàn ghế để ngồi, có chiếu, đệm và chăn để ngủ, có đồ ăn thức uống, có gạo để nấu, có đồ dùng học tập, có bánh kẹo, nước giải khát, có quạt mát, tủ lạnh… Niềm vui ngày hôm nay của các thầy cô và các em sẽ là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi trong những hành trình về với cộng đồng sau này”!
Về phía “gia chủ” là các anh chị em của Tạp chí Công Thương thì đã có 1 tuần người thì ở Hà Nội mà hồn thì ở Cao Bằng bởi liên tục cập nhật tin tức, trao đi đổi lại trên zalo lại mọi thông tin liên quan đến chương trình từ thiện. Một phóng viên Hoàng Dương “đặc tình” của Sở Công Thương Cao Bằng tại Hà Nội, một phóng viên Văn Đạt “đặc tình” của Mặt trận tổ quốc tỉnh Cao Bằng tại tòa soạn, một Trưởng ban phóng viên - Bí thư Đoàn Thanh niên kiêm "bà bầu” Phương Thảo làm trưởng ban liên lạc và giám sát thi công trực nhóm 24/24 bất kể chỉ còn mươi ngày nữa là sinh em bé. Ngôi vị “nữ hoàng truyền thông” thì cả Tòa soạn cùng nhất trí phong cho phóng viên Nguyên Vỵ - Trưởng ban Chuyên đề bởi khả năng kêu gọi các nhà hảo tâm của chị, mỗi tin nhắn của chị gửi về là luôn đi kèm với một lệnh chuyển khoản vào tài khoản của Tòa soạn. Cuối cùng thì không thể không nhắc tới toàn thể anh chị em của tòa soạn trong vòng 1 tuần vừa tranh thủ mọi nguồn lực để kêu gọi các nhà hảo tâm, vừa cử người đều đặn túc trực tại tòa soạn để nhận hàng cứu trợ rồi vận chuyển vào kho để ngày cuối cùng nhau đóng gói hơn 10 tấn hàng lên xe, cùng với gần 10 tấn hàng mua tại Cao Bằng, gửi đến cho các con vùng lũ.
Chuyến đi này diễn ra khi cơn bão thứ 4 đang đổ bộ vào miền Trung, Cao Bằng cũng chịu ảnh hưởng nên dọc đường đi nhiều nơi còn mưa to. Vì lý do an toàn, chúng tôi chưa thể đến thăm điểm trường Nà Lẹng - Trường PTDTBT Tiểu học Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình - ngôi trường có lớp học bị sập mái như chương trình đã lên từ ban đầu. Có một nỗi tiếc nuối không hề nhẹ chạy vào từng tâm can mỗi thành viên chúng tôi… Tuy nhiên, những tin tức và hình ảnh về công cuộc tái thiết của 7 trường đã được các thầy cô liên tục cập nhật cho chúng tôi. Cảm giác xúc động vô cùng!
Xin được lưu ra ở đây tin nhắn của thầy hiệu trưởng trường Đức Hạnh: “Chưa bao giờ chúng em nhận được nhiều quà ủng hộ mà giá trị và thiết thực, nhanh chóng, kịp thời thế này. Anh em giáo viên chờ tăng bo hàng từ sớm đến chiều thì hoàn tất. Ai cũng phấn khởi!”
Một cuộc tái thiết đã bắt đầu. Xin được chào đón nhé, Cao Bằng - những trang viết mới!