Câu chuyện về việc tổ chức khai thác quặng bauxite trong mùa mưa ở Tây Nguyên

Những năm gần đây, Nhà máy Alumin Tân Rai của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (LDA) luôn đạt và vượt công suất thiết kế, đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên Nhà máy cán đích 675.000 tấn alumin. Có nhiều lí giải cho sự thành công đó, tuy nhiên theo các chuyên gia, một trong những yếu tố chính là họ đã làm tốt khâu tổ chức khai thác quặng bauxite trong mùa mưa.

Khủng khiếp như mưa Tây Nguyên

Với ngành khai khoáng nói chung, mùa mưa luôn luôn bất lợi. Với những người khai thác bauxite ở Tây Nguyên, điều bất lợi ấy càng nhân thêm bội phần.

Vùng đất Tây Nguyên chỉ có duy nhất 2 mùa: Mùa mưa và mùa nắng. Mùa nắng sẽ là khoảng thời gian dài 6 tháng liền không có lấy một hạt mưa nào thì mùa mưa, nước dồi dào ập tới không ngớt. Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu từ tháng 5 cho tới hết tháng 11.

Năm 2010, 2011 các đơn vị của Tập đoàn ở khu vực Lâm Đồng bắt đầu triển khai các hoạt động đào đắp, vận chuyển, san gạt đất đá cho các công trình và triển khai khai thác quặng bauxite.

Ông Vũ Minh Thành - Tổng Giám đốc LDA - chia sẻ: “Một trong những khó khăn, khắc nghiệt lớn nhất mà thiên nhiên dành cho chúng tôi là mùa mưa Tây Nguyên. Mặc dù đã được nghe nói trước về mùa mưa Tây Nguyên nhưng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi thực sự đối mặt với nó”.

Vào tâm điểm của mùa mưa (tức là mùa bão ở Biển Đông), có những đợt mưa rả rích kéo dài suốt ngày, suốt đêm, ngày này qua ngày khác, nhìn lên bầu trời chỉ thấy mây đen và mưa trắng xóa, có khi đến 30 - 40 ngày không nhìn thấy mặt trời. Mặt đất của Tây Nguyên chủ yếu là đất đỏ bazan, đặc thù chung của loại đất này là dính, bết nên vào mùa mưa ngay việc đi lại bằng xe máy và đi bộ cũng còn khó khăn chứ không nói là di chuyển bằng ô tô. Trên thực tế, bao năm qua người dân ở mảnh đất này cũng chấp nhận bó tay trước thiên nhiên, vào mùa mưa, hầu hết họ niêm cất máy xúc, ô tô, dừng các hoạt động đào đắp, vận chuyển đất đá để đến hết mùa mưa mới quay lại khôi phục hoạt động.

Thích ứng với tự nhiên, vươn lên làm chủ tự nhiên

Để đối phó với mùa mưa Tây Nguyên, ban đầu, một trong những loại phương tiện vận tải thiện chiến nhất được lựa chọn là xe vận tải khung mềm Volvo. Tập đoàn đã chỉ đạo điều động Công ty CP than Hà Tu với dàn xe Volvo thiện chiến vào đảm nhận công tác xúc bốc, vận chuyển, khai thác quặng bauxite cho Dự án Tân Rai. Tuy nhiên, với mưa và đất của Tây Nguyên, bản thân dàn xe Volvo này cũng gặp rất nhiều khó khăn, chật vật. Tiếp đến, các biện pháp kỹ thuật và thi công khả thi khác đã lần lượt được đưa ra để giải quyết vấn đề vận chuyển như tổ chức cấp phối, tăng cường các thiết bị xúc, gạt, lu, gạt lốp hỗ trợ làm đường… đều không chiến thắng nổi điều kiện tự nhiên. Kết quả là mùa mưa năm 2012, 2013, hoạt động khai thác quặng bauxite tại Lâm Đồng gần như tê liệt.

Để giải quyết vấn đề nan giải này, giải pháp bất đắc dĩ là phải lưu trữ quặng tại kho trong mùa mưa. Trước mùa mưa, LDA đã phải khai thác, đưa về kho dự trữ từ 1,0 -1,2 triệu tấn quặng. Tuy nhiên, đây là giải pháp bất đắc dĩ vì nó chứa đựng mấy nhược điểm rất lớn: Thứ nhất: Ngay khi đưa quặng lên khỏi mặt đất đã phải kê khai, nộp tất cả các loại thuế phí cho Nhà nước, cộng với chi phí khai thác trở thành một khoản chi phí rất lớn, nằm đọng lại trong kho làm ứ đọng vốn, khó khăn tài chính, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Thứ hai: Bản thân việc lưu kho làm phát sinh các loại chi phí gạt kho, thêm một lần xúc, một lần luân chuyển quặng nữa khi đưa từ kho vào bunke nhà máy tuyển. Thứ ba: Thực tế theo dõi, quản trị chất lượng cho thấy việc lưu giữ quặng trong kho một thời gian dài làm ảnh hưởng đến tính chất cơ lý, làm cho chất lượng quặng giảm xuống.

Trong hoàn cảnh này, tập thể lãnh đạo, anh em cán bộ kỹ thuật, thi công Công ty đã luôn trăn trở, nghiên cứu, tìm tòi theo rất nhiều hướng để khắc phục. Và cuối cùng, bằng việc phân tích kỹ các quy luật của tự nhiên, đặc tính cơ lý của các loại đất, họ đã xây dựng được một Mô hình tổ chức sản xuất, cộng với một sơ đồ công nghệ đường vận chuyển tối ưu để ứng phó với mùa mưa Tây Nguyên.

Theo mô hình này, các khối quặng ở dưới thung lũng sâu sẽ được ưu tiên khai thác trước trong mùa khô, các khối quặng nằm trên mặt bằng, trên cao dễ vận chuyển, cung đường ít dốc sẽ để lại tổ chức khai thác trong mùa mưa. Phần đất bóc phủ trên quặng, khối lượng không lớn, nhưng rất mềm, lầy, lún sẽ được ưu tiên bốc xúc, vận chuyển trước trong mùa khô. Trong mùa khô sẽ tổ chức thi công, hình thành cơ bản các tuyến đường vận chuyển theo nguyên tắc: đường đi trên mặt vách, trên quặng, độ dốc dọc rất thấp, thoát nước mặt đường bằng độ dốc ngang thật tốt. Trong mùa mưa, không dùng máy gạt xích, gạt lốp làm nhiệm vụ thoát nước mà sử dụng máy xúc nhỏ khơi thông các điểm thoát nước bên đường đảm bảo sau mưa không còn nước đọng trên mặt đường.

“Mô hình này được chúng tôi xác lập, thử nghiệm và hoàn thiện dần, nhưng nó rất nhanh chóng phát huy tác dụng. Từ mùa mưa năm 2014, Nhôm Lâm Đồng đã tổ chức khá tốt việc duy trì hoạt động khai thác quặng bauxite trong mùa mưa. Đến nay, việc duy trì khai thác quặng trong mùa mưa là chuyện hoàn toàn khả thi và dần trở nên bình thường, ngay cả khi trời đang mưa, thậm chí đang bão, dòng quặng bauxite vẫn nối đuôi nhau từ mỏ về nhà máy tuyển”, ông Thành cho biết.

Cũng từ khi áp dụng mô hình này, khối lượng quặng phải dự phòng trong kho giảm xuống chỉ còn nhiều nhất là 400.000 - 500.000 tấn. Và điều quan trọng là đối với các “công dân LDA”, “Mô hình tổ chức khai thác quặng trong mùa mưa” đã trở thành tri thức, thành thói quen của họ, họ đã thích ứng với tự nhiên, vươn lên làm chủ tự nhiên để thực hiện nhiệm vụ sản xuất vinh quang của mình.

 

Hương Giang