Với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam đạt được các cam kết tại COP26 và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được nêu trong Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đồng chủ trì, Cục Xúc tiến thương mại làm đầu mối tổ chức Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh năm 2024 (GEFE 2024) tại Trung tâm Hội nghị Thiskyhall, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 21/10 đến 23/10/2024. Sự kiện này nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển bền vững Việt Nam - EU thông qua các phiên đối thoại toàn diện, phối hợp đầu tư, chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ.
Tham dự các hoạt động chính của GEFE 2024 trong ngày 21/10/2024 về phía Việt Nam có đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cùng Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng, tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Về phía Lãnh đạo cấp cao của châu Âu có ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu; ông Ville Tavio, Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Hợp tác Phát triển Phần Lan; bà Inga Ziliene, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Cộng hòa Lithuania; bà Rhiannon Harries, Phó Cao ủy Thương mại Vương Quốc Anh phụ trách Đông Nam Á; ông Julien Guerrier, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; ông Yuko Yasunaga, Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), cùng với Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) và các doanh nghiệp, tập đoàn của Châu Âu.
GEFE 2024 là cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, giao lưu trực tiếp với hơn 150 diễn giả, bao gồm đại diện cấp cao từ chính phủ Việt Nam - EU, các tổ chức quốc tế, chuyên gia từ những tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp, mang đến những góc nhìn đa dạng về chuyển đổi xanh.
Các sự kiện, hoạt động chính trong khuôn khổ GEFE 2024 bao gồm Lễ khai mạc, Tham quan Triển lãm Kinh tế Xanh, Phiên toàn thể cấp cao diễn ra vào ngày 21/10/2024 với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan của Việt Nam cùng với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu và các Lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu cũng như các doanh nghiệp hai Bên nhằm thảo luận về các chính sách phát triển bền vững, kế hoạch quốc gia về năng lượng, quản lý rủi ro khí hậu nhằm thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2021-2030.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài phát biểu tại Phiên toàn thể cấp cao GEFE 2024. Với sự đồng hành của Bộ Công Thương và EuroCham, Phó Thủ tướng đánh giá cao chủ đề sự kiện năm nay - “Kiến tạo Tương lai Xanh”; bước sang năm thứ ba, Diễn đàn đã trở thành một trong những sự kiện thường niên quy mô và uy tín hàng đầu Việt Nam, một hình mẫu về hợp tác công tư trong tăng trưởng xanh, bền vững.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đã nhấn mạnh sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam - EU đã phát triển rất toàn diện; nỗ lực của EU trong quá trình xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh là động lực và kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa các-bon vào năm 2050.
Với thành công của GEFE 2024, Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác, xác định tăng trưởng xanh phải góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.
Cũng trong khuôn khổ GEFE 2024, hơn 30 phiên thảo luận trải khắp 10 chủ đề xanh cấp bách như chính sách phát triển năng lượng, Quy hoạch điện VIII (PDP8), năng lượng tái tạo, thị trường carbon, công trình xanh... đến từ các lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu đổi mới, sinh viên và các nhà hoạch định chính sách từ Châu Âu, Việt Nam và khu vực Đông Nam Á sẽ mang đến cho doanh nghiệp những thông tin mới về công nghệ, chính sách và quy định đang định hình tương lai bền vững của Việt Nam. Các diễn đàn này sẽ là nền tảng để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu và Việt Nam, góp phần thúc đẩy một nền kinh tế Việt Nam xanh, bền vững thông qua việc chia sẻ sáng kiến, ý tưởng và chuyển giao công nghệ.
Với vai trò là cơ quan đồng chủ trì tổ chức GEFE 2024, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với EUROCHAM tổ chức Triển lãm Kinh tế Xanh với quy mô hơn 200 doanh nghiệp và gian hàng triển lãm, bao gồm 50 doanh nghiệp Hà Lan và 13 khu gian hàng đến từ châu Âu, quốc tế và Việt Nam thuộc các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, nông nghiệp bền vững, kinh tế tuần hoàn, xử lý nước, rác thải, môi trường... trong đó Khu gian hàng chung của các doanh nghiệp Việt Nam với sự tham gia của 4 Trung tâm Xúc tiến thương mại và 20 doanh nghiệp trưng bày các sản phẩm và giải pháp phù hợp với chủ đề của Triển lãm.
Khu gian hàng chung của các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng với thiết kế mở và nhận diện thống nhất, được phân theo hai lĩnh vực ngành hàng chính là công nghiệp xanh và nông nghiệp xanh của Việt Nam. Đồng thời cũng trong khuôn khổ GEFE 2024, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với EuroCham tổ chức Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Châu Âu với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam và châu Âu.
Nhân dịp tham dự GEFE 2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp song phương với ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu và ông Ville Tavio, Bộ trưởng phụ trách Ngoại thương và Phát triển, Bộ Ngoại giao Phần Lan nhằm tăng cường, mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đồng thời đề nghị và mong muốn EU:
(i) Tiếp tục thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh, đồng thời hỗ trợ và tạo điều kiện để Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng Xanh cũng như hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050;
(ii) Sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA);
(iii) Hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường chứng chỉ các-bon;
(iv) Tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh và công nghiệp phát thải thấp...
Cùng với đó hai bên cần tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác.
Bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, trong nỗ lực triển khai nền ngoại giao của thời đại mới, Việt Nam cam kết quyết tâm cùng EU đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển xanh và bền vững của khu vực và thế giới, vì một hành tinh xanh và một tương lai xanh cho tất cả cộng đồng.