Cụ thể, trung bình trong tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê toàn cầu ICO đã tăng 3,1% lên mức 119,35 US cents/pound (0,454 kg). Qua đó, đánh dấu tháng tăng giá thứ 4 liên tiếp và chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Dữ liệu cho thấy trong nửa đầu tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê ICO được duy trì ổn định và có lúc giảm chỉ còn 115,07 US cents/pound. Tuy nhiên, trong 2 tuần cuối của tháng, giá cà phê đã tăng mạnh và có lúc đạt đến 128,34 US cents/pound vào ngày 25/2 trong bối cảnh nguồn cung cà phê được dự báo sẽ giảm xuống khi nhiệt độ tăng cao, lượng mưa thấp hơn tại Brazil – nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Tâm lý lạc quan của thị trường về triển vọng tiêu thụ cà phê trên toàn cầu khi vaccine ngừa Covid-19 được triển khai tại nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là tại các thị trường tiêu thụ cà phê lớn như Hoa Kỳ và Châu Âu cũng kéo giá cà phê tăng lên trong tháng 2/2021. Ngoài ra, việc thiếu hụt container trầm trọng trên toàn cầu cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng cao.
Trong tháng 2/2021, chỉ số giá cà phê Robusta có mức tăng giá mạnh nhất trong các loại cà phê chính trên thế giới với mức tăng 3,8% lên trung bình 73,37 US cents/pound. Đây cũng là mức tăng trung bình tháng cao nhất kể từ tháng 7/2019.
Trong khi đó, chỉ số giá cho cà phê Colombian Milds tăng 2% lên mức 176,96 US cents/pound và chỉ số giá cho các loại cà phê Arabica khác (Other Milds) tăng 3,6% lên 166,43 US cents/pound. Chỉ số giá cà phê Brazil cũng đã tăng 2,9% lên mức 120,06 US cents/pound trong tháng 2/2021.
ICO dự báo sản lượng cà phê toàn cầu trong niên vụ 2020/2021 (tháng 10/2020 – tháng 10/2021) sẽ tăng 1,9% so với niên vụ trước lên 171,9 triệu bao (60 kg/bao), chủ yếu do sản lượng cà phê Arabica tăng mạnh 5,2% lên mức 101,88 triệu bao.
Nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu được ICO dự báo sẽ tăng nhẹ 1,3% lên mức 166,63 triệu bao trong niên vụ 2020/2021 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu dần phục hồi nhưng các biện pháp giãn cách xã hội vẫn tiếp tục áp đặt tại nhiều khu vực và việc tiêu thụ cà phê tại các nhà hàng, quán cà phê ở mức thấp.
Dự kiến thị trường cà phê toàn cầu sẽ dư thừa 5,27 triệu bao cà phê vào cuối niên vụ 2020/2021. ICO cho biết, trong tháng 1/2021, lượng cà phê xuất khẩu toàn cầu đạt 10,21 triệu bao, sụt giảm nhẹ so với mức 10,59 triệu bao hồi tháng 1/2020.
Tuy nhiên, tính chung 4 đầu đầu năm niên vụ 2020/2021 (từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021), tổng lượng xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 41,88 triệu bao, tăng 3,7% so với cùng kỳ niên vụ trước.
Dữ liệu của ICO cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021, lượng xuất khẩu cà phê Robusta trên toàn cầu đã tăng 2,6% lên 14,88 triệu bao. Trong khi đó, lượng xuất khẩu cà phê Colombian Milds tăng 3,4% lên 5,1 triệu bao và lượng xuất khẩu các loại cà phê Arabica khác tăng 11,9% lên 5,84 triệu bao. Lượng xuất khẩu cà phê Brazil tăng mạnh 21,8% lên 16,06 triệu bao trong giai đoạn trên.
ICO cho biết lượng cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 10/2020 đến tháng 1/2021 đã giảm 10,4% xuống còn 7,88 triệu bao. Nguyên nhân chủ yếu do việc thu hoạch diễn ra chậm cùng với đó là sự gia tăng cạnh tranh từ các nước xuất khẩu cà phê Robusta khác.
Trong khi đó, lượng xuất khẩu cà phê nhân của Indonesia trong cùng kỳ đã tăng mạnh 24,2% lên 2,47 triệu bao. Xuất khẩu cà phê nhân của Ấn Độ, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ ba khu vực Châu Á, đã giảm 7,1% xuống 1,31 triệu bao trong giai đoạn từ tháng 10.2020 đến tháng 1/2021.