Vì sao phải gấp rút tăng năng suất lao động?
Nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước trong những chuyến công tác tại Quảng Ninh, về thăm thợ mỏ đã phải khẳng định, chưa có ngành nghề nào chăm sóc thợ mỏ chu đáo như thế. Thợ mỏ giờ đây xe đón tận quê để đi làm. Ví dụ những ai quê ở Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, ở Kinh Môn, Thanh Hà, Hải Dương đã có xe đón mà là xe máy lạnh, video. Đến mỏ được ăn tự chọn với vài chục món cao cấp như tại một khách sạn; quần áo bảo hộ lao động, dụng cụ lao động có người phát tận tay. Giữa ca có người mang bồi dưỡng đến tận nơi; cuối ca ra lò tắm, xông hơi; quần áo trút ra có người giặt. Lại xỏ tay túi quần lên xe đưa về tận… quê. Điều đặc biệt trong công tác chăm sóc thợ lò là, nếu thợ lò có ý kiến hợp lý sẽ được đáp ứng ngay. Và quan trọng hơn cả, tất cả các chi phí trên đều được đưa vào giá thành sản xuất. Theo tính toán, tới đây, Vinacomin sẽ kết thúc khai thác tại nhiều khu vực và đưa mỏ xuống sâu. Việc tăng sản lượng than ngày càng khó khăn do sản lượng than lộ thiên giảm. Hiện nay, TKV chủ yếu khai thác than hầm lò với tỷ lệ hầm lò trên tổng số than nguyên khai là gần 65%, tăng tới 20 triệu tấn than hầm lò chỉ trong vài năm. Khai thác than hầm lò xuống mức sâu hơn, đương nhiên sẽ phải chịu giá thành cao hơn như: chi phí thông gió, thoát nước, chi phí đi lại, vận tải than, vật liệu, chi phí điện năng, công tác an toàn v.v... Tất cả các chi phí trên sẽ tăng theo chiều dài của mỗi mét lò.
Ngoài ra, hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Quảng Ninh đang phải chịu áp lực rất lớn về công tác an toàn, môi trường và công tác xã hội. Mỗi năm, toàn Tập đoàn chi phí hàng ngàn tỷ đồng cho công tác hoàn nguyên môi trường sau khai thác mỏ. Nhiều khu vực dân cư chủ yếu là các gia đình thợ mỏ nằm trên địa bàn gần khu mỏ cũng được xây dựng đường xá, trồng cây xanh, cảnh quan v.v... Tất cả các chi phí trên đều được trích trên đầu tấn than khai thác để thành lập các loại quỹ về môi trường, công tác xã hội… Vì những lý do đó mà hiện nay giá thành khai thác của nhiều đơn vị tăng cao. Nhưng dường như, những chi phí đó đã là những yếu tố không thể cắt giảm…
Trong khi đó, theo thống kê về năng suất lao động, mặc dù TKV đã nỗ lực cao trong việc đầu tư đổi mới khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất… năng suất lao động đã tăng khá nhưng dường như chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều lò chợ cơ giới hóa đồng bộ đã đưa vào khai thác cũng như nhiều máy đào lò liên hiệp đưa vào đào lò, nhưng còn chưa phát huy hiệu quả. TKV hiện có nhiều máy đào lò loại AM-50 không thể hoạt động trong lò do các điều kiện địa chất không phù hợp. Một số lò chợ cơ giới hóa cũng không thể phát huy hết công suất do địa chất phức tạp. Tỷ lệ than khai thác bằng cơ giới hóa trong vòng hơn chục năm nay vẫn chỉ dừng ở mức chưa đến 5% trong tổng sản lượng khai thác. Thợ mỏ vẫn lao động thủ công là chính. Trên thực tế cho thấy, tốc độ tăng các chi phí đầu tư, chi phí sản xuất cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động. Như vậy, bài toán duy nhất để phát triển TKV vẫn là vấn đề nằm ở năng suất lao động.
Nâng cao chất lượng đội ngũ CBCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TKV để tăng năng suất lao động (Ảnh sưu tầm)Giải pháp tăng năng suất lao động hiện tại...
Không thể cắt giảm những chi phí cho các chỉ tiêu công nghệ, chăm
lo đời sống thợ mỏ, Vinacomin chỉ còn con đường duy nhất là tăng năng suất lao
động. Đây chính là một trong những giải pháp cốt lõi, mang tính quyết định để hạ
giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay của
TKV.
Vì những lẽ đó, những năm gần đây, TKV đang chỉ đạo sâu sát đến các
đơn vị bằng nhiều giải pháp đồng bộ như: Chú trọng tổ chức sản xuất ở từng vị
trí sản xuất, từng gương lò, từng đơn vị một cách hợp lý, khoa học theo hướng
tăng tỷ lệ lao động trực tiếp, giảm lao động gián tiếp và phụ trợ; quản lý tốt
lao động hiện có, quản lý hiệu quả ngày, giờ công, tận dụng tối đa thời giờ làm
việc tại gương để tăng năng suất lao động, nâng cao sản lượng. Chẳng hạn, các
gương khấu lò chợ phải bố trí tối đa các cặp khấu theo công nghệ để nâng cao
năng suất tại gương, việc tổ chức sản xuất phải khoa học và thực sự hợp lý; các
gương đào lò phải bố trí đủ lao động, không để tình trạng thiếu hoặc thừa ảnh
hưởng đến năng suất lao động. Từng tổ đội, phân xưởng của các đơn vị cũng quan
tâm đến việc đào tạo được các cặp thợ, nhóm thợ, đội thợ đa năng sẵn sàng đảm
nhận giải quyết các công việc tại các vị trí khó khăn, các diện, các công trình
trọng điểm nhằm đẩy mạnh sản xuất tăng năng suất lao động… Cùng với đó, TKV duy
trì, đẩy mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chỉ đạo của các phó quản đốc,
lò trưởng, gương trưởng; quản lý tốt công tác kỹ thuật cơ bản, vệ sinh công
nghiệp; nghiệm thu sản phẩm phải đảm bảo chất lượng tránh việc làm đi sửa lại ảnh
hưởng đến năng suất lao động. Về cơ chế tiền lương, TKV khoán cả quỹ lương đối với bộ máy
quản lý, phòng ban, các đơn vị không làm ra sản phẩm. Các đơn vị phải giao
khoán tiền lương cho từng phòng ban, phân xưởng trên cơ sở định biên lao động từng
đơn vị, nếu tiết kiệm được lao động thì được hưởng nguyên tổng tiền lương
khoán. Đối với các đơn vị sản xuất chính làm ra sản phẩm đơn vị xây dựng hệ thống
định mức lao động phù hợp với điều kiện thực tế để các đơn vị phát huy hết khả
năng đạt năng suất lao động cao nhất…
… và dài hơi
Mục tiêu phát triển giai đoạn 2016-2020 của TKV đặt ra là: Phát triển Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trở thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của Tập đoàn. Để hoàn thành được "sứ mệnh" của mình như trên, TKV đưa ra nhiều giải pháp dài hơi như: Tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng, đầu tư phát triển khoa học, đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các cơ sở sản xuất, nâng cao mức độ an toàn, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến độ các dự án quyết định tăng trưởng của Tập đoàn trong các lĩnh vực để hoàn thành và hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2015-2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 đã đề ra; trước mắt tập trung ưu tiên đẩy mạnh các dự án khai thác mỏ than hầm lò; đổi mới quản trị doanh nghiệp, áp dụng phương pháp quản trị hiện đại; luôn tạo ra và duy trì động lực phát triển; mở rộng quan hệ quốc tế; phát triển thị trường, duy trì và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp. Trong đó xác định nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCN Mỏ là những nhiệm vụ trọng tâm; không ngừng đổi mới, hoàn thiện tổ chức sản xuất; phát triển nguồn nhân lực lành nghề, thạo việc, trung thành; tăng cường dân chủ, giữ vững đoàn kết tạo ra sức mạnh tổng hợp, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho người lao động, đặc biệt là đội ngũ thợ lò.
Ngoài ra, Vinacomin cũng quan tâm nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật để giảm tổn thất than trong khai thác. Việc làm này không những có ý nghĩa bảo vệ và tiết kiệm tài nguyên, mà còn đem lại những hiệu quả kinh tế to lớn. Trước đây, tình trạng tổn thất than trong khai thác các mỏ hầm lò lên tới 40% đến 50%. Thậm chí có những mỏ cao hơn do điều kiện địa chất phức tạp không thể khai thác được. Đối với các vỉa mỏng, dốc có điều kiện địa chất phức tạp (góc dốc vỉa lớn, biến động, đá vách khó sập đổ), nhiều mỏ chưa huy động phần tài nguyên này vào khai thác hoặc có huy động nhưng hiệu quả khai thác thấp, chủ yếu khai thác bằng phương pháp đào lò lấy than có chi phí giá thành khai thác lớn, tỷ lệ tổn thất than cao. Nguyên nhân chủ yếu do hiệu quả khai thác không cao (so với các vỉa dày) và đặc biệt chưa lựa chọn được công nghệ khai thác phù hợp. Tuy nhiên, con số tổn thất hiện nay chỉ là trên 27% đến 31% và TKV đang phấn đấu ở mức dưới 20% tương lai…