Trong ngày 31/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin ra tối hậu thư yêu cầu các đối tác nước ngoài mua khí đốt của Nga phải thanh toán bằng đồng Ruble thông qua các ngân hàng Nga kể từ ngày 1/4, nếu không nguồn cung sẽ bị cắt giảm một nửa. Điều này khiến châu Âu đối mặt nguy cơ mất khoảng 40% tổng nguồn cung khí đốt. Năng lượng hiện được xem là vũ khí chính để Nga để đối chọi lại các biện pháp trừng phạt mà các nước phương Tây áp đặt lên nền kinh tế Nga.
Hàng loạt quốc gia châu Âu đã phản đối yêu cầu của Nga, thậm chí Đức còn cho đây là hành động “tống tiền”. Trong ngày 30/3, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này đã phải kích hoạt giai đoạn đầu trong kế hoạch khẩn cấp ứng phó tình huống cạn kiệt năng lượng do lo ngại Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt.
Theo kế hoạch này, các hộ gia đình và bệnh viện Đức sẽ được ưu tiên phân bổ khí đốt hơn doanh nghiệp trong trường hợp nguồn cung bị hạn chế. Lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Đức đã cảnh báo bất cứ gián đoạn nào với nguồn cung khí đốt có thể sẽ tàn phá nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vốn chưa hồi phục hoàn toàn sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cũng cho biết Pháp đang chuẩn bị kịch bản bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Trong khi đó, Italy cho biết đang liên lạc với các đối tác ở châu Âu để có sự đáp trả cứng rắn đối với yêu cầu từ Nga. Nước này cũng cho biết đang có lượng dự trữ khí đốt đủ để duy trì các hoạt động kinh tế ngay cả trong trường hợp nguồn cung khí đốt từ Nga bị gián đoạn.
Hiện chưa rõ có một phương thức nào để các doanh nghiệp nước ngoài có thể tiếp tục thanh toán cho việc mua khí đốt Nga mà không phải dùng đến đồng Ruble trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) và nhóm nền công nghiệp phát triển (G7) đều đã bác bỏ yêu cầu từ phía Nga. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh Nga sẽ không cung cấp khí đốt “miễn phí” và "khó làm từ thiện với các khách hàng châu Âu trong tình thế hiện nay".
Việc dùng đồng Ruble để thanh toán cho các giao dịch khí đốt sẽ làm suy giảm ảnh hưởng của lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt nhằm hạn chế khả năng của Nga trong việc tiếp cận dự trữ ngoại hối của nước này. Hiện tại, khoảng một nửa trong số dự trữ ngoại hối 640 tỷ USD của Nga bị đóng băng bởi các biện pháp trừng phạt.
Từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, các nước châu Âu đã đẩy mạnh việc tìm nguồn cung thay thế khí đốt Nga. Nhưng nguồn cung trên thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã trong trạng thái căng thẳng nên châu Âu không có nhiều lựa chọn. Mặc dù Hoa Kỳ đã tăng cường xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) sang châu Âu nhưng vẫn không đủ để thay thế sự thiếu hụt từ nguồn cung của Nga.
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay khiến khu vực này đối mặt nguy cơ rơi vào suy thoái. Nhiều doanh nghiệp tại đây, đặc biệt là các nhà máy thép và hoá chất, đã buộc phải tạm ngưng hoạt động hoặc cắt giảm công suất do chi phí năng lượng quá cao. Sau tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin, giá khí đốt tại châu Âu đã tăng từ 4% - 5% tuỳ khu vực.