Giá dầu tăng khoảng 20% kể từ tháng 1 và vượt 80 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 17/5, lần đầu tiên vượt ngưỡng này kể từ năm 2014.
Với chỉ số đồng USD mạnh lên, những lo ngại ngày càng tăng về mức độ ảnh hưởng tới các nền kinh tế khi giá dầu cao, đặc biệt tại châu Á nơi liên quan tới nhập khẩu. Chi phí ngày càng tăng có thể tạo ra lạm phát và gây thiệt hại cho cả người tiêu dùng và các công ty.
Các chuyên gia cho rằng châu Á là nơi dễ bị tổn thương nhất đối với việc giá dầu gia tăng. Mỗi ngày, các nước châu Á-Thái Bình Dương đang tiêu thụ hơn 35% trong tổng số lượng 100 triệu thùng dầu sử dụng trên thế giới, trong khi châu Á lại là khu vực sản xuất dầu mỏ ít nhất thế giới, chỉ đóng góp chưa đầy 10% sản lượng.
Thị trường dầu mỏ vẫn tương đối ổn định do không có yếu tố tác động mới nào, dù bất ổn vẫn còn do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Những lo ngại về các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran đang "hỗ trợ" thị trường dầu mỏ do mọi người lo ngại các lệnh trừng phạt này sẽ làm giảm nguồn cung ứng dầu thô toàn cầu. Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhấn mạnh các yếu tố khác như căng thẳng địa chính trị, lượng dầu dự trữ sụt giảm và nhu cầu năng lượng tăng cao sẽ tiếp tục đẩy giá dầu thế giới đi lên./.